(TT&VH) - Trong sự phát triển của Hà Nội, các khu chợ dân sinh vốn được coi là một nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống thuận tiện với giá cả phải chăng cho người dân thành phố. Đồng thời, các chợ dân sinh trở thành môi trường giao tiếp xã hội bền chặt và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng từ vài năm gần đây, chúng đang bị thay thế nhanh chóng bởi các siêu thị lớn nhỏ, khu trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng.
Thực phẩm được bán ở các siêu thị trong thành phố. (Nguồn: Internet)
Sự hiện diện của các tập đoàn lớn trong thành phố là một điều tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa, nhưng làm thế nào để điều hòa lợi ích của các nhóm này với lợi ích của số đông người dân có thu nhập trung bình? Nói cách khác, liệu Hà Nội có đang vướng vào sai lầm mà nhiều nước thu nhập trung bình đang mắc phải là theo đuổi tăng trưởng, vô tình hạn chế cơ hội tiếp cận với nguồn thực phẩm tươi sống giá rẻ của người dân, phá vỡ các môi trường giao tiếp xã hội để thay thế bằng vẻ văn minh hào nhoáng?
Cuộc tọa đàm do Tổ chức HealthBridge Canada cùng Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng Lạc Việt, Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa (Đại học Hawaii, Hoa Kỳ) tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, lúc 14 giờ ngày 17/3 sẽ đưa ra các lí giải xung quanh vấn đề trên.
P.V