(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Tiếp tục cập nhật
Ngày 15/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gửi thông báo tới các phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã; các Trường Trung học Phổ thông và các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch COVID-19 tại địa bàn.
Theo đó, căn cứ Thông báo số 54/TB-UBND ngày 15/1/2022 của UBND thành phố Hà Nội về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội có 7 đơn vị cấp quận gồm Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Long Biên và 158 đơn vị cấp xã, phường có mức độ dịch cấp độ 3 (vùng cam). Như vậy, so với đánh giá cấp độ dịch của thành phố Hà Nội ngày 7/1, số đơn vị có mức độ dịch cấp độ 3 giảm 1 đơn vị cấp quận (Hoàn Kiếm) và tăng 25 đơn vị cấp xã, phường.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các phòng Giáo dục và Đào tạo, các Trường Trung học Phổ thông và các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và thông báo đến các Trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 17/1/2022.
Đối với các địa bàn xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho học sinh lớp 12 trở lại trường học trực tiếp. Tương tự, đối với 18 huyện, thị xã, nếu có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho học sinh lớp 9 đến trường học trực tiếp.
Hiệu trưởng các nhà trường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thông báo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về phương án tổ chức dạy học cụ thể, đồng thời, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Ninh Bình tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát ra vào tỉnh
Sau nhiều tháng phục vụ tích cực công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, ngày 15/1, UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định tạm dừng hoạt động của các chốt kiểm soát dịch COVID-19 đối với người và phương tiện ra vào tỉnh Ninh Bình.
Cụ thể, căn cứ đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình, tại công văn số 34/UBND-VP4 của UBND tỉnh Ninh Bình ngày 15/1, UBND tỉnh Ninh Bình đã đồng ý tạm dừng hoạt động của các chốt kiểm tra liên ngành kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh Ninh Bình kể từ ngày 15/1/2022 đến khi có thông báo mới nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch cấp cơ sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án sắp xếp tài sản công phục vụ các chốt theo quy định; đồng thời, có phương án sẵn sàng khôi phục chuyển trạng thái hoạt động các thiết bị, cơ sở vật chất khi có tình huống dịch bệnh cấp thiết nảy sinh hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, vừa thực hiện chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội; quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm linh hoạt, an toàn, sáng tạo, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cùng với phát huy vai trò hệ thống giám sát y tế, lực lượng Công an xã, tổ COVID cộng đồng và của người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó linh hoạt, kịp thời, chủ động kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Trước đó, tỉnh Ninh Bình đã thành lập nhiều chốt kiểm soát tại các khu vực: Cầu Non Nước, phường Đông Thành, (thành phố Ninh Bình); cầu Nam Bình, xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình); cầu Khuất, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn; Dốc Xây, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp; cầu Lập Cập, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan. Công tác kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh được thực hiện nghiêm ngặt, đạt hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hải Phòng: Số F0 nguy kịch tăng, thêm 3 ca tử vong
Hải Phòng tiếp tục ghi nhận số ca F0 tăng trở lại với 841 ca nhiễm mới, 105 F0 nguy kịch và thêm 3 ca tử vong do COVID-19.
Tính từ đến 18h00 ngày 15/01/2022, toàn thành phố Hải Phòng đã ghi nhận thêm 841 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 nâng tổng số ca mắc lên 19.006 ca.
Trong số ca mắc mới hôm nay có 755 trường hợp phát hiện qua tự đi làm xét nghiệm, 59 trường hợp F1, 9 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của Dương Kinh, An Dương và Thủy Nguyên, 14 trường hợp test nhanh dương tính, còn lại là ca bệnh nghi ngờ.
Cùng ngày, Hải Phòng cũng ghi nhận số ca nguy kịch tăng với 105 ca, trong đó 14 ca phải thở máy xâm lấn, 14 ca thở HFNC, thở mark 71 ca và 3 ca tử vong do COVID-19.
