Thế giới đánh giá cao Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021, đã nhận được sự quan tâm sâu sắc và đánh giá cao của bạn bè quốc tế.
* Truyền thông quốc tế: Đưa tin đậm nét
Hãng tin Tân Hoa (Trung Quốc) cho biết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc sáng 1/2, điểm lại các phiên họp của Đại hội XIII, trong đó tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái đắc cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tân Hoa xã nêu rõ Đại hội đã nhất trí các mục tiêu và định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045, cũng như mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho giai đoạn 2021-2025.
Báo halonoviny.cz (CH Séc) đăng bài viết đề cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong 5 năm qua, đồng thời nhận định Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là dấu mốc quan trọng đối với định hướng phát triển của Việt Nam. Đáng chú ý, bài báo trích dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII, đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần củng cố niềm tin, tạo ra động lực mới để đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Bài báo nêu rõ hiện nay Việt Nam được biết đến là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là một trong những thành tựu to lớn của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm gần đây, góp phần tạo động lực để xác định tầm nhìn phát triển đất nước trong tương lai.
Một số tờ báo lớn tại Malaysia đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái đắc cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời thông tin về phiên họp bầu Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Báo The Star nhấn mạnh trong nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ tập trung vào nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, đồng thời giải quyết các thách thức từ bên ngoài. Với kết quả bỏ phiếu của Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không có thay đổi lớn trong định hướng địa chính trị hoặc định hướng kinh tế của đất nước.
Tờ Free Malaysia Today nêu bật trong suốt 5 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đấu tranh chống tham nhũng. Báo Malaysiakini cũng đưa tin nổi bật về cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tờ NewStraitsTimes ngày 1/2 dành nửa trang báo trong chuyên mục Thế giới đưa tin về kết quả Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài báo nêu rõ chủ trương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết chống tham nhũng đã được đa số người dân Việt Nam và các đảng viên ủng hộ, đồng thời nhận định một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ tới là thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng. Tờ Malaymail cũng đưa tin kết quả Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh nhiệm kỳ tới Việt Nam sẽ tập trung vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045.
Báo Asia Nikkei (Nhật Bản) đưa tin Đại hội XIII đã quyết định trao cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trọng trách lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ tới. Dẫn thông tin về kết quả các cuộc bầu cử tại Đại hội XIII, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) nhấn mạnh kết quả bỏ phiếu đã phản ánh thành tựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp đất nước kiểm soát được đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, một số tờ báo lớn của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) như Thương báo, Đông phương, trang tin tức lớn nhất Hong Kong “HK01”, trang mạng news.rthk.hk… cũng đồng loạt đưa tin về kết quả bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Truyền thông Hong Kong đề cao công tác phòng chống tham nhũng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang tiến hành, đồng thời cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng trong thời gian tới.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) bình luận kết quả Đại hội cho thấy Việt Nam đang chú trọng sự ổn định của nhà nước. Việt Nam sẽ duy trì lập trường và chính sách hiện nay, mở cửa với thế giới bên ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo điện tử Times Kuwait của Kuwait cho rằng năm 2021 là năm đầu tiên ban lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.
Phát huy những thành tựu của đất nước sau 35 năm Đổi mới, với sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, Việt Nam đang vững bước vào năm 2021 với tư duy mới, sẽ sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh. Đây là cột mốc đánh dấu bước ngoặt đối với Việt Nam trong 5 năm tới với niềm hy vọng lớn lao của người dân rằng dưới sự lãnh đạo của ban lãnh đạo mới, Việt Nam quyết tâm tiếp tục thể hiện vai trò tích cực trong việc xây dựng và định hình các thể chế đa phương với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Hãng tin Reuters (Anh) cũng đưa tin về Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đặc biệt đề cập tới mục tiêu phục hồi kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới dựa vào sự kết hợp có điều chỉnh giữa các thỏa thuận thương mại tự do, thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân và các biện pháp chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt. Các hãng truyền thống quốc tế như France24, Rappler, Channel News Asia (CNA), The Guardian.... cũng đưa tin Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam bầu ban lãnh đạo mới.
* Chuyên gia Nga: Uy tín của Việt Nam trên thế giới ngày càng tăng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ chính trị Artyom Lutkin, Phó Giám đốc Viện Phương Đông - Trường nghiên cứu quốc tế và khu vực thuộc DVFU, chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là sự kiện quan trọng nhất trong đời sống chính trị của Việt Nam, mà còn là một sự kiện quốc tế quan trọng. Ông Lutkin nhấn mạnh trong những tháng qua, trên các phương tiện truyền thông thế giới đã xuất hiện nhiều thông tin, bình luận về Đại hội. Sự quan tâm đó chứng tỏ vai trò ngày càng gia tăng đáng kể của Việt Nam không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn trên chính trường toàn cầu.
Giáo sư Viện Phương Đông thuộc trường DVFU Alexander Sokolovsky, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt tỉnh Primorsky cũng đánh giá rất cao về sức mạnh và khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Giáo sư Sokolovsky khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đảng của nhân dân, vì nhân dân, luôn lắng nghe tiếng nói và tâm trạng của nhân dân. Đảng đã kịp thời đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ Đại hội lần thứ VI đến nay. Việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là bằng chứng nổi bật về sự ổn định của Việt Nam.
