Theo Bộ Y tế đến nay cả nước còn 340 ca COVID-19 nặng; Bộ Y tê yêu cầu tiếp tục phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu nâng cấp dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron lên thành "biến thể đáng lo ngại".
Gần 9,35 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi
Theo Bộ Y tế, ngày 14/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.895 ca nhiễm mới đều trong nước (giảm 331 ca so với ngày trước đó) tại 46 tỉnh, thành phố (có 1.585 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 2.589 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.695.036 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.069 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.687.283 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.594.640), TP. Hồ Chí Minh (608.929), Nghệ An (483.429), Bắc Giang (386.439), Bình Dương (383.645).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã điều trị khỏi ở nước ta là 9.349.592 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.302.381 trường hợp, trong đó có 340 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ôxy qua mặt nạ: 267; Thở ôxy dòng cao HFNC: 41; Thở máy không xâm lấn: 9; Thở máy xâm lấn: 21; Thở ECMO: 2.
Tiếp tục phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong do COVID-19
Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát trên phạm vi cả nước, trong tuần, cả nước ghi nhận khoảng 2.000 ca trong cộng đồng mỗi ngày và dưới 3 ca tử vong mỗi ngày.
Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.
Đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo ca bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ triển khai các thủ tục, chính sách đối với người nhiễm bệnh và mua thuốc điều trị COVID-19.
Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.
- Cả nước có 1.895 ca mắc mới Covid-19 và 5.563 ca khỏi bệnh
- Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
- Cả nước có 2.227 ca mắc mới Covid-19, hơn 9.000 ca khỏi bệnh
Từ hôm nay, Việt Nam tạm dừng yêu cầu phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh
Kể từ 0h ngày 15/5, Việt Nam đã tạm dừng yêu cầu phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh.
Trước đó, Việt Nam cũng tạm dừng yêu cầu khai báo y tế với người nhập cảnh từ 0h ngày 27/4 và cả khai báo y tế nội địa từ 0h ngày 30/4.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 366.000 ca mắc COVID-19 và 700 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 520,6 triệu ca, trong đó trên 6,28 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Australia (50.434 ca), Đức (40.929 ca) và Nhật Bản (39.228 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (107 ca), Đức (98 ca) và Italy (91 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 84 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,6 triệu ca mắc và trên 664.000 ca tử vong.
Ngày 13/5, Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã có sự điều chỉnh phân loại với các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron, nâng cấp lên thành "biến thể đáng lo ngại" và bày tỏ quan ngại về một làn sóng dịch trong mùa hè này.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Tags