(Thethaovanhoa.vn) - Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội 21/11: F0 cộng đồng tiếp tục tăng trong 24h qua, nhận định F0 sẽ tăng cao dịp Tết...
Ngày 21/11, Hà Nội có ba xã, phường ở cấp độ 3 về phòng, chống dịch COVID-19
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 21/11, Hà Nội ghi nhận 218 ca F0, trong đó có 100 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly, phong tỏa.
Số ca mắc mới ghi nhận tại 25 quận, huyện, trong đó nhiều nhất là các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Quốc Oai, Hoàng Mai, Đống Đa, Gia Lâm… và thuộc 13 chùm ca bệnh, ổ dịch. Trong đó chủ yếu là chùm ho, sốt thứ phát, 19 ca thuộc ổ dịch làng Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai); 10 ca thuộc chùm liên quan ổ dịch thôn Mới (xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ); 9 ca liên quan ổ dịch Phú Đô (quận Nam Từ Liêm)…
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 7.726 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 2.852 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 4.874 ca.
Trước đó, ngày 19/11, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành thông báo số 800/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đến ngày 19/11.
Theo đó, cấp độ dịch của thành phố là cấp độ 2; cấp quận, huyện, thị xã: có 4 quận, huyện cấp độ 1; 26 quận, huyện cấp độ 2; cấp xã, phường: có 447 xã, phường cấp độ 1, 99 xã, phường cấp độ 2 và 3 xã, phường cấp độ 3.
- Hà Nội ghi nhận 217 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 106 ca cộng đồng
- Học sinh lớp 9 ở vùng xanh của 17 huyện, thị xã tại Hà Nội đi học từ ngày 22/11
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhận định, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tiếp tục tăng với nhiều ổ dịch. Do đó, một số quận, huyện có các ổ dịch cần thần tốc truy vết các ca bệnh và trường hợp liên quan. Trong công tác tiêm chủng, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của thành phố ở mức cao, song các quận, huyện cần đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 cho người trên 50 tuổi.
Ngay khi nhận được vaccine từ Bộ Y tế, Sở Y tế đã phân bổ kịp thời tới các quận, huyện. Thành phố đã chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và sẵn sàng triển khai khi vaccine được phân bổ.
Hà Nội hướng dẫn triển khai cơ sở thu dụng, điều trị cho người mắc COVID-19
Ngày 21/11, Sở Y tế vừa ban hành văn bản khẩn số 632/SYT - NVY về việc hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 tại các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị: Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại các địa bàn xã, phường, thị trấn có chức năng quản lý, theo dõi, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ; thu dung, khám, điều trị cho người bệnh COVID-19 nhẹ, không triệu chứng tại quận, huyện; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh COVID-19 tiến triển ở mức độ vừa và nặng; kiểm soát, ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19) và ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.
Đối tượng được thu dung, cách ly, quản lý, điều trị là người bệnh COVID-19 không có triệu chứng: Là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR dương tính nhưng không có triệu chứng lâm sàng; người mắc COVID-19 mức độ nhẹ, có viêm đường hô hấp trên cấp tính bao gồm: Người mắc COVID-19 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: sốt, ho, khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/ phút, SpO2 ≥ 96 % khi thở khí trời (Căn cứ Quyết định số 4689/QĐ - BYT ngày 06/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19). Tuy nhiên không tiếp nhận các trường hợp người bệnh COVID-19 là phụ nữ mang thai; người mắc bệnh lý nền.
Tên cơ sở được gọi là “Trạm Y tế lưu động” do UBND quận/huyện phê duyệt, đồng thời là giấy phép hoạt động (theo hướng dẫn tại Quyết định số 4042/QĐ - BYT). Mô hình tổ chức căn cứ điều kiện thực tiễn của từng quận, huyện, thị xã để đề xuất mô hình tổ chức và ban quản lý điều hành Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19) phù hợp với tình hình của địa phương.
Các “Trạm Y tế lưu động” bố trí cơ sở vật chất hạ tầng có khu vực đón tiếp, trạm gác bảo vệ trực 24/24 giờ; bố trí khu điều trị, buồng xử lý dụng cụ có đủ phương tiện cho khử khuẩn…
Bảo Anh (tổng hợp)
Tags