(Thethaovanhoa.vn) - Liên tục trong 4 tháng qua, tình hình ở khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng bởi các cuộc điều quân của các bên đến khu vực này, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Trong một động thái mới nhất, rạng sáng ngày 22/2/2022 (theo giờ Hà Nội), Nga đã công nhận nền độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine. Ngay lập tức nhiều nước trên thế giới đã có phản ứng trước bước đi này của Nga.
Cùng nhìn lại những sự kiện chính trong vấn đề Ukraine trong 4 tháng vừa qua.
- Ngày 3/11/2021, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo khoảng 100 nghìn bính lính Nga tập trung cách biên giới khoảng 260 km. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nga áp dụng chính sách cứng rắn hơn với Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường hiện diện trên trên lãnh thổ Ukraine, điều đó sẽ "vượt lằn ranh đỏ với Nga".
- Ngày 10/11/2021, NATO cáo buộc "Nga thực hiện hành vi gây hấn" sau khi Mỹ công bố thông tin về "các đợt điều động lực lượng bất thường" của Nga đến gần biên giới với Ukraine.
- Ngày 28/11/2021, Ukraine cho rằng Nga tập hợp gần 92.000 quân và lên kế hoạch cho chiến dịch tấn công tổng lực vào tháng 2/2022. Nga phủ nhận những thông tin trên và khẳng định mọi động thái triển khai lực lượng quân sự trong lãnh thổ nước này là hợp pháp và phục vụ mục đích phòng thủ.
- Đầu tháng 12/2021, Nga cáo buộc Ukraine tập trung lực lượng ở khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền Đông, đồng thời yêu cầu NATO đưa ra đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý rằng Ukraine không bao giờ được kết nạp vào NATO.
- Ngày 7/12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ áp dụng "biện pháp kinh tế mạnh mẽ và các phương án khác" nếu Nga tấn công Ukraine.
- Ngày 15/12/2021, Liên minh châu Âu (EU) và NATO cảnh báo hậu quả chiến lược lớn với Nga "nếu xảy ra thêm một cuộc tấn công vào lãnh thổ của Ukraine".
- Ngày 17/12/2021, để tháo ngòi nổ khủng hoảng Nga đưa ra đề xuất an ninh với 8 điểm mấu chốt, bao gồm yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập NATO sau năm 1997, ngừng mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ukraine và Gruzia, không tổ chức diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và Kavkaz nếu Nga chưa đồng ý, rút tên lửa tầm ngắn quanh Kaliningrad và vùng gần biên giới Nga.
Nga cũng yêu cầu NATO ký hiệp ước an ninh châu Âu mới, yêu cầu Mỹ phải rút tên lửa tầm trung bố trí tại châu Âu và nhằm vào Nga, đồng thời tiếp tục đàm phán khôi phục Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
- Ngày 28/12/2021, Mỹ và Nga thông báo tổ chức đàm phán về an ninh châu Âu nhằm hạ nhiệt căng thẳng quanh vấn đề Ukraine.
- Ngày 2/1/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden trấn an Ukraine rằng Mỹ và các đồng minh "sẽ đáp trả một cách quyết đoán" nếu Nga tiến đánh quốc gia Đông Âu này.
- Ngày 5/1/2022, Cao ủy EU phụ trách vấn đề đối ngoại và an ninh Josep Borrell cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine.
- Từ ngày 10/1/2022, các quan chức hàng đầu của Mỹ, Nga và NATO bắt đầu tuần hội đàm căng thẳng tại Geneva (Thụy Sỹ) song không đạt được đột phá do bất đồng quan điểm.
- Ngày 14/1/2022, một cuộc tấn công mạng quy mô lớn khiến nhiều trang web quan trọng của chính phủ Ukraine bị đánh sập. Ukraine cáo buôc đã phát hiện manh mối cho thấy Nga có thể đứng sau vụ tấn công mạng này.
- Ngày 17/1/2022, các đơn vị quân đội Nga bắt đầu tới Belarus để tham gia các hoạt động trong khuôn khổ tập trận Quyết tâm Đồng minh 2022. Moskva tuyên bố cuộc tập trận để củng cố năng lực "chống hành vi xâm lược từ bên ngoài" nhằm vào thành viên Nhà nước Liên minh, gồm Nga và Belarus. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng quy mô của lực lượng Nga điều tới Belarus "vượt quá những gì Mỹ ước tính về một cuộc tập trận thông thường".
- Ngày 19/1/2022, Mỹ thông báo sẽ chuyển thêm khoản viện trợ quân sự trị giá 200 triệu USD cho Ukraine.
