Trong 24 giờ qua, thế giới thêm hơn 425.000 ca mắc mới và gần 4.600 ca tử vong vì Covid-19

Thứ Ba, 14/12/2021 08:36 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h sáng 14/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 270.962.197 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.327.249 ca tử vong.

Dịch Covid-19 sáng 14/12: F0 tăng mạnh do người dân chủ quan, Hà Nội tập trung tối đa cho tuyến cơ sở

Dịch Covid-19 sáng 14/12: F0 tăng mạnh do người dân chủ quan, Hà Nội tập trung tối đa cho tuyến cơ sở

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Tổng số ca đã khỏi bệnh là 243.551.157 ca và số bệnh nhân đang được điều trị là 22.083.791 ca.      

Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 818.821 ca tử vong trong tổng số 50.934.624 ca mắc. Kế đến là Ấn Độ với 475.640 ca tử vong trong số 34.703.508 ca mắc; Brazil ghi nhận 616.980 ca tử vong trong tổng số 22.191.949 ca mắc.       

Trong 24 giờ qua, trên toàn thế giới có thêm 425.233 ca mắc mới, 425.972 trường hợp khỏi bệnh và 4.576 ca tử vong. Nga là quốc gia ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới trong một ngày qua với 1.121 ca. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất với 67.926 ca.    

Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 13/12 tuyên bố biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng và sẽ chiếm đa số ca mắc COVID-19 ở thủ đô London trong vòng 48 giờ tới. Ông Javid cũng cho biết nước này có kế hoạch mở rộng quy định "giấy thông hành" COVID-19, bao gồm yêu cầu tiêm mũi vaccine tăng cường ngay khi tất cả người trưởng thành có cơ hội tiêm mũi này. Bên cạnh đó, nếu được Quốc hội thông qua trong ngày 14/12, công dân Anh từ ngày 15/12 sẽ phải trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 để được vào hộp đêm và các sự kiện lớn, ngoại trừ những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Cambridge, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước sự lây lan của biến thể Omicron, CH Cyprus cũng đã áp đặt một loạt hạn chế mới. Theo đó, kể từ ngày 15/12, Bộ Y tế Cyprus yêu cầu tất cả những người được chẩn đoán nhiễm biến thể Omicron phải cách ly bắt buộc tại các cơ sở do chính phủ chỉ định. Những người tiếp xúc gần với các ca này sẽ phải cách ly tại nhà, bất kể tình trạng tiêm chủng. Bên cạnh đó, Cyprus sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế với những người chưa tiêm phòng ít nhất tới ngày 15/1/2022. Cụ thể, các trường hợp này sẽ không được tham dự những sự kiện đông người như đám cưới, không được đến các địa điểm công cộng, nhà hàng, quán cà phê và các địa điểm giải trí khác.

Cyprus cũng quyết định rút ngắn khoảng cách tiêm mũi thứ hai vaccine ngừa COVID-19 với mũi tăng cường (mũi thứ ba) từ 6 tháng xuống còn 5 tháng rưỡi, đồng thời cấp phép tiêm chủng cho trẻ em trên 5 tuổi. Ngoài ra, sau ngày 15/12, hành khách nhập cảnh vào nước này sẽ phải làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 72 giờ kể từ khi đến, trừ trường hợp họ đã tiêm mũi tăng cường.         

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nỗ lực tương tự nhằm hạn chế nguy cơ lây lan biến thể Omicron, giới chức y tế Đan Mạch cho biết nước này sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người trên 40 tuổi. Thời gian đủ điều kiện tiêm mũi thứ ba này là 4 tháng rưỡi tính từ mũi tiêm thứ hai.         

Hiện 80,6% dân số trên 5 tuổi ở Đan Mạch đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Tuần trước, quốc gia Bắc Âu này đã tái áp đặt một loạt biện pháp hạn chế, đóng cửa các trường học và khuyến khích làm việc từ xa để ứng phó với số ca mắc mới tăng mạnh.         

Tại khu vực Mỹ Latinh, Bộ Y tế Cuba thông báo tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng tăng cường, trong đó sử dụng các loại vaccine nội địa gồm Abdala và Soberana Plus. Các trường hợp đủ điều kiện tiêm gồm những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và những người đã tiêm phòng đầy đủ được 6 tháng với bất kỳ loại vaccine nào, dù là công dân Cuba hay nước ngoài. Chương trình tiêm chủng tăng cường ở Cuba hiện không áp dụng cho người dưới 18 tuổi, những người đang điều trị bệnh khác tại thời điểm tiêm phòng, người mắc bệnh mãn tính hay bệnh nhân ung thư. Phụ nữ có thai và những người có tiền sử dị ứng vẫn được tiêm vaccine Abdala và Soberana Plus.         

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại La Habana, Cuba, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tính đến ngày 12/12, Cuba đã hoàn thành tiêm phòng COVID-19 cho 9.357.454 người, tương đương 83,7% dân số, trở thành nước có tỷ lệ dân số được tiêm chủng cao nhất khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (88,4%).   

Trong khi đó, từ ngày 14/12, một số quy định tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc sẽ chính thức có hiệu lực ở thành phố New York của Mỹ, đúng 1 năm sau khi y tá Sandra Lindsay trở thành công dân Mỹ đầu tiên được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer. Theo đó, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi từ 14/12 và trẻ em từ 12 tuổi trở lên sẽ phải tiêm chủng đầy đủ từ 27/12 để vào nhà hàng và tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường. Chính quyền thành phố đông dân nhất nước Mỹ cũng ấn định 27/12 là thời hạn chót để toàn bộ 184.000 doanh nghiệp trong thành phố phải yêu cầu nhân viên xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 13/12 đã thông qua việc lập các trạm kiểm soát theo diện “Xét nghiệm & Lên đường” tại các cửa khẩu ở 4 tỉnh vùng cực Nam là Songkhla, Yala, Narathiwat và Satun kể từ giữa tháng 1/2022. Tuy nhiên, ngày mở cửa chính thức của các trạm kiểm soát này vẫn cần được các nhà chức trách Thái Lan và Malaysia ấn định.   

Trong khi đó, các cơ quan liên quan đang làm việc để thiết lập một hệ thống kiểm tra giấy chứng nhận vaccine cả dưới dạng văn bản và trực tuyến, xét nghiệm du khách vào ngày đầu tiên đến, đảm bảo tất cả các khách sạn đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và y tế, cũng như tất cả các nhà hàng, phương tiện giao thông, trung tâm thương mại… đáp ứng các biện pháp phòng COVID-19.   

Tại Indonesia, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan đã kêu gọi người dân không xuất ngoại trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron. Bộ trưởng Luhut nhấn mạnh tình hình đại dịch COVID-19 tại Indonesia đã được cải thiện, đồng thời kêu gọi toàn thể người dân hợp tác nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới.    

Trước đó cùng ngày, Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng tại Java và Bali từ ngày 24/12/2021 đến ngày 3/1/2022, đồng thời áp dụng các quy định đặc biệt trong dịp lễ cuối năm như đóng cửa các quảng trường, cấm tổ chức các hoạt động mừng Năm mới.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›