(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 15/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 240.346.652 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.896.650 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 35.201.837 người.
Trong bối cảnh các nước gia tăng nỗ lực tiêm vaccine phòng COVID-19, giới chức y tế Israel khuyến nghị rằng tiêm mũi bổ sung vaccine của Pfizer/BioNTech giúp nâng cao khả năng ngăn chặn biến chứng nặng đối với những người từ 40 tuổi trở lên. Theo tiến sĩ Sharon Alroy-Preis - Giám đốc Dịch vụ y tế công thuộc Bộ Y tế Israel, chương trình tiêm vaccine bổ sung, hiện đã được triển khai với khoảng 50% dân số Israel, đang bắt đầu có hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm.
Giám đốc Trung tâm truyền nhiễm và bệnh truyền nhiễm của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) Hà Bách Lương cũng khuyến nghị tiêm liều vaccine bổ sung. Theo chuyên gia này, dữ liệu trước đây cho thấy 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2 vaccine của Sinovac, chỉ có 1/3 số người kiểm tra có kháng thể.
Dữ liệu này cho thấy sự cần thiết phải tiêm mũi tăng cường. Tỷ lệ tiêm chủng ở Hong Kong hiện mới đạt khoảng 67%, chưa đạt mục tiêu 70%. Hiện vẫn có khoảng 2 triệu người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trước đó, Sinovac cho hay hiệu quả phòng bệnh của vaccine do hãng này sản xuất đã tăng lên trên 80% sau khi tiêm mũi thứ 3. Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ nhiễm bệnh phát triệu chứng tăng từ 56% lên 80,2% và tăng từ 84% lên 88% đối với các trường hợp phải nhập viện điều trị.
Tại Nga, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết nhà chức trách nước này sẵn sàng tiến hành các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nếu cơ sở hạ tầng y tế bị quá tải. Ông Peskov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục làm cho người dân hiểu về sự cần thiết của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cảnh báo tỷ lệ nhiễm virus SASR-CoV-2 ở nước này sẽ tiếp tục tăng nếu không áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội. Theo ông, nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 gia tăng là do hành vi của người dân và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bộ trưởng Y tế Nga lưu ý mọi công dân trên 60 tuổi cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì virus SARS-CoV-2 cực kỳ nguy hiểm đối với nhóm công dân này. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 65 tuổi ở Nga vẫn ở mức thấp, khoảng 42%.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca thúc giục các sinh viên đại học chú ý hơn tới nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đang ngày càng gia tăng và lập tức đi tiêm vaccine. Đăng tải trên mạng xã hội Twitter, ông Koca cho hay các trường đại học gần đây đã bắt đầu nối lại hoạt động trên giảng đường và điều này làm gia tăng hoạt động đi lại và nguy cơ lây nhiễm.
Ông Koca cảnh báo gần 40% số bệnh nhân COVID-19 hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ là ở độ tuổi dưới 23. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng "các thanh niên nên tiêm đủ vaccine và người cao tuổi cần thận trọng". Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm hơn 113,3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Trong số 83 triệu dân có 56,5% người đã tiêm hai mũi vaccine.
- WHO khuyến cáo về vaccine Covid-19 cho trẻ em
- Hàn Quốc chuyển sang sống chung với Covid-19 từ tháng 11 tới
Ngày 14/10, Văn phòng Tổng thống Latvia xác nhận Tổng thống Egils Levits đã đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh COVID-19 sau chuyến công du Đan Mạch và Thụy Điển, mặc dù ông đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong một tuyên bố, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Latvia, Andris Teikmanis, cho biết các triệu chứng bệnh của Tổng thống rất nhẹ và ông vẫn cảm thấy khỏe, tuy nhiên theo quy định phòng chống dịch, Tổng thống Levits phải làm việc từ xa trong một thời gian. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng phải cách ly do hai nhà lãnh đạo đã dùng bữa trưa cùng nhau hôm 13/10.
Latvia với dân số 1,9 triệu người đang chứng kiến số ca mắc mới theo ngày gia tăng kỷ lục, với 2.408 ca mắc mới ghi nhận trong ngày 14/10. Hiện mới chỉ có 48% dân số trưởng thành ở Latvia tiêm chủng đầy đủ. Đây là tỷ lệ thấp thứ 4 trong Liên minh châu Âu (EU), sau Bulgaria, Romania và Croatia.
Trần Quyên/TTXVN
Tags