(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Tiếp tục cập nhật
Phát hiện hơn 1.200 ca mắc mới, Quảng Bình tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch
Thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo với số ca mắc mới liên tục tăng cao, tuy nhiên, vẫn trong tầm kiểm soát. Riêng ngày 24/2, địa phương ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao "kỷ lục" kể từ khi dịch bùng phát trên địa bàn đến nay, với 1.218 ca bệnh, trong đó có 890 ca phát hiện trong cộng đồng.
Để vừa kiểm soát dịch COVID-19, vừa mở cửa, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng yêu cầu các đơn vị, địa phương và nhân dân tăng cường thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.
Cụ thể, các cơ quan trong hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, đơn vị, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn cần giữ vững bản lĩnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo, biện pháp, phương pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra, nhất là Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19... Các đơn vị, địa phương tập trung tăng cường triển khai quyết liệt, hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine, nâng cao ý thức người dân; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý I/2022, không bỏ sót đối tượng và khẩn trương hoàn thành tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi trong tháng 2/2022. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.
Quá trình triển khai tổ chức tiêm chủng vaccine phải đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế, với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" và "tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước". Bố trí các điểm tiêm chủng cố định, lưu động, tại nhà trên địa bàn khoa học, linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định; đặc biệt quan tâm đến các đối tượng có nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai…) người không đi lại được, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế…
Cùng với việc làm tốt công tác tham mưu, quản lý nhà nước, Sở Y tế Quảng Bình tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai công tác phòng, chống dịch, trong đó chú trọng kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 và thần tốc hơn nữa cho tất cả các đối tượng được tiêm; tăng cường thanh tra, kiểm tra về giá, chất lượng đối với các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, kit xét nghiệm... Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Ngành Y tế địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật và phổ biến các hướng dẫn chăm sóc, điều trị hiệu quả tại nhà cho người mắc COVID-19, nhất là trẻ em, trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tránh gây quá tải cho các cơ sở y tế.
Các đơn vị, sở ngành, địa phương liên quan cập nhật kịp thời các hướng dẫn, thực hiện các quy định về phòng, chống dịch… bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững…
F0 liên tục tăng, học sinh đi học trực tiếp giảm, nhiều nơi tạm đóng cửa trường học
Ngày 24/2, số ca COVID-19 tăng vọt lên 69.128 F0 tại 62 tỉnh, thành; nhiều hơn hôm qua gần 8.800 ca. Số ca mắc là giáo viên và học sinh trong trường học liên tục tăng. COVID-19 đã khiến trường học trên cả nước luôn trong trạng thái phải chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc ngược lại.
Gần 3 triệu học sinh dừng học trực tiếp vì COVID-19
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến nay, cả nước có gần 3 triệu học sinh trong hơn 17 triệu học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT phải dừng học trực tiếp vì COVID-19.
Với khối mầm non, 48 địa phương cho trẻ đến trường học trực tiếp. Còn hơn 1,45 triệu trẻ ở 15 tỉnh, thành phố phải dừng đến trường (chiếm 44,69%).
Các địa phương dừng dạy trực tiếp bậc mầm non: Hà Nội, Đà Nẵng (trừ 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà), Tiền Giang (trẻ dưới 5 tuổi chưa đến trường), Bạc Liêu (trẻ dưới 5 chưa đến trường), An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Đắk Lắk (TP Buôn Mê Thuột).
Khối tiểu học, 12 tỉnh, thành phố tạm đang đóng cửa trường học, tương đương gần 800.000 học sinh phải dừng học trực tiếp. Các địa phương gồm: An Giang (khối lớp 1, 2), Tiền Giang (khối lớp 3, 4), Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam.
Khối THCS, 4 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp: Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, riêng Hà Nội khối lớp 6 của 12 quận nội thành) tương đương hơn 500.000 học sinh nghỉ ở nhà (chiếm 12,94%).
Khối THPT, 2 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp: Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Lào Cai, tương đương gần 250.000 học sinh nghỉ.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, F0 liên tục tăng, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp đều giảm cả 3 khối, Sở GD&ĐT Hà Nội đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các nhà trường trong công tác tổ chức dạy học với yêu cầu tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường hỗ trợ học sinh về mọi mặt, không để học sinh nào bị gián đoạn việc học.
Đồng thời với yêu cầu duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường về việc đón học sinh đến trường học trực tiếp cần được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của gia đình học sinh.
