(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ không phát động một cuộc chiến hạt nhân và nhấn mạnh kho vũ khí hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích phòng thủ.
- Nhận diện 7 đối thủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước 'giờ G'
- Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn chương trình vũ khí quốc gia trị giá 340 tỉ USD
Theo hãng tin Nga RT ngày 7/3, trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Putin nêu rõ Moskva sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp nước này trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân. Khi đó, Nga hoàn toàn "có lý do chính đáng để đáp trả".
Nhà lãnh đạo Điện Kremlin thừa nhận việc để nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ là một thảm họa của nhân loại và cho toàn thế giới. Tuy nhiên, là một công dân và là người đứng đầu nhà nước Nga, Tổng thống Putin tuyên bố ông có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của quốc gia mình. Ông khẳng định sự tồn vong của đất nước là điều quan trọng nhất đối với ông.
Cuộc phỏng vấn trên nằm trong bộ phim tư liệu do nhà báo Vladimir Solovyev sản xuất, tổng hợp từ nhiều cuộc phỏng vấn riêng với Tổng thống Nga. Bộ phim tập trung khai thác quan điểm của Chính phủ Nga về vị thế của nước này trong thế giới đương đại.
Trước đó, ngày 1/3, trong bản Thông điệp liên bang trình bày trước Quốc hội Nga, Tổng thống Putin thông báo nước Nga đã và đang tăng cường tiềm lực quân sự và phát triển nhiều loại vũ khí mới. Nhiều loại vũ khí mới được ông nhắc tới có các tính năng kỹ thuật cho phép chúng có thể xuyên thủng hoặc vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân có lẽ là loại vũ khí thu hút sự chú ý nhất.
Tổng thống Putin miêu tả đây là loại “tên lửa hành trình khó theo dõi dù bay ở tầm thấp, được trang bị đầu đạn hạt nhân, có khả năng bay không giới hạn và theo các lộ trình khó xác định… là mục tiêu mà các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không không dễ bắn hạ”. Hệ thống đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân giúp loại vũ khí này có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không nhờ việc tăng tầm bắn và khả năng điều hướng. Tầm bắn được cải thiện giúp các loại tên lửa này có thể đi theo những hành trình mà các hệ thống radar phòng không không giám sát được, đồng thời khả năng điều hướng cũng giúp giảm thiểu việc các tên lửa bị đánh chặn.
Một loại vũ khí siêu vượt âm (HGV) mới có tên Avangard với phần đầu là tên lửa đạn đạo cũng gây chú ý không kém. Sau khi bay vào không gian, đầu đạn siêu vượt âm tách ra và quay trở lại quỹ đạo, nhưng không đi theo đường đạn mà “trượt” tới mục tiêu và có thể hay đổi hướng bay. Điều này cho phép đầu đạn tránh được tầm phủ sóng của rađa và hệ thống đánh chặn. Trung Quốc cũng đang phát triển các HGV để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Á.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 “Sarmat” không phải là loại vũ khí mới, song cũng được Tổng thống Putin nhấn mạnh trong bài phát biểu với khả năng xuyên thủng “hàng phòng vệ” của Mỹ. Ông nhấn mạnh loại tên lửa này không bị giới hạn bởi tầm bắn và thậm chí còn có thể mang theo nhiều đầu đạn.
Các nước phương Tây sau đó đã cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của luật pháp quốc tế về kiểm soát giải trừ quân bị. Trong khi đó, Moskva khẳng định quyết sách của mình nhằm đảm bảo duy trì cân bằng hạt nhân trên thế giới, một điều cần thiết vì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.
TTXVN/Báo Tin tức
Tags