“Hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác y tế và phòng, chống dịch COVID-19, sáng 20/6, tại Hà Nội.
Còn tình trạng lơ là tiêm vaccine
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ cuối tháng 3/2022 đến nay, dịch COVID-19 có xu hướng giảm tương đối ổn định. Trong những ngày gần đây, cả nước ghi nhận dưới 700 ca/ngày, thấp nhất trong gần 12 tháng qua (thời kỳ đỉnh dịch trên 170.000 ca/ngày). Trong 30 ngày qua, có 21 ngày không ghi nhận ca tử vong.
Đến ngày 17/6/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 225,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (tỷ lệ sử dụng đạt 98,6%). Trong tháng 5/2022, cả nước triển khai được khoảng 3 triệu liều mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tổ chức Y tế thế giới nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của COVID-19 có thể làm dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến số ca mắc COVID-19 tăng trong thời gian tới. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, với diễn biến dịch bệnh trên thế giới có thể xảy ra 2 tình huống. Thứ nhất, chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa nhưng đã có miễn dịch cộng đồng nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng. Thứ hai, biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
“Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, tiêm nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân có ý thức phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, một số nơi xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là đối với việc tiêm vaccine, có tâm lý sợ trách nhiệm khi không tiếp nhận vaccine đã có quyết định phân bổ. Thậm chí, có tâm lý chủ quan của người dân sau khi mắc bệnh khỏi không muốn tiếp tục tiêm vaccine do không được cung cấp thông tin cụ thể về việc người đã tiêm chủng đủ các liều cơ bản vẫn cần tiêm nhắc lại do miễn dịch do vaccine tạo ra giảm theo thời gian, vẫn có nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm khi có biến chủng xuất hiện. Công tác vận động, huy động người dân tham gia tiêm chủng tại địa phương chưa hiệu quả...
“Tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine COVID-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Quảng Nam, Hải Phòng, Khánh Hòa… nêu một số nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 ở địa phương thấp do còn thiếu thông tin về tác dụng phụ của vaccine; công tác truyền thông dịch bệnh thời gian qua giảm; mọi hoạt động đời sống, sản xuất, kinh doanh trở lại như bình thường; số ca mắc trên địa bàn giảm, triệu chứng nhẹ, đa phần người dân tự điều trị khỏi; việc vận động học sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa tiêm vaccine gặp khó khăn do nghỉ hè…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, trên thực tế, có xuất hiện tâm lý lo lắng của người dân về tác dụng phụ của việc tiêm vaccine, đặc biệt đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, Hải Phòng quán triệt tới các quận, huyện, phấn đấu trước ngày 30/6, tiêm 100% cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; trước ngày 30/8 tiêm mũi 3 cho 100% người trên 18 tuổi.
Đối với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi hiện đang đạt tỷ lệ tiêm 50% và quyết tâm đến tháng 8/2022 hoàn thành 100%, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ kinh nghiệm, tỉnh này phân cấp rõ trách nhiệm từng cấp chính quyền cơ sở và lực lượng y tế, công an. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, Quảng Ninh tổ chức tiêm tuyệt đối an toàn, “điểm tiêm càng xa càng phải tổ chức đầy đủ kíp cấp cứu để người dân yên tâm đến tiêm đúng lịch, đủ mũi”.
Không được để thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
Thông tin rõ hơn về những vấn đề liên quan đến tác dụng phụ của tiêm vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia đều xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân. Hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
“Hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiêm vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, vì vậy người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, chậm nhất ngày 22/6, Bộ Y tế sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc tiêm vaccine mũi 4; đồng thời, sớm có văn bản gửi các địa phương, bộ, ngành ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm, đấu thầu ở địa phương, cơ sở y tế để phối hợp điều chỉnh, bổ sung.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các địa phương có văn bản chỉ đạo cụ thể việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4; ngành Y tế xây dựng phương án tiêm cụ thể ở từng khu vực để chủ động rà soát, tổng hợp, thống kê, không bỏ sót danh sách người tiêm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội phải vào cuộc vận động người dân tham gia tiêm chủng. Đặc biệt, sở y tế các địa phương phải tham mưu việc tiêm vaccine cho tất cả các đơn vị, cơ quan đóng trên địa bàn, quyết liệt thực hiện tiêm trong các doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, điểm du lịch, cơ sở lưu trú…
Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất, dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa chấm dứt, do đó, cả nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đồng thời đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Nhấn mạnh một trong những giải pháp kiểm soát dịch bệnh trước đây và trong tương lai là bao phủ tiêm vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc mở rộng đối tượng tiêm mũi tăng cường (mũi 3, mũi 4), hạ thấp độ tuổi trẻ em được tiêm vaccine.
Nêu những khó khăn hiện nay trong triển khai tiêm vaccine, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế phải hệ thống lại tất cả các văn bản để hướng dẫn chi tiết việc tiêm vaccine tăng cường. Các địa phương thống nhất số lượng mũi tiêm với các nhóm đối tượng cụ thể; đồng thời, tăng cường tuyên truyền các thông tin, đặc biệt về các chủng mới có thể xuất hiện, làm rõ các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine để vận động người dân đi tiêm an toàn trong thời gian trước mắt và lâu dài. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần gương mẫu trong thực hiện tiêm vaccine và có chế tài xử lý phù hợp.
Về biện pháp phòng, chống dịch V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, nêu rõ những nơi bắt buộc thực hiện hoặc những nơi chỉ khuyến khích, vận động thực hiện.
Nhấn mạnh không được để thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể, nhất là hoạt động đấu thầu tập trung.
Trên cơ sở tập hợp mọi vướng mắc của địa phương trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ Y tế khẩn trương làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có văn bản tháo gỡ. Bảo hiểm y tế Việt Nam nắm lại tình hình thanh toán cho những trường hợp bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong quá trình điều trị.
- Điện Biên tồn 51.000 liều vaccine phòng Covid-19
- Mỹ phê duyệt tiêm vaccine mRNA ngừa Covid-19 cho trẻ 6 tháng đến 5 tuổi
- TP.HCM tổ chức hàng trăm điểm tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19
“Bộ Y tế có trách nhiệm tập trung tháo gỡ những vấn đề cụ thể, vì người bệnh, tuyệt đối không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Diệp Trương/TTXVN
Tags