(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 9/1 đến 16 giờ ngày 10/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.818 ca mắc mới, trong đó 35 ca nhập cảnh và 14.783 ca ghi nhận trong nước (giảm 968 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 9.396 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm Hà Giang (303 ca), Hải Phòng (244 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (152 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó là Lạng Sơn (177 ca), Gia Lai (142 ca), Trà Vinh (88 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 89.842 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.590.090 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.358 ca.
Ngày 10/1 ghi nhận 212 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.531 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% tổng số ca mắc.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (12 ca), Hải Dương (1 ca), Hải Phòng (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca).
Giải pháp phù hợp ứng phó với dịch bệnh
Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất cả nước với 2.832 ca; phân bố tại 393 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Theo Sở Y tế, tính tới hết ngày 9/1, toàn thành phố có 46.647 trường hợp F0 được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (128 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (217 ca), tại các bệnh viện của Hà Nội là (2.943 ca), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1.309 ca), cơ sở thu dung quận, huyện (5.590 ca), theo dõi cách ly tại nhà (36.460 ca). Như vậy, số F0 điều trị ở nhà ở Hà Nội hiện chiếm gần 75% tổng số bệnh nhân đang điều trị.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về phòng, chống dịch thành phố năm 2022, hướng tới giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, khống chế không để dịch bùng phát lan rộng trên địa bàn thành phố.
Đà Nẵng cũng là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng trong những ngày qua. Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Trần Thanh Thủy cho hay, số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, trung bình trên 300 ca/ngày.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây áp lực lên các cơ sở điều trị. Do đó, các đơn vị chức năng cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để ngăn chặn, có giải pháp phù hợp trong công tác điều trị, hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Hiện số ca mắc COVID-19 điều trị tại nhà còn thấp so với tổng số ca mắc. Do đó, các địa phương cần xác định việc điều trị ca mắc COVID-19 tại nhà là một trong những biện pháp bắt buộc và cơ bản hiện nay. Để làm tốt công tác này, các địa phương cần có sự phối hợp chặt giữa các ngành, chú trọng triển khai phần mềm quản lý, theo dõi điều trị F0 tại nhà.
Hiện việc triển khai điều trị ca mắc COVID-19 tại nhà đã được tổ chức 2 giai đoạn, đa số các ca F0 điều trị tại nhà đều thực hiện nghiêm túc, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Mặc dù thành phố đã nới lỏng các điều kiện điều trị tại nhà, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà vẫn còn thấp. Do đó, các địa phương cần tăng cường rà soát, có giải pháp tăng số bệnh nhân điều trị tại nhà, giảm áp lực cho các cơ sở y tế.
Đến nay, Đà Nẵng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được 2.017.547 liều cho những người đủ điều kiện tiêm, trong đó 976.008 người tiêm mũi 1, 959.072 người tiêm mũi 2, 82.467 người tiêm mũi 3 (chiếm 9,5% người từ 18 tuổi trở lên).
Dịch ở miền Nam đã “dịu”, hỗ trợ người dân vượt qua di chứng sau COVID-19
Số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận ở Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm rất nhiều, ngày 10/1, chỉ có 437 ca. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, số ca tử vong do dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 ngày liên tiếp đều dưới con số 20 (tính từ ngày 7/1 đến 9/1). Đồng thời, số ca nhiễm, ca bệnh nặng duy trì xu hướng giảm, ca xuất viện cao hơn ca nhập viện. Tuy vậy, Thành phố ghi nhận nhiều di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần ở người bệnh sau khi mắc COVID-19 và đang tiến hành tiêm vaccine cho người dân thuộc các nhóm này.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi xuất viện, các F0 khỏi bệnh có thể tiêm ngay vaccine mũi bổ sung. Bên cạnh đó, các bệnh viện đã có phòng khám hậu COVID-19 để tư vấn cho các F0 khỏi bệnh từ vấn đề tâm lý đến thể chất. Riêng một số bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1 khám cho đối tượng là trẻ em, đối với người lớn có Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy…Mới đây, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng sổ tay "Cẩm nang phục hồi sau COVID-19" trong Bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng nhằm hỗ trợ cho nhóm này.
Về việc triển khai tiêm vaccine mũi 3, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tiến độ tiêm diễn ra theo tuần tự, tuy nhiên vẫn chưa có quận, huyện nào hoàn thành 100% mũi 3. Theo thống kê, có một số quận, huyện đạt 90% tiến độ. Nếu duy trì 200.000 mũi tiêm/ngày như hiện nay, thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch phủ mũi 3 trước Tết Nhâm Dần 2022.
- F0 tại nhà được bỏ cách ly sau 10 ngày điều trị và âm tính với SARS-CoV-2
- Hà Nội hiện có 10.157 F0 tự theo dõi tại nhà
- Người nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, xét nghiệm âm tính sẽ được tự cách ly tại nhà
Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, trong 7 ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 7.908 ca mắc mới, trung bình 1.129 ca/ngày, giảm 39,78% so với 7 ngày trước đó. Số ca tử vong do COVID-19 tiếp tục có xu hướng giảm, trung bình 15 ca tử vong/ngày. Đáng chú ý, tại Đồng Nai, nhờ tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 đã đạt 98,2%, mũi 3 là 8,8% nên tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, số ca mắc mới ghi nhận liên tục có xu hướng giảm trong 5 tuần liên tiếp, đạt mức thấp nhất trong 2 tháng qua.
Quyết định mới nhất của Sở Y tế tỉnh Cà Mau về công bố cấp độ dịch COVID-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (có hiệu lực từ ngày 10/1/2022) cho thấy, tỉnh không còn địa phương ở cấp độ dịch thuộc cấp 3 và 4. Đây là tín hiệu tốt trong công tác phòng, chống dịch ở một tỉnh từng có số ca nhiễm trong ngày cao nhất so với cả nước.
Mặc dù, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong ngày ở Cà Mau trên đà giảm xuống nhưng người dân không được chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định, để hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan.
Đặc biệt, người dân tích cực hưởng ứng chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 và định kỳ thực hiện test nhanh nhằm sớm phát hiện, điều trị kịp thời F0 để giảm số ca bệnh chuyển nặng và tử vong do dịch. Tính đến ngày 9/1, tỉnh có 916.950 người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi, đạt trên 99%; 271.644 người người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3, đạt trên 33%.
TTXVN
Tags