- Ngày 20/1/2022, Tổng thống Biden tuyên bố bất cứ chiến dịch tiến đánh Ukraine nào của Nga đều bị coi là "một cuộc xâm lược", sau khi cho rằng Moskva có thể triển khai chiến dịch quy mô nhỏ nhằm ít gây ra phản ứng hơn một cuộc tấn công tổng lực.
- Ngày 21/1/2022, ba thành viên vùng Baltic của NATO là Estonia, Latvia và Litva thông báo sẽ chuyển tên lửa chống tăng và phòng không để Ukraine nâng cao năng lực phòng thủ. Trong khi đó, Nga nhắc lại yêu cầu NATO rút quân khỏi Romania và Bulgaria.
- Ngày 22/1/2022, giới chức Anh cáo buộc Nga "đang tìm cách chiếm đóng Ukraine" và "dựng lên một lãnh đạo thân Moskva ở Kiev". Nga đã phản bác lại và gọi đây là thông tin sai lệch. Cùng ngày, Mỹ yêu cầu thân nhân các nhân viên ngoại giao ở Ukraine về nước, sau đó cảnh báo công dân không đến quốc gia Đông Âu này.
- Ngày 24/1/2022, NATO cho biết đã đặt lực lượng của liên minh quân sự trong trạng thái sẵn sàng triển khai, đồng thời điều thêm chiến hạm và tiêm kích đến Đông Âu để tăng cường phòng thủ. Nga một ngày sau cũng khởi động các cuộc diễn tập với 6.000 quân và ít nhất 60 tiêm kích ở khu vực miền Nam, gần Ukraine và bán đảo Crimea.
- Ngày 25/1/2022, Tổng thống Mỹ Biden thậm chí còn nêu khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp người đồng cấp Putin.
- Ngày 26/1/2022, Mỹ và NATO xác nhận đã gửi văn bản phản hồi chính thức về những đề xuất mà Nga đưa ra hồi tháng trước đó về vấn đề đảm bảo an ninh ở châu Âu, trong đó nhấn mạnh khối NATO sẽ không đóng cửa trước nguyện vọng gia nhập của bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết chi tiết văn bản không được công khai để tạo “không gian cho các cuộc đàm phán bí mật”.
- Ngày 26/1/2022, tại cuộc họp nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) tại Paris (Pháp), cả 4 bên đều ủng hộ tuân thủ không điều kiện về việc ngừng bắn cũng như chấp hành đầy đủ các biện pháp tăng cường lệnh ngừng bắn vốn đã được đưa ra ngày 22/7/2020, bất kể các bất đồng về các chủ đề khác liên quan đến việc thực thi các thỏa thuận Minsk.
- Ngày 27/1/2022, Trung Quốc lên tiếng cho rằng những mối quan ngại về an ninh của Nga cần được xem xét nghiêm túc. Đây là lần hiếm hoi Trung Quốc đề cập đến cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gần đây.
- Ngày 28/1/2022, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố phương Tây đã "phớt lờ những quan ngại cơ bản của Nga về hoạt động mở rộng của NATO", cũng như động thái "triển khai các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga".
- Ngày 7 và 8/2/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel thực hiện các chuyến thăm đến Nga và Ukraine, cam kết sẽ làm tất cả để thực hiện vai trò trung gian hòa giải.
- Ngày 10/2/2022, cuộc họp của đại diện nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) tại Berlin (Đức) về giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine song không đạt kết quả nổi bật nào do các bên không vượt qua được những khác biệt xung quanh Thỏa thuận Minsk.
- Ngày 10/2/2022, Nga và Belarus thực hiện giai đoạn 2 của tập trận Quyết tâm Đồng minh 2022, kéo dài 10 ngày. Ukraine gọi đây là hành động gây áp lực tâm lý, trong khi lãnh đạo NATO cho rằng Nga tập trung binh lực tới "điểm nguy hiểm".
- Ngày 11/2/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo triển khai thêm 3.000 binh sĩ đến Đông Âu, gia nhập lực lượng cùng với khoảng 2.000 lính dù khác được công bố triển khai hôm 2/2. Các đồng minh NATO cũng đặt các lực lượng trong tình trạng trực chiến và tiếp tục củng cố lực lượng ở vùng Đông Âu, điều động thêm các tàu và máy bay chiến đấu đến vùng này.
- Ngày 12/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã điện đàm để thảo luận về tình hình liên quan đến Ukraine. Cuộc điện đàm được đánh giá mang tính chuyên nghiệp, thực chất song vẫn không có bất kỳ thay đổi cơ bản nào để làm dịu tình hình.