Hiện trên địa bàn Thủ đô, trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành chưa được trở lại trường học trực tiếp. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, phương án đưa học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận và trẻ mầm non trên địa bàn thành phố trở lại trường sẽ được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về mọi mặt. Chỉ khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thời tiết ấm áp trở lại và các điều kiện đón học sinh bảo đảm an toàn, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP. Hà Nội về lộ trình cụ thể.
Khoảng 50% cơ sở giáo dục tại Sơn La cho học sinh nghỉ học phòng dịch và giá rét: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời tiết, hơn 300 cơ sở giáo dục ở tỉnh Sơn La đã quyết định cho học sinh nghỉ học. Theo tính toán, các đơn vị có thể tạm dừng đến trường trong 2 tháng nếu cần thiết.
Tại Hà Nam, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp. Theo đó, số ca F0 trong trường học đang có xu hướng gia tăng sau Tết Nguyên đán, nhất là tại các trường tiểu học và THCS, nhiều em học sinh chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Sở GD&ĐT Hà Nam đã có thông báo cho toàn bộ trẻ mầm non tạm nghỉ học cho đến khi có thông báo mới, học sinh tiểu học và học sinh lớp 6 cũng được tạm thời nghỉ học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến trong thời gian 2 tuần cho đến khi có thông báo mới.
Hà Nội vọt tăng lên gần 8.900 ca COVID-19 ngày 24/2
8.864 ca COVID-19 mới được ghi nhận tại Hà Nội trong 24 giờ qua, theo Sở Y tế. Trong số này có hơn 3.000 ca cộng đồng. Riêng huyện Đông Anh, Sóc Sơn đã có hơn 1.300 ca.
Sở Y tế Hà Nội cuối giờ chiều 24/2 thông tin trong 24 giờ qua TP ghi nhận 8.864 ca COVID-19 (tăng 1.445 ca), trong đó có 3.025 ca cộng đồng.
Cụ thể, 8.864 bệnh nhân phân bố tại 538 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (698), Sóc Sơn (610), Nam Từ Liêm (520); Long Biên (517); Hoài Đức (514); Hoàng Mai (488); Bắc Từ Liêm (432); Mê Linh (411).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 230.138 ca.
Yên Bái vượt kỷ lục, 5 ngày phát hiện hơn 7.000 ca mắc COVID-19 mới
Theo báo cáo của Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái, trong ngày 24/2, trên địa bàn ghi nhận 1.666 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 231 ca cộng đồng, 1.334 F1 được cách ly từ trước đó và 101 trường hợp đi từ tỉnh có dịch về đã được cách ly theo quy định.
Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái tăng mạnh trong 5 ngày qua (ngày 20/2: 1.275 F0; ngày 21/2: 1.280 F0; ngày 22/2: 1.290 F0; ngày 23/2: 1.556 F0)… chủ yếu là các bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được điều trị tại nhà. Lũy kế từ khi có dịch đến tối 24/2, địa phương này ghi nhận 13.997 ca mắc COVID-19.
Về công tác truy vết, trong ngày, toàn tỉnh ghi nhận 1.766 trường hợp F1 (luỹ kế 34.465 trường hợp F1). Hiện tại các trường hợp F1 đang được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Theo chia sẻ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Yên Bái, đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các thành viên trong Đội Lấy mẫu xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn ở trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ lấy mẫu, bất kể ngày hay đêm với mục tiêu cao nhất là phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời nhằm không để dịch bệnh bùng phát, lây nhiễm ra cộng đồng.
Trước tình trạng nhiều người dân tự mua kit tự test COVID-19 tại nhà, CDC Yên Bái khuyến cáo, để có kết quả xác định COVID-19 chính xác, người dân cần chọn mua các bộ kit test nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép và việc lấy mẫu phải đúng kỹ thuật. Cùng đó, để việc xông tinh dầu và điều trị F0 tại nhà hiệu quả, phải thực hiện theo khuyến cáo của thầy thuốc.
