PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: Đạo đức khó 'đong đếm' nhưng không mơ hồ

Thứ Năm, 09/01/2014 13:41 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - “Dù không phải giảng viên dạy môn Đạo đức học, nhưng tiêu chí giảng dạy đại học của tôi là dạy chuyên môn phải song song với đạo đức nghề nghiệp, nhất là nghề báo. Đó là hai yếu tố không thể tách rời” - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết.

Là người làm giáo dục đại học lâu năm, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng dù tiêu chí đạo đức thật khó đong đếm nhưng cần được coi là một “tiêu chí vàng”.

* Bà có theo dõi Dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó có đề xuất miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% thí sinh. Bà đón nhận thông tin này thế nào?

- Tôi không ngạc nhiên vì năm nào Bộ GDĐT cũng có điều chỉnh, sửa đổi, nhằm đổi mới chất lượng đào tạo. Nếu năm nào cũng phải làm vậy, thì rất nên làm với tư thế hoàn toàn chủ động, và mang tính chiến lược, phải thiết lập một triết lý đào tạo bền vững và lâu dài, chứ đừng nên làm mỗi năm một ít, theo cách lẻ tẻ, với các biện pháp tình thế.

* Trong đề xuất miễn thi đặt ra yêu cầu cơ bản là học sinh phải có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, không chỉ xét đến phần học lực mà còn phải xét cả phẩm cách đạo đức của học sinh. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Khi xác định miễn thi mà chỉ theo tiêu chí nghiêng lệch về chuyên môn xem ra chưa cân bằng và công bằng, vì vấn đề đạo đức trong học tập còn rất nhiều điều đáng lưu tâm. Ngay cả xét chuyên môn cũng rất khó, vì nếu căn cứ thuần vào bảng điểm, liệu có đảm bảo rằng học sinh đạt được kết quả đó không nhờ “phao”, nhờ chép bài bạn hay “chạy” để có một bảng điểm đẹp. Theo tôi, bảng điểm đó cần phải có “bảo đảm” bằng vàng là tinh thần học tập, đạo đức.

* Nhưng tiêu chí đạo đức dường như hơi khó “đong đếm", vậy làm cách nào để xét tiêu chí đạo đức nhằm miễn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh?

- Có thể tiêu chí đạo đức mơ hồ, nhưng không phải là không thể nắm bắt. Nhà nước vừa có luật mới “gia hạn” cho những GS, TS đến tuổi về hưu nhằm tận dụng được chất xám. Nhưng để được xét thì phải căn cứ vào rất nhiều tiêu chí, trong đó ngoài năng lực họ sẽ xem thầy cô có được sinh viên yêu mến về cách giảng dạy, và luôn đổi mới, cải tiến cách giảng dạy không. Hay nói cách khác anh có đạo đức nghề nghiệp không.

Bằng cách nào đó, ngoài năng lực chuyên môn, người ta vẫn phải xét anh ở khía cạnh đạo đức. Theo tôi, năng lực chuyên môn phải được gắn với đạo đức nhà nghề, nhất là nghề dạy học, nên mới có cái gọi là lương tâm nghề nghiệp.

Trong giảng dạy cho sinh viên tôi luôn tâm niệm mình nên/phải giảng dạy theo cách truyền nghề, truyền hết những tinh hoa, những kinh nghiệm làm nghề cho các em. Ngoài dạy chuyên môn còn phải dạy các em cách làm người, dù tôi không phải giáo viên dạy các em môn Đạo đức.

* Nói như vậy, ngành giáo dục không cần thiết phải xây dựng hẳn một môn học Đạo đức?

- Những bài học về đạo đức ít ra phải dễ hiểu, dễ tiếp thu, kiểu như chương trình “Quà tặng cuộc sống” hay tủ sách dạy làm người. Tiếc là trong nhà trường chúng ta có hẳn một môn Đạo đức nhưng lại được giảng dạy quá giáo điều, khô cứng, và kết quả thu được chẳng bao nhiêu.

* Những biến đổi trong xã hội hiện nay khiến nhiều người cực kỳ lo ngại về đạo đức xã hội. Và lúc này người ta quy trách nhiệm cho ngành giáo dục…

- Quả thực đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng, các chuẩn mực đảo lộn hết. Bây giờ chân dài, đại gia là chuẩn sống số 1. Rất nhiều điều khủng khiếp xảy ra hàng ngày đang minh chứng cho sự xuống cấp này.

Con người ta, về nguyên tắc, bao giờ cũng được sinh ra trong gia đình và trưởng thành ngoài xã hội. Tam giác gia đình - nhà trường - xã hội phải chung tay chịu trách nhiệm dạy người ta thành người. Cho nên giờ mới thấy việc giáo dục cho người ta thành người (thành nhân) liên quan đến toàn bộ quá trình đào tạo người về kiến thức trong các cấp học, chứ không phải chỉ dạy một môn Đạo đức là xong.

Cho nên, nếu quy kết trách nhiệm, phải liên kết 3 nơi cùng gánh chịu: gia đình, nhà trường, xã hội. Tất nhiên, trách nhiệm nhà trường nói riêng hay giáo dục nói chung đến đâu cần xác định cho rõ.

Triết lý căn bản của giáo dục chính là để dạy người thành người. Cụ Hồ đã nói “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Nói về đạo đức, Cụ Hồ đâu cần nói những điều đao to búa lớn, thí dụ Cụ cho rằng người tốt là làm được việc tốt, thật nhiều việc tốt. Đó là người lớn, còn trẻ con, như búp trên cành, chỉ cần “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Cụ cũng nhấn mạnh, con người ta được mẹ sinh ra thì ai cũng như ai, họ thành ai là do giáo dục mà nên.

Hiện nay xã hội ta đang thiếu vắng quan niệm cụ thể và rành rẽ, giản dị về Đạo đức, biến môn giáo dục đạo đức thành thứ khô cứng hoặc thành những giáo huấn rất xa cách thực tiễn đời sống hôm nay...

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Khi tôi đưa các sinh viên báo chí về thăm và viết bài về nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, các em phải cất công đi đường xa về tận nơi tìm hiểu, chứ không có chuyện ngồi nhà bịa tác, chế biến thành bài báo. Đến thăm người nghệ nhân có cuộc sống khó khăn, ngoài việc lấy tin viết bài, các em còn biết cảm thương chia sẻ khi chứng kiến tận mắt gia cảnh khốn khó của người nghệ nhân già đam mê theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống. Đó là những bài học cụ thể nhất về đạo đức làm nghề, đạo đức làm người ngay từ khi các em còn là sinh viên báo chí - (PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái).

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›