Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên chất vấn tập trung vào các vấn đề: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng chính phủ số, chính quyền số; công tác kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chính phần chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát biểu về vấn đề chất vấn. Thay mặt ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trân trọng cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, hỗ trợ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu giúp ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đa số các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đều liên quan đến công cuộc chuyển đổi số. Phần lớn cuộc sống và hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số. Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, giúp chúng ta đẩy nhanh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, thể chế số, quản lý số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau.
“Nếu chúng ta không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ là không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số, mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức sâu sắc vấn đề này và có nhiều cố gắng trong những năm qua. Có những việc đã làm được, nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những nhức nhối của xã hội, vấn đề mới phát sinh. Bộ luôn coi những vấn đề này là động lực để thúc đẩy ngành phát triển.
Các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên chất vấn, dưới các góc nhìn, cách tiếp cận trong các ngữ cảnh khác nhau sẽ giúp cho ngành thông tin và truyền thông nhìn thấy rõ hơn, toàn cảnh hơn về ngành, các vấn đề tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của ngành, để từ đó hé mở những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới để phát triển bền vững, góp phần cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Việt Đức/TTXVN
Tags