Mỗi người dân không nên tin vào các loại thuốc, các cách chữa trị COVID-19 không được cơ quan chức năng cho phép, kiểm duyệt đang tràn lan hiện nay. Đặc biệt cần tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, kết hợp thuốc điều trị, công nghệ và nâng cao ý thức để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Ngày 24/2: Số ca COVID-19 tăng vọt lên 69.128 F0; nhiều hơn hôm qua gần 8.800 ca
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 24/2 cho biết, cố ca COVID-19 tăng vọt lên 69.128 F0 tại 62 tỉnh, thành; nhiều hơn hôm qua gần 8.800 ca; Trong ngày có gần 20.000 F0 khỏi bệnh; 111 trường hợp tử vong.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 23/02 đến 16h ngày 24/02, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 69.128 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 69.119 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.781 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 48.179 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (8.864), Bắc Giang (4.171), Hải Dương (2.948), Sơn La (2.860), Phú Thọ (2.596), Nam Định (2.592), TP. Hồ Chí Minh (2.466), Hòa Bình (2.391), Bắc Ninh (2.375), Vĩnh Phúc (2.117), Hưng Yên (1.995), Hải Phòng (1.890), Ninh Bình (1.799), Yên Bái (1.666), Lào Cai (1.655), Nghệ An (1.629), Hà Giang (1.560), Đắk Lắk (1.514), Thái Nguyên (1.497), Lạng Sơn (1.480), Thái Bình (1.456), Khánh Hòa (1.229), Quảng Nam (1.199), Tuyên Quang (1.118), Bình Định (1.016), Quảng Bình (987), Đà Nẵng (981), Thanh Hóa (881), Cao Bằng (848), Điện Biên (738), Lâm Đồng (732), Hà Tĩnh (715), Phú Yên (656), Bà Rịa - Vũng Tàu (627), Bình Phước (610), Gia Lai (579), Bình Dương (577), Hà Nam (530), Lai Châu (438), Cà Mau (422), Quảng Trị (414), Bình Thuận (284), Đắk Nông (253), Thừa Thiên Huế (242), Bắc Kạn (214), Kon Tum (189), Tây Ninh (179), Bến Tre (179), Đồng Nai (148), Quảng Ngãi (145), Vĩnh Long (83), Bạc Liêu (81), Kiên Giang (77), Trà Vinh (74), Cần Thơ (51), Long An (40), Ninh Thuận (17), Sóc Trăng (17), Đồng Tháp (10), An Giang (7), Tiền Giang (7), Hậu Giang (4).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (-1.868), Hòa Bình (-204), Tuyên Quang (-159).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+1.445), Bắc Giang (+1.173), TP. Hồ Chí Minh (+1.015).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 51.968 ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1), An Giang (1).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.041.506 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.791 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.034.211 ca, trong đó có 2.336.967 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (526.059), Bình Dương (295.221), Hà Nội (226.964), Đồng Nai (100.814), Tây Ninh (89.549).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 19.062 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.339.784 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.137 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.464 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 280 ca
- Thở máy không xâm lấn: 87 ca
- Thở máy xâm lấn: 294 ca
- ECMO: 12 ca
Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 23/02 đến 17h30 ngày 24/02 ghi nhận 111 ca tử vong tại: Hà Nội (26), Đà Nẵng (8 ), Thái Nguyên (7 ca trong 02 ngày), Đắk Lắk (5 ca trong 02 ngày), Nghệ An (5), Quảng Ngãi (5 ca trong 02 ngày), Bắc Giang (3 ca trong 02 ngày), Bình Định (3), Kiên Giang (3), Nam Định (3), Quảng Bình (3 ca trong 02 ngày), Bạc Liêu (2), Bình Phước (2), Cao Bằng (2), Đắk Nông (2 ca trong 02 ngày), Điện Biên (2), Đồng Nai (2), Hà Nam (2 ca trong 02 ngày), Hải Phòng (2), Hòa Bình (2), Lào Cai (2), Phú Thọ (2), Quảng Ninh (2), Trà Vinh (2), Tuyên Quang (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Bến Tre (1), Bình Dương (1), Cà Mau (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Long An (1), Vĩnh Long (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 87 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.884 ca, chiếm tỷ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Bộ Y tế hướng dẫn điều trị COVID-19 mức độ nhẹ không dùng thuốc ở trẻ em
Tại Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em do Bộ Y tế vừa ban hành trẻ em mắc COVID-19 mức độ nhẹ có thể lựa chọn phương pháp điều trị không dùng thuốc như sau:
- Nằm phòng cách ly, hoặc theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế.
- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 02 tuổi.
- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.
- Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.
- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.
- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).
- Theo dõi:
+ Đo thân nhiệt tối thiểu 02 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt
+ Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 02 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.
Khai báo y tế hàng ngày (qua điện thoại hoặc phần mềm qui định), báo nhân viên y tế khi có triệu chứng bất thường
Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế
- Sốt > 38 độ C - Tức ngực
- Đau rát họng, ho - Cảm giác khó thở
- Tiêu chảy - SpO2 < 96%
- Trẻ mệt, không chịu chơi - Ăn/bú kém
* Dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Thở nhanh
- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống
- Khó thở, cánh mũi phập phồng
- Tím tái môi đầu chi
- Rút lõm lồng ngực
- SpO2 < 95%
Quảng Bình: Lần đầu số mắc COVID-19 vượt mốc 1.200 ca
Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 23/2/2022 đến 6 giờ ngày 24/2/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 1.218 ca mắc COVID-19, trong đó có 890 ca cộng đồng, 328 ca trong các khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà.
Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 18.571 ca; tổng số ca khỏi là 11.961; số đang điều trị tại bệnh viện là 392 ca; 5.978 F0 đang điều trị tại nhà; có 30 trường hợp tử vong.
Trong ngày 23/2, các điểm tiêm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tiêm 925 liều vaccine phòng COVID-19.
Hiện 98,55% người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; mũi 2 là 94,59%; Có 97,24% người trên 50 tuổi tại Quảng Bình tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19; Tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm đủ 3 mũi vaccine là 33,92%;
Hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 97,51%; tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 86,65%.
Hà Nội: Rút ngắn thời gian để các F0 được hưởng chế độ bảo hiểm sớm hơn
Thời gian gần đây, số ca F0 trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng mạnh, đi kèm với đó là những băn khoăn về việc hưởng các chế độ bảo hiểm khi bị dương tính với SARS-CoV-2.
Chị N.M.H nhà ở phường Thành Công (Ba Đình) đang làm nhân viên văn phòng tại một trường Đại học tại Hà Nội bày tỏ, bản thân đã đóng bảo hiểm được nhiều năm, nay mắc COVID-19 thì có được thanh toán các chế độ bảo hiểm xã hội không? Băn khoăn của chị H cũng là của hàng trăm trường hợp khác trên địa bàn thành phố. Về nội dung trên, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ Công văn 1492/KCB-PHCN&GĐ của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, người lao động là F0 muốn hưởng chế độ ốm đau phải có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định.
Trước đó, tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế đã quy định, mỗi lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tái khám để người hành nghề xem xét, quyết định. Do đó, đối với người mắc COVID-19 là người lao động điều trị tại nhà: Trạm Y tế nơi quản lý, điều trị bệnh nhân có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu tại phụ lục 7 Thông tư 56/2017/TT-BYT.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, đối với người mắc COVID-19 là người lao động điều trị tại Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung) thì y, bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 ký xác nhận vào vị trí “người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”. Còn đơn vị chủ quản là Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào Giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Trạm y tế xã, phường, thị trấn ký đóng dấu.
Các Trạm Y tế cập nhật thông tin người bệnh COVID-19 được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội lên Cổng thông tin giám định bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội. Căn cứ Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, người lao động phải nộp cho doanh nghiệp bản chính Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ, thời hạn giải quyết trả trợ cấp cho người lao động là tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan này nhận đủ hồ sơ. Bảo hiểm xã hội thành phố cũng đang chỉ đạo các đơn vị cấp dưới xem xét rút ngắn thời gian để các F0 có thể được hưởng các chế độ sớm hơn so với quy định.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng có văn bản 415/SYT- NVY về việc hướng dẫn các cơ sở y tế trực thuộc có nội dung cấp "Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và ghi nội dung Giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội". Theo đó, hướng dẫn cách thực hiện trình tự các thủ tục, hồ sơ để được hưởng các chế độ hiện hành, trong đó có bảo hiểm xã hội.
Trong 12 giờ qua, Nghệ An ghi nhận 1.259 ca dương tính mới
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 23/2 đến 6 giờ ngày 24/2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.259 ca dương tính mới với SARS-CoV-2. Trong đó có 411 ca cộng đồng; 848 ca đã được cách ly từ trước (844 ca từ F1, 4 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Như vậy, tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến 6 giờ ngày 24/2, tỉnh Nghệ An ghi nhận 58.323 ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh cũng đã có 31.367 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, ra viện; 88 bệnh nhân tử vong; 26.868 bệnh nhân đang phải điều trị.
Tại Nghệ An, hằng ngày số ca ghi nhận mới và số ca trong cộng đồng vẫn đang ở mức cao, chưa có xu hướng giảm. Trong 12 giờ qua, các địa phương có số bệnh nhân nhiều là thành phố Vinh và các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc.
Hiện nhiều trạm y tế đang rơi vào tình trạng quá tải vì nhân lực mỏng, khối lượng công việc nhiều; một số hiệu thuốc tại địa phương khan hiếm bộ dụng cụ test nhanh do lượng người mua tăng đột biến.
