(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 9/3 đến 18 giờ ngày 10/3, Hà Nội ghi nhận 30.157 ca mắc COVID-19; trong đó có 12.351 ca tại cộng đồng, 17.806 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 521 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức 1771 ca; Thanh Trì 1681 ca; Long Biên 1664 ca; Nam Từ Liêm 1530 ca.
Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 524.697 ca.
Như vậy, số ca mắc COVID-19 đã giảm hơn so với 2 ngày trước đó.
Trước đó, cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ thôn, tổ dân phố, xác định “dân là gốc”, phát huy sức mạnh lòng dân, coi người dân là chủ thể, nòng cốt là các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ hỗ trợ theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà.
Từng phường, xã, thị trấn trên cơ sở đánh giá tỷ lệ ca F0, dự báo số ca mắc trong thời gian tới để tổ chức lực lượng nòng cốt là thôn, tổ dân phố, tổ COVID-19 cộng đồng, huy động sự tham gia của các tình nguyện viên, trước hết là đoàn viên, thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ, cựu chiến binh... bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu quản lý và hỗ trợ người dân theo địa bàn quản lý.
Khi người dân mắc COVID-19 ở thể nhẹ, không triệu chứng được cách ly điều trị tại nhà thì tổ COVID-19 cộng đồng tiếp cận ngay, kết nối thông tin, hỗ trợ những thứ cần thiết như nhu yếu phẩm, thực phẩm, hướng dẫn người dân khai báo tình trạng sức khỏe, cấp phát thuốc theo chỉ định của cán bộ y tế, hỗ trợ theo dõi chuyển tầng, giảm áp lực cho y tế cơ sở...
Cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về kết quả cuối cùng hiệu quả phòng, chống dịch, giảm thiểu rủi ro cho người dân trên địa bàn quản lý.
- Hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm thứ 3 vaccine ngừa Covid-19 đối với biến thể Omicron
- Bảo đảm thiết bị y tế, sẵn nguồn lực tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi
- Nguy cơ mắc chứng đông máu sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 là rất thấp
Đặc biệt, UBND thành phố tiếp tục kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch đối với sức khỏe của người dân. UBND thành phố kiến nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập; hướng dẫn việc kê đơn, cấp, bán thuốc Molnupiravir ngoại trú, thống nhất với cơ quan bảo hiểm ban hành việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính...
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình để khi được phân bổ vaccine phòng COVID-19 là có thể triển khai tổ chức tiêm ngay, bảo đảm an toàn cho trẻ khi trở lại trường học.
TTXVN
Tags