Hàng mã vẫn “cháy hàng” sát Tết ông Táo

Thứ Ba, 25/01/2011 09:47 GMT+7

Google News
(TT&VH Online) - Mặc dù Nghị định việc cấm đốt đồ mã nơi công cộng chính thức có hiệu lực (1.9.2010) nhưng ở thời điểm sát Tết Tân Mão, hàng mã tại Hà Nội vẫn bán rất… chạy.

Dạo quanh một số làng nghề, cơ sở chuyên sản xuất đồ mã nổi tiếng cho những ngày Lễ, Tết trong nội đô và ngoại thành Hà Nội những ngày này như Đông Hồ, Phúc Am, Duyên Trường, Làng Cót… đều không khó nhận thấy cảnh các cơ sở đang bận túi bụi để sản xuất số lượng lớn kịp phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết âm lịch.

Nhưng cảnh tấp nập mua hàng mã nhất ở Hà Nội hẳn không thể không kể đến con phố nổi tiếng nhất chuyên bán hàng mã là phố Hàng Mã. Đến đây vào một ngày trước Tết ông Công, ông Táo, người bán, kẻ mua cũng nhộn nhịp, tấp nập gấp nhiều lần so với ngày bình thường.

Hầu hết người mua đều không có tâm lý quá lo ngại về việc mua đồ mã về đốt sẽ bị xử phạt vì cho rằng qui định chỉ cấm đốt nơi công cộng chứ đâu có cấm đốt tại gia đình nên họ vẫn có thể mua bình thường.


Hãng Mã tấp nập người mua sắm dịp cuối năm

Theo ghi nhận, bắt nhịp cùng với xu thế hiện đại và tâm lý “trần sao, âm vậy”, người dân ngày càng “chơi sang” hơn khi sắm cho người đã khuất những thiết bị không khác người đang sống sử dụng với giá bán rất đắt như xe máy SH cỡ nhỏ 150.000 đồng, tủ lạnh Toshiba 200 nghìn; quần áo 100.000 đồngn và thậm chí có nhà còn sắm cả xe hơi, nhà lầu với cả thương hiệu đến từ… nước ngoài như Audi, BMW, Mercedes với giá có thể lên đến cả triệu đồng.

“Tôi nghĩ qui định thì đã có nhưng chỉ cấm việc đốt ngoài hè phố hoặc những nơi công cộng còn đốt tại nhà chắc không sao. Vào những ngày này, ai cũng muốn sắm một “bộ” ra hồn để cúng tổ tiên nên dù có hơi đắt một chút vẫn cố phải mua thôi. Cái chính là mua những thứ cần thiết và không quá lãng phí là được", chị Nguyễn Quỳnh Hoa, nhà ở Cầu Giấy mua hàng ở Hàng Mã cho biết.

Thói quen đốt đồ mã cho người đã khuất trong người dân không thể một sớm một chiều có thể bỏ được

Trước đó, để hạn chế việc đốt đồ mã, gây lãng phí không cần thiết, ngày 12.7.2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 75 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, trong đó quy định về hành vi vi phạm đối với việc đốt hàng mã. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 18 nêu rõ, nếu vi phạm đốt đồ mã ở những nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Anh Tâm, một người bán hàng tại phố Hàng Mã, nói: “Những ngày này người mua hàng mã đông hơn bình thường gấp nhiều lần là chuyện bình thường. Mặt hàng bán chạy trong những ngày này đương nhiên là mũ áo cân đai cho ông Táo lên chầu trời nhưng nhiều nhà còn mua luôn cả đồ mã dùng cho những ngày Lễ sắp tới nên số lượng hàng tiêu thụ một ngày là rất lớn. Hàng có nhiều chủng loại khác nhau, cổ có và kim cũng có. Gần đây thì nhiều nhà có điều kiện còn mua cả nhà lầu xe hơi, xe gắn máy, điện thoại di động cho người đã khuất. Do mức độ khó và “độc” khi làm những mặt hàng đó nên giá cũng không như hàng mã thông thường.”

Rõ ràng, việc mua đồ mã về đốt trong những ngày lễ Tết đã trở thành một phần của văn hóa tâm linh nên dù biết có qui định nhưng quả thực không dễ một sớm một chiều người dân có thể thực hiện và vẫn tìm cách “lách luật”.

Vũ Ngọc

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›