Trong khi đó, vẫn còn tình trạng nhiều người khi biết mình bị dương tính đã trở nên lúng túng, chưa nắm rõ các quy định của chính quyền địa phương, ngành Y tế để áp dụng, thực hiện. Tại một số địa phương, việc triển khai điều trị F0 tại nhà còn lúng túng, thiếu chủ động, việc theo dõi, tương tác với bệnh nhân hạn chế.
Ngành Y tế và các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19, trong đó có việc thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế và của tỉnh về phòng, chống dịch. Ngày 23/2, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh đã đi kiểm tra công tác điều trị F0 tại nhà ở huyện Diễn Châu và Yên Thành.
Nâng cao ý thức của người dân; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch
Thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh.
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 22/2 đến 16 giờ ngày 23/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 60.355 ca mắc mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 60.338 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 42.145 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (876), Hà Nội (559), Lạng Sơn (557).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 47.264 ca/ngày.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.972.378 ca mắc, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.092 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc ghi nhận trong nước là 2.965.092 ca, trong đó có 2.317.905 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Thúc đẩy việc mua vaccine cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 170/CĐ-TTg ngày 23/2/2022 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19.
Công điện nêu rõ: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, khó dự báo; để giữ vững, củng cố và phát huy thành quả phòng, chống dịch đã đạt được, tiếp tục mở cửa, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan trong hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, biện pháp, phương pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành có liên quan.
Từ kinh nghiệm trong nước, quốc tế thời gian qua cho thấy, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine, tiếp cận nhanh các biện pháp điều trị, thuốc điều trị, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc, có hiệu quả các quy định phòng, chống dịch của người dân; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022 an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thần tốc hơn nữa cho tất cả các đối tượng được tiêm ở tất cả các địa phương; bảo đảm kịp thời, chất lượng, đủ vaccine để thực hiện Chiến dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, thúc đẩy khẩn trương thực hiện hợp đồng mua vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục chủ động cập nhật, tiếp cận sớm với thông tin và các loại vaccine, thuốc, công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm… mới trên thế giới để phục vụ kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với diễn biến mới của tình hình.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về giá, chất lượng đối với các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm…; kịp thời phát hiện các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình, chính sách để trục lợi, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và phổ biến ngay hướng dẫn chăm sóc, điều trị hiệu quả tại nhà cho người mắc COVID-19, nhất là trẻ em, đối với các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, không gây quá tải cho các cơ sở y tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật, bổ sung kịp thời các hướng dẫn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường và thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả.
Khống chế tỷ lệ chuyển tầng và tử vong
Hà Nội vẫn là địa phương có nhiều ca mắc nhất với 7.419 ca. Khi số ca F0 trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng cao, tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã để triển khai quyết liệt hơn các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 chiều 23/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố đã chuẩn bị 8.500 giường bệnh (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em) nhưng hiện vẫn còn 40% số giường chưa sử dụng. Bên cạnh đó, các bệnh viện Trung ương cũng còn nhiều giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, thành phố có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi khi cần thiết.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay, dịch bệnh vẫn được kiểm soát nhờ tập trung vào tiêm chủng, quản lý và điều trị bệnh nhân; ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 từ sớm, từ cơ sở…
Bên cạnh đó, thành phố tăng cường cho công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24 giờ tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ và cấp phát thuốc kịp thời cho người dân. Việc tiêm vét vaccine cho người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện hiệu quả, cơ bản hoàn thành… Kết quả đã khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%.
- Tăng cường phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế
- Xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực trong mua thiết bị, thuốc chống dịch Covid-19
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt
Có hiện tượng đầu cơ, găm hàng tăng giá bán bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2
Trước diễn biến biễn phức tạp của dịch COVID-19, trong những ngày gần đây, có nhiều thông tin phản ánh hiện tượng khan hiếm và biến động về giá bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 23/2/2022, Bộ Y tế đã cấp phép cho 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).
Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 là các trang thiết bị y tế loại C, D nên khi lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định; các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này phải công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị tế loại C, D theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
Trước nhu cầu tự test COVID-19 của người dân tăng cao đột ngột, giá bộ sinh phẩm xét nghiệm tăng cao và khan hiếm, ông Lợi cho hay, Bộ Y tế đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với bộ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2.
“Có thể thấy rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của người dân tăng cao, nguyên nhân gây nhu cầu tăng do sau Tết người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, đi lễ hội hay như học sinh, sinh viên quay trở lại trường học,… Qua các kênh thông tin cho thấy có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý”, ông Lợi nhận định.
TTXVN
Tags