(TT&VH) - Nga và Ukraina vừa rơi vào một cuộc tranh cãi đặc biệt liên quan tới văn hóa, trong đó cả 2 nước đều ra tuyên bố nói rằng họ sở hữu chung một số nhân vật cổ tích nổi tiếng.
Tranh cãi nổ ra sau khi một tổ chức du lịch ở Nga xuất bản một “bản đồ cổ tích nước Nga”, với ý định sẽ đưa du khách đi tham quan các địa danh gắn liền với những nhân vật cổ tích này.
3 nhân vật gây tranh cãi
Bản đồ nói rằng có 17 thị trấn tại Nga là quê nhà của 20 nhân vật cổ tích, tất cả đều được yêu mến bởi những người nói tiếng Nga ở các nước Liên Xô cũ. Nhưng một hãng tin Ukraina đã lập tức lên tiếng phản bác rằng có ít nhất 3 nhân vật trong bản đồ Nga đã bị người ta “nhận vơ” một cách trắng trợn từ di sản văn hóa Ukraina. Phía Ukraina nói rằng họ đã xuất bản trước Nga một bản đồ tương tự, trong đó nêu rõ các tích liên quan tới những nhân vật tranh chấp.
Bản đồ cổ tích gây tranh cãi giữa Nga và Ukraina |
Các tranh cãi hiện liên quan tới 3 nhân vật trong truyện cổ tích. Đó là Kolobok, một chiếc bánh ngọt luôn tươi cười, bằng trí thông minh đã băng qua khu rừng một cách an toàn, thoát khỏi nanh vuốt của những con gấu tham lam. Trên bản đồ cổ tích, Kolobok được cho là tới từ vùng Ulyanovsk.
Những nhân vật nổi tiếng trong truyện cổ tích Nga 1. Ông già tuyết và cháu gái Trinh nữ tuyết. Nhân vật này rất giống ông già Noel của phương Tây, nhưng sẽ đưa quà vào dịp năm mới thay vì lễ Giáng sinh. 2. Cheburashka, một con thú nhỏ dễ thương với đôi tai to rất được trẻ em Nga ưa thích và đã từng là linh vật cho Thế vận hội Moskva 1980. 3. Mụ phù thủy độc ác Baba-Yaga chuyên ăn thịt trẻ em và sống trong một cái lều đi trên hai chân gà. 4.Chú cá vàng trong truyện cổ tích do Alexander Pushkin viết, có khả năng biến mọi điều ước thành sự thật. 5. Người gỗ Buratino, giống với nhân vật Pinocchio trong văn hóa Italia.
Đó còn là người hùng Ilya Muromets. Đây là một nhân vật anh hùng thần thoại nổi tiếng của nước Nga, đã xuất hiện trong nhiều thiên anh hùng ca dân gian khác nhau. Cùng với Dobrynya Nikitich và Alyosha Popovich, Ilya được tôn sùng như là một nhân vật vĩ đại nhất trong các bogatyr (hiệp sĩ giang hồ thời trung cổ của nước Nga).
Theo truyền thuyết, Ilya là con trai của một người tá điền, sinh tại làng Karacharovo, ở gần thành phố Murom. Thuở nhỏ, ông bị mắc trọng bệnh và không thể đi lại cho tới tận tuổi 33 và chỉ có thể nằm yên bên cạnh một chiếc lò sưởi. Thế rồi ông được 2 người hành hương chữa khỏi bệnh một cách kỳ lạ và được một hiệp sĩ đang hấp hối có tên Svyatogor ban cho sức mạnh hơn người. Với sức mạnh này, Ilya đã tiến tới giải phóng thành phố Kiev khỏi tay Idolishche và đưa nó trở lại quyền cai trị của Hoàng tử Vladimir Mặt trời đẹp. Trên đường đi, một mình Ilya đã bảo vệ thành phố Chernigov khỏi bị những kẻ du mục xâm chiếm và được trao tặng danh hiệu hiệp sĩ, điều ông đã từ chối. Trong cánh rừng Bryansk, ông đã giết con chim yêu quái Solovei-Razboinik, chuyên giết người bằng tiếng hót rất mạnh của nó. Cuối cùng là Kurochka Ryaba, một con gà mái biết đẻ trứng vàng.
