Chiều 10/5, sau 2 ngày xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán SMES (viết tắt là SMES) và Công ty cổ phần đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI).
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa đã phát sinh một số tình tiết mới, xét thấy không thể làm rõ ngay được tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ việc các bị cáo tại SMES có chiếm đoạt tiền của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) và PVFI hay không? Nếu có chiếm đoạt thì số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu và chiếm đoạt theo phương thức nào?
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ tháng 4/2010 đến tháng 3/2011, do cần tiền để sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, bị cáo Phan Huy Chí (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SMES) cùng một số cán bộ, lãnh đạo của SMES đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối như: Tạo dựng khách hàng, xác nhận, phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao trong tài khoản giao dịch chứng khoán của các khách hàng để tạo niềm tin và chiếm đoạt của PVI, PVFI và Ngân hàng thương mại cổ phần Habubank Hà Nội với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.
- Vụ án 'Cố ý làm lộ bí mật công tác': Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra
- Yêu cầu công ty chứng khoán tuân thủ quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
- Khởi tố một Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán
Viện Kiểm sát xác định, 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tại PVFI do thiếu trách nhiệm đã để cho bị cáo Phan Huy Chí và các đồng phạm tại SMES thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của PVFI. Khi PVFI ký kết các hợp đồng về việc niêm yết chứng khoán với SMES, đã không có mặt các bên cùng tham gia, không thực hiện đúng với nội dung hợp đồng... Từ đó, tạo điều kiện để bị cáo Chí cùng đồng phạm chiếm đoạt gần 112 tỷ đồng của PVFI.
TTXVN
Tags