(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/9, bên lề khóa họp thường kỳ lần thứ 30 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Việt Nam cùng Bỉ, Chile và Ghana đồng tổ chức buổi tọa đàm quốc tế về “Quyền trẻ em và doanh nghiệp: Cẩm nang thực thi và các thực tiễn tốt”.
Buổi toạ đàm có sự tham dự của diễn giả từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Uỷ ban Luật gia quốc tế (ICJ), đại biểu đại diện khoảng 30 nước và tổ chức quốc tế cùng nhiều tổ chức phi chính phủ.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, phát biểu tại cuộc tọa đàm, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại quốc tế và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đánh giá cao “Cẩm nang hướng dẫn triển khai Bình luận số 16” của Uỷ ban Công ước Quyền trẻ em do UNICEF và ICJ phối hợp soạn thảo nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên trong việc cải thiện khung pháp luật, chính sách để hạn chế tác động của các hoạt động kinh doanh đến việc thụ hưởng quyền trẻ em.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành tại phiên khai mạc của một khóa họp Hội đồng Nhân quyền. Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: Tố Uyên, TTXVN
Đại sứ Nguyễn Trung Thành đề cao nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia của Việt Nam nhằm thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước về Quyền Trẻ em, trong đó, bên cạnh Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Việt Nam cũng đã lồng ghép các quy định bảo vệ quyền trẻ em trong quá trình xây dựng và sửa đổi các luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là Luật doanh nghiệp năm 2014.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng nhấn mạnh với các văn bản pháp luật hiện hành, Việt Nam đã có đủ khung pháp lý cơ bản để xử lý các doanh nghiệp có các hoạt động gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thụ hưởng các quyền của trẻ em như buôn bán các thực phẩm, sản phẩm độc hại cho trẻ em, gây ô nhiễm môi trường sinh sống học tập vui chơi của trẻ em hoặc sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức…
Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về bảo vệ và chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015, Chính phủ Việt Nam đề cao biện pháp huy động các nguồn lực và hỗ trợ tài chính từ doanh nghiệp để triển khai các dự án chăm sóc trẻ em tại các tỉnh thành, đồng thời có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xã hội như lập và trao thưởng Trách nhiệm xã hội Doanh nghiệp.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa trong thực hiện các nghĩa vụ thành viên Công ước về Quyền trẻ em và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với UNICEF, Uỷ ban Công ước Quyền trẻ em và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực này.
TTXVN