- Từ ngày 13/2/2022, đại sứ quán Mỹ ở Kiev (Ukraine) dừng tất cả dịch vụ lãnh sự và chỉ duy trì sự hiện diện lãnh sự nhỏ ở Lviv. Sau quyết định của Mỹ, một số nước phương Tây như Canada và Australia cũng chuyển hoạt động ngoại giao tới Lviv. Một loạt nước như Mỹ, Anh, Na Uy, New Zealand, Thụy Điển, Hà Lan, Australia khuyến cáo công dân rời Ukraine ngay lập tức.
- Ngày 14 và 15/2/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Ukraine và Nga. Đáng chú ý, tại Nga, hai nhà lãnh đạo Olaf Scholz và Vladimir Putin đã phát đi những thông điệp "không muốn chiến tranh" và "sẵn sàng tiếp tục đối thoại". Đây là những động thái thể hiện thiện chí từ các bên.
- Ngày 15/2, Nga thông báo các đơn vị thuộc quân khu phía Tây và phía Nam đang trở về căn cứ sau khi hoàn thành diễn tập gần Ukraine. Diễn biến này đã gần như xóa tan những cáo buộc trước đó từ truyền thông phương Tây khi cho rằng, nguy cơ chiến tranh đang cận kề và Nga sẽ tấn công Ukraine vào ngày 16/2.
- Ngày 16/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan sát viên quân sự thuộc các quốc gia thành viên NATO bao gồm Anh và Ba Lan có mặt tại thực địa để quan sát các lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành cuộc tập trận ở miền Tây nước này. Các cuộc diễn tập là một phần của cuộc tập trận quy mô lớn Zametil 2022 (Bão tuyết 2022) được triển khi Ukraine chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự có thể xảy ra sau khi Nga tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới với nước này.
- Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về Ukraine
- Đức cảnh báo không nên phỏng đoán hoặc giả định các quyết định của Nga về Ukraine
- Tổng thống Ukraine đề xuất gặp người đồng cấp Nga
- Ngày 17/2, Bộ Ngoại giao Nga công bố toàn bộ nội dung văn bản phúc đáp đối với Mỹ và NATO về nội dung dự thảo Hiệp ước giữa Moskva với Washington và NATO liên quan đến đảm bảo an ninh. Phía Nga khẳng định, các đề xuất của Nga đã bị bỏ qua theo hướng tạo lợi thế cho Mỹ và các đồng minh. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, trong trường hợp phía Mỹ không sẵn sàng nhất trí về những cam kết chắc chắn và mang tính ràng buộc pháp lý, Nga sẽ buộc phải đáp trả, trong đó có khả năng triển khai các biện pháp quân sự-kỹ thuật.
Ngay sau đó, Nga đã trục xuất Phó Đại sứ Mỹ tại Moskva, Bartle Gorman, nhằm đáp trả việc Mỹ trục xuất Tham tán công sứ của Đại sứ quán Nga ở Washington. Mỹ cho rằng, đây là một bước leo thang và đang cân nhắc đáp trả.
- Ngày 18/2/2022, tại Hội nghị an ninh Munich, các quốc gia phương Tây tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn, chỉ trích các cuộc tập trận của Nga ở khu vực biên giới Ukraine và quan ngại về nguy cơ bất ổn tại châu Âu. Tuy nhiên, các ý kiến đều thống nhất cho rằng cần phải đối thoại để tháo ngòi nổ căng thẳng hiện nay.
- Ngày 18/2/2022, Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), thông báo các nhà lãnh đạo nhóm này sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào ngày 24/2 tới với chương trình nghị sự là cuộc khủng hoảng Ukraine.
- Ngày 20/2/2022, Phủ Tổng thống Pháp đưa ra thông cáo Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga đã chấp nhận về mặt nguyên tắc tiến hành hội đàm thượng đỉnh (dự kiến vào ngày 24/2 tới) với điều kiện không có hành động quân sự giữa Moscow và Kiev. Đây là kết quả của cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga sau cuộc thảo luận kéo dài gần 2 giờ đồng hồ ngày 20/2.
- Ngày 21/2/2022, sau cuộc họp bất thường Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có thông điệp gửi tới người dân trong nước, tuyên bố rằng ông đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Ngay lập tức, nhiều nước trên thế giới đã có phản ứng trước bước đi của Nga.
- Ngày 22/2/2022, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành phiên họp khẩn cấp về vấn đề Ukraine, sau khi Nga chính thức công nhận nền độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Donbass (miền Đông Ukraine)…
An Ngọc (tổng hợp) - TTXVN
Tags