Nga - Ukraine ngày 22/3: Nga mong muốn đàm phán với Ukraine tích cực và thực chất hơn

Thứ Ba, 22/03/2022 20:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/3, Điện Kremlin bày tỏ mong muốn cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Nga và Ukraine trở nên "tích cực và thực chất hơn", trong bối cảnh hoạt động giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn.

Ukraine thông báo kế hoạch mở thêm các hành lang nhân đạo

Ukraine thông báo kế hoạch mở thêm các hành lang nhân đạo

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết nước này có kế hoạch mở 9 hành lang nhân đạo trong ngày 15/3 nhằm sơ tán dân thường khỏi các vùng chiến sự và sẽ tìm cách chuyển hàng cứu trợ đến thành phố Mariupol.

(Tiếp tục cập nhật)

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn trả lời phỏng vấn báo giới của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rõ phía Nga đã chuyển bằng văn bản các yêu cầu cho phía Ukraine nhiều ngày trước đó và Moskva hy vọng Kiev sẽ đưa ra câu trả lời thực chất và nhanh chóng. Trong khi đó, hãng tin TASS (Nga) dẫn lời ông Peskov khẳng định Moskva không tìm cách thiết lập một cấu trúc nhằm tái định hình hoặc tái cơ cấu chính quyền địa phương tại các khu vực của Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng Nga là thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hiện hai bên đang tiến hành các cuộc thảo luận theo hình thức trực tuyến liên quan đến quy chế trung lập của Ukraine sau nhiều vòng đàm phán trực tiếp diễn ra tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ukraine. Cho đến nay, Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được nhất trí về vấn đề cụ thể nào. Ngày 21/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định tất cả các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý đàm phán trực tiếp để chấm dứt xung đột.

Chú thích ảnh
Người dân lên tàu hỏa để sơ tán tránh xung đột ở Odessa, Ukraine, ngày 9/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Ukraine kêu gọi Tổng thống Nga đàm phán để chấm dứt xung đột

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/3 cho biết một cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin "theo bất kỳ khuôn khổ nào" là cần thiết để kết thúc cuộc xung đột hiện nay.

Trả lời phỏng vấn truyền thông Ukraine, ông Zelensky nói: “Tôi tin rằng nếu không có cuộc gặp này thì sẽ không thể nào hiểu hết được họ sẵn sàng chấp nhận những gì để chấm dứt xung đột”.

Ông Zelensky cũng lưu ý rằng bất kỳ nhượng bộ nào được nhất trí với Nga trong các cuộc đàm phán cũng sẽ cần được người dân Ukraine bỏ phiếu thông qua trong trưng cầu ý dân. Theo ông, các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân có thể liên quan đến các bảo đảm an ninh mà Ukraine nhận được để từ bỏ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông nhấn mạnh sẵn sàng ủng hộ bất ký thỏa thuận nào mà người dân Ukraine chấp nhận.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua truyền hình ngày 21/3/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước đó, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết một lệnh ngừng bắn, rút quân đội và các đảm bảo an ninh nghiêm ngặt dưới dạng thức đặc biệt là những yêu cầu chính mà Ukraine đưa ra trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Đức lập cầu hàng không tiếp nhận người Ukraine sơ tán

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bối cảnh số người sơ tán từ Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tăng, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi các nước trong khu vực giúp giảm tải cho các nước có đường biên giới trực tiếp với Ukraine. Theo đó, bà Baerbock đề xuất lập một cầu hàng không để phân bổ tiếp nhận số người sơ tán trong EU.   

Số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết hiện đã có trên 3 triệu người từ Ukraine sơ tán sang các nước EU, trong đó hơn 2 triệu người sang Ba Lan, 535.000 người sang Romania, 312.000 người sang Hungary và 250.000 người sang Slovakia.       

Ngoại trưởng Đức nêu rõ: "Chúng ta không chỉ cần hành lang tại thực địa (ở Ukraine), mà còn cần một cầu hàng không đoàn kết. Các nước phải tiếp nhận người sơ tán".   

Chú thích ảnh
Người tị nạn Ukraine sơ tán tới khu vực Przemysl, đông nam Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Đức sẽ chủ trì một hội nghị các nhà bảo trợ vào đầu tháng tới nhằm hỗ trợ Moldova - quốc gia không phải là thành viên của EU - ứng phó với làn sóng người sơ tán từ Ukraine. Ngoại trưởng Romania Bogdan Aurescu cho biết nước này cùng với Đức và Pháp ủng hộ tổ chức hội nghị điều phối viện trợ cho Moldova vào ngày 5/4 tới tại Berlin. Trước mắt, khoảng 13.000 người sơ tán hiện ở Moldova sẽ được chuyển đến các nước EU như Đức, Pháp, Litva và Tây Ban Nha.   

Ngoại trưởng Romania cho biết thêm một "hành lang xanh" đã được thiết lập để giải tỏa sức ép cho Moldova, theo đó người sơ tán có thể vào lãnh thổ Romania từ biên giới Ukraine-Moldova. Trong khi đó, hiện ở Đức đã có gần 220.000 người đăng ký tị nạn chiến tranh.   

Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit, việc cung cấp nơi ăn ở cho những người sơ tán đang là vấn đề thách thức đối với EU. Mặc dù các nước EU đều bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận người Ukraine sơ tán, còn nhiều vấn đề liên quan việc triển khai cụ thể, chẳng hạn mỗi nước sẽ tiếp nhận bao nhiêu người. Trong cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015-2016, Ba Lan và Hungary không chấp nhận hạn ngạch tiếp nhận.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›