Động cơ kinh tế
Chiếc bánh ngọt thông minh Kolobok là nhân vật được nhiều trẻ em ở Nga và các nước nói tiếng Nga ưa thích
Giành quyền sở hữu nhân vật cổ tích là tranh chấp mới nhất giữa Nga và Ukraina, sau khi đôi bên đã có nhiều mâu thuẫn liên quan tới vấn đề khí đốt, biên giới và quyền giữ Hạm đội Biển Đen của Nga. Tuy nhiên, các nhà sáng tạo bản đồ cổ tích của Nga đã gọi những tuyên bố của Ukraina là “ngu ngốc”. “Tất cả ba nhân vật trên thuộc về bản đồ cổ tích của chúng tôi và sẽ chẳng đi đâu cả” - Alexei Kozlovsky thành viên Hiệp hội Các cộng đồng Nga tuyên bố - “Các chuyên gia văn hóa địa phương và những nhà nghiên cứu về thần thoại đã tham gia vào việc tạo nên bản đồ của chúng tôi nên không thể sai được”.
Phía Ukraina khăng khăng tuyên bố cả 3 nhân vật đều có gốc gác của nước này. Riêng trong trường hợp của Kolobok, các nhà ngôn ngữ học Ukraina nói rằng từ “kolo” trong ngôn ngữ nước này có nghĩa là “tròn”. Lý giải này cũng có nghĩa Kolobok mang hộ chiếu Ukraina.
Song ông Kozlovsky không chấp nhận cách lý giải ấy. “Theo logic, bạn cũng có thể cho rằng thành phố Colorado của Mỹ có gốc Ukraina vì nó đặt theo từ kolo” - ông nói - “Chuyện này có thể gây nên những tranh cãi không có hồi kết. Thực tế có một từ tiếng Nga là kolob, với ý nói tới bột bánh hình tròn. Tại vùng Ulyanovsk, nơi sinh ra Kolobok, bột bánh đã được cho nở theo một cách thức truyền thống gọi là ‘kolebyatka’”.
Nghe có vẻ như bên nào cũng có những lý giải thuyết phục. Nhưng thực tế thì rất nhiều nền văn hóa và nhiều nước có những câu chuyện cổ tích tương tự Kolobok, trong đó có thể là một chiếc bánh ngọt, bánh mỳ gừng hoặc bánh gạo khôn ngoan đã trốn thoát khỏi những kẻ muốn ăn nó.
Và Nga cũng không phải là nước đầu tiên tìm cách hưởng lợi từ văn hóa dân gian và truyện cổ tích. Mới đây, Ủy ban Du lịch Đức cũng đã giới thiệu một tấm bản đồ tương tự, trong đó hướng dẫn du khách tới ngọn tháp của công chúa tóc dài Rapunzel, cánh rừng nơi hai anh em Hansel và Gretel đi qua...
Người Nga dường như cũng đã nhận ra rằng truyện cổ tích có thể mang lại những giá trị kinh tế rất to lớn. Mùa Hè này, một công viên giải trí được xây dựng theo mô hình Disneyland dự kiến sẽ khai trương tại Ulyanovsk và hiển nhiên chiếc bánh ngọt vui tính Kolobok sẽ có một vị trí rất trang trọng ở đây. “Mùa Hè này chúng tôi sẽ chứng kiến tour du lịch cổ tích đầu tiên ở Nga” - ông Alexei Kozlovsky tuyên bố - “Hiển nhiên sẽ có nhiều chuyến đi tới các vùng Ulyanovsk, Yaroslavl và Kirov”.
Tường Linh