(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, câu chuyện cửa miệng của người dân Thủ đô là nắng nóng và hóa đơn tiền điện tăng cao. Với thời tiết ngoài trời luôn từ 40 - 50 độ C thì người dân có thể lý giải được do biến đổi khí hậu. Còn về hóa đơn tiền điện tăng cao, thì nhiều người vẫn cảm thấy chưa thật sự "tâm phục khẩu phục" mỗi khi thanh toán tiền điện.
Trước việc hóa đơn tiền điện tháng 5 và tháng 6 tăng gấp nhiều lần so với tháng trước đó, ngành điện Thủ đô đã chủ động đưa ra lý giải là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng cao, thời gian sử dụng điều hòa nhiều, giá điện bậc thang…
Tuy nhiên, tại một số địa phương đã xảy ra việc ngành điện nhầm lẫn trong quá trình ghi chỉ số công tơ dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao đã khiến dư luận dấy lên hoài nghi về độ chính xác khi hóa đơn tiền điện tăng cao.
Cụ thể, ngày 22/6, ông Thái Hồng Quân - Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Điện lực thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đến xin lỗi khách hàng vì ghi nhầm chỉ số điện dẫn đến hộ gia khách hàng bị tăng hơn 33 lần trong tháng, lên tới hơn 58 triệu đồng.
- EVN lý giải nguyên nhân chính khiến tiền điện tăng cao do... nắng nóng
- Gần 10 triệu khách hàng phía Bắc được giảm tiền điện do dịch COVID-19
Hay như Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phải thừa sai sót của Điện lực Vân Đồn trong quá trình kinh doanh, ra hóa đơn việc chốt chỉ số công tơ điện tử bằng thiết bị cầm tay HHU khiến khách hàng tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn bị tăng đợt biến sản lượng điện tiêu thụ tháng 6 lên tới 89.350.496 đồng.
Trước những sự việc đã diễn ra tại nhiều địa phương, lãnh đạo EVN HANOI cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tiến hành nhắn tin SMS đến tất cả khách hàng có đăng ký số điện thoại di động về thời gian ghi chỉ số công tơ điện; đồng thời, niêm yết công khai lịch ghi chỉ số tại phường, nhà văn hóa các quận, huyện và đăng tải trên website công ty để khách hàng có điều kiện cùng theo dõi, giám sát.
Hiện EVN HANOI đang triển khai ba hình thức ghi chỉ số. Trong số đó, ghi chỉ số bán tự động sử dụng thiết bị ghi chỉ số HHU dùng sóng RF đọc chỉ số công tơ tại hiện trường, nhân viên ghi chỉ số không phải nhập thủ công và không thể thay đổi sửa chữa dữ liệu đã đọc được từ xa.
Cùng đó, ghi chỉ số tự động là hàng ngày, công tơ được thu thập dữ liệu và truyền về trung tâm qua các bộ tập trung (DCU) rồi chuyển máy chủ lưu trữ; khách hàng có thể tra cứu chỉ số hàng ngày tại địa chỉ cskh.evnhanoi.com.vn hoặc trên app EVNHANOI CSKH.
Ngoài ra, ghi chỉ số trực tiếp là cách sử dụng máy tính bảng kết hợp camera GCS, thực hiện chụp ảnh mặt công tơ trực tiếp tại vị trí lắt đặt công tơ. Hình ảnh được lưu trữ trên máy chủ của EVNHANOI và khách hàng có thể tra cứu ảnh chỉ số công tơ hàng tháng tại địa chỉ cskh.evnhanoi.com.vn. Trên ảnh chụp có hiển thị đầy đủ các thông tin như: Tên khách hàng, mã khách hàng, số công tơ, chỉ số, thời gian ghi chỉ số.
Theo EVN HANOI, kể từ tháng 3/2020, chính thức ban hành mẫu hóa đơn tiền điện mới, thể hiện rõ các thông tin: chỉ số cũ, chỉ số mới, điện tiêu thụ, biểu đồ mức tiêu thụ khách hàng năm hiện tại, tổng số tiền thanh toán (chi tiết theo bậc thang), tổng số tiền đã giảm,...
Khi nhận được kiến nghị của khách hàng về việc GCS, Tổng công ty sẽ tổ chức kiểm tra, giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và quy định quả ngành điện trong thời hạn ≤ 24giờ. Trường hợp phát hiện điện lực sai sót về việc ghi chỉ số công tơ hoặc tính toán hóa đơn tiền điện dẫn đến hoá đơn tiền điện của khách hàng không đúng với thực tế, phải thực hiện xử lý nghiêm túc, công khai, minh bạch. Giám đốc Công ty Điện lực trực tiếp chỉ đạo việc trả lời, xin lỗi khách hàng và khắc phục sai sót trong thời gian không quá 24 giờ kể từ khi phát hiện sai sót.
Với việc ứng dụng công nghệ trong ghi chỉ số và phát hành hóa đơn như hiện nay, khách hàng sử dụng điện của EVN HANOI có thể tham khảo so sánh tình hình sử dụng điện của gia đình mình tại thông báo tiền điện và hóa đơn tiền điện mẫu mới để thấy được tính quy luật của việc sử dụng điện theo tháng, mùa trong năm. Ngoài ra, còn so sánh tháng liền kề, cùng kỳ năm trước cũng như mức độ sử dụng điện bình quân trong cùng khu vực.
Dù đã có một quy trình chuẩn, ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu đầu đến khâu cuối nhưng một số người dân Thủ đô vẫn cho rằng, sai sót dễ xảy ra nhất là ở công đoạn ghi chỉ số. Một số người dân cho rằng, cần có sự giám sát trong khâu ghi chỉ số công tơ.
Việc nghi ngại của người dân vẫn còn tồn tại, song cũng phải nhìn nhận, việc sử dụng điện của khách hàng vẫn chưa tiết kiệm, thường xuyên để điều hòa nhiệt độ thấp. Trước khi chờ cơ chế giám sát trong việc ghi chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn thì mỗi khách hàng cần ý thức hơn về tiết kiệm điện. Đây sẽ là giải pháp tối ưu nhất ở thời điểm hiện nay để không bị "giật mình" khi hóa đơn tiền điện nhảy vọt, tăng cao.
Mạnh Khánh/TTXVN
Tags