Tiến sĩ Chính trị Evgeny Vlasov - quyền Hiệu phó phụ trách Hợp tác quốc tế trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (DVFU), nhà Việt Nam học, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam về chính sách đối ngoại của Việt Nam - nhận định: Dựa trên mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định là đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, có thể thấy điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ cần xây dựng quan hệ kinh tế một cách phù hợp và hiệu quả ở cả trong nước và với nước ngoài, trước hết là với các đối tác phương Tây, mở cửa biên giới cho đầu tư nước ngoài. Mặc dù số lượng đối tác rất lớn, nhưng với việc Đảng Cộng sản Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đất nước hài hòa và nâng cao phúc lợi cho người dân, ông Vlasov tin rằng Việt Nam sẽ thực hiện thành công chính sách đối ngoại của mình.
* Chuyên gia Cuba: Đại hội Đảng của Việt Nam đóng góp quý báu cho lịch sử dân tộc và chủ nghĩa xã hội quốc tế
Theo đánh giá của bà Nancy Coro Aguiar (Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Đại Dương, Ban Đối ngoại, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba), kể từ Đại hội lần I năm 1935 tới Đại hội lần XII năm 2016, tất cả các kỳ đại hội đã diễn ra của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn mang lại những đóng góp quý báu cho quá trình phát triển của dân tộc cũng như chủ nghĩa xã hội ở cấp độ quốc tế. Với các quyết sách qua các kỳ đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có dấu ấn bao trùm trong mỗi cột mốc của lịch sử cận đại đầy biến động của dân tộc.
Bà Nancy Coro khẳng định, mỗi kỳ đại hội Đảng đều đề ra các mục tiêu phát triển toàn diện cho đất nước và hoàn thành được các mục tiêu này sau đó, từ việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước nghèo, biến Việt Nam trở thành nước công nghiệp hướng tới một quốc gia xã hội chủ nghĩa phát triển, một mục tiêu mà bà tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng năm 2030, hoặc vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, năm 2045.
Điều quan trọng là Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu đó mà không bao giờ đánh mất chủ nghĩa Marx-Lenin cùng tư tưởng Hồ Chí Minh, chứng minh được sự nhất quán về tư tưởng và khẳng định các chính sách đúng đắn của Đảng trong suốt chiều dài lịch sử đã đặt Việt Nam vào vị thế được tôn trọng và có ưu thế trên trường quốc tế, bảo vệ được tình đoàn kết, nền độc lập và chủ quyền của dân tộc bằng nỗ lực của chính mình, cho thấy năng lực và hiệu quả lãnh đạo vận mệnh của đất nước.
* Chuyên gia Ấn Độ: Việt Nam đóng vai trò quốc tế quan trọng tại các diễn đàn toàn cầu
Trang mạng của Quỹ Quốc tế Vivekananda (VIF) ngày 30/1 đăng bài viết của ông Brig Vinod Anand - nghiên cứu viên cao cấp tại VIF - đánh giá những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời nhận định quan hệ Việt-Ấn sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh dưới thời ban lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài viết cho biết Đại hội XIII sẽ quyết định ban lãnh đạo mới của đất nước, xây dựng lộ trình tương lai để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và phát triển quan hệ với các quốc gia và các tổ chức đa phương. Trong bối cảnh đó cần nhìn lại những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như các lĩnh vực khác.
Năm 2020, nền kinh tế vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương và Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng GDP cao nhất. Việt Nam được dự báo sẽ đạt trở lại tốc độ tăng trưởng 6,8-7% vào năm 2021 và tốc độ này dự kiến sẽ được duy trì trong những năm tới. Mức tăng trưởng này cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này phản ánh một thực tế rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã có thể vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức trên con đường phát triển đến ngày nay.
* Chuyên gia Singapore: Đề cao tầm nhìn phát triển năm 2045 của Việt Nam
Ông Yang Razali Kassim - biên tập viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) - nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan trọng. Đây là sự kiện quan trọng trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu có sự chuyển giao lãnh đạo để hiện thực hóa mục tiêu mới là vào năm 2045 trở thành một “nền kinh tế phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đối với những mục tiêu chiến lược mà đại hội vạch ra, theo ông Yang, quan trọng nhất chính là tầm nhìn 2045 đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển và đây sẽ là sứ mệnh mà ban lãnh đạo mới ở Việt Nam sẽ gánh vác sau Đại hội.
Ông Yang nêu rõ dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã giữ vững sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Theo ông Yang, mục tiêu chính của Đảng Cộng sản Việt Nam là đưa đất nước trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21. Việt Nam đã là một trong số ít quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững bất chấp đại dịch COVID-19. Vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đưa ra định hướng quốc gia, có tính đến những thay đổi chiến lược ở quốc gia, khu vực xung quanh và trên toàn cầu. Đáng chú ý, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh trong quá trình Đổi mới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua đó giúp Việt Nam phát triển ổn định bất chấp đại dịch COVID-19.
Minh Trà (tổng hợp)/TTXVN