Về số ca hồi phục xuất viện, tính đến thời điểm này ngành y tế thành phố Hải Phòng đã công bố khỏi bệnh cho 11.067 ca, trong đó ngày hôm nay (15/1) có 743 F0 khỏi bệnh, riêng quận Ngô Quyền chiếm 551 ca.
Theo đánh giá cấp độ dịch của thành phố, quận Ngô Quyền đang ở cấp độ 3 – nguy cơ cao. Tuy nhiên, toàn quận có 7/12 phường vẫn nằm ở cấp độ dịch cấp 4 – nguy cơ rất cao gồm: Máy Tơ, Cầu Tre, Đông Khê, Cầu Đất, Đằng Giang, Lạch Tray và Đồng Quốc Bình. 5 phường đánh giá cấp độ dịch ở cấp độ 3 – nguy cơ cao gồm: Máy Chai, Vạn Mỹ, Lạc Viên, Gia Viên và Lê Lợi.
Để thích ứng an toàn với dịch bệnh, quận chỉ đạo các phường đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi bổ sung cho người dân trên địa bàn. Tổng số đến hết ngày 13/1, toàn quận triển khai tiêm hơn 16.000 mũi vaccine bổ sung cho người dân.
Có 16.378 ca mắc COVID-19, Hà Nội vẫn dẫn đầu
Bản tin dịch COVID-19 ngày 15/1 của Bộ Y tế cho biết có 16.378 ca mắc COVID-19 tại 60 tỉnh thành phố; Hà Nội vẫn dẫn đầu với 2.810 ca; Trong ngày số trường hợp tử vong giảm mạnh so với trước đó, có 139 ca.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 14/01 đến 16h ngày 15/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.378 ca nhiễm mới, trong đó 73 ca nhập cảnh và 16.305 ca ghi nhận trong nước (tăng 279 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 12.695 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.810), Đà Nẵng (874), Hải Phòng (814), Khánh Hòa (654), Bình Phước (651), Trà Vinh (646), Bình Định (581), Bến Tre (567), Tây Ninh (468), Cà Mau (438), Bắc Ninh (415), Vĩnh Long (393), Thanh Hóa (372), TP. Hồ Chí Minh (364), Hưng Yên (335), Quảng Ninh (312), Quảng Ngãi (309), Vĩnh Phúc (275), Quảng Nam (255), Bắc Giang (255), Thừa Thiên Huế (245), Hải Dương (243), Hòa Bình (232), Lâm Đồng (225), Nghệ An (224), Đắk Lắk (215), Nam Định (205), Thái Nguyên (192), Thái Bình (177), Bạc Liêu (176), Hà Giang (136), Phú Yên (135), Đồng Tháp (133), Kiên Giang (130), Phú Thọ (124), Bình Thuận (116), Bình Dương (106), Tuyên Quang (104), Bà Rịa - Vũng Tàu (95), Hậu Giang (94), Cần Thơ (93), Gia Lai (92), Đắk Nông (92), Lào Cai (87), An Giang (77), Long An (71), Quảng Bình (71), Hà Tĩnh (64), Lai Châu (62), Yên Bái (58), Sóc Trăng (58), Quảng Trị (56), Đồng Nai (55), Điện Biên (52), Hà Nam (51), Tiền Giang (50), Sơn La (47), Ninh Thuận (40), Cao Bằng (23), Bắc Kạn (11).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-219), Bình Định (-130), Bà Rịa - Vũng Tàu (-90).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (+363), Hải Phòng (+307), Đà Nẵng (+109).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.950 ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.007.862 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.347 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.001.625 ca, trong đó có 1.715.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (510.968), Bình Dương (292.023), Đồng Nai (99.216), Tây Ninh (85.245), Hà Nội (84.970).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 51.744 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.717.964 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.750 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.057 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 829 ca
- Thở máy không xâm lấn: 134 ca
- Thở máy xâm lấn: 710 ca
- ECMO: 20 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 14/01 đến 17h30 ngày 15/01 ghi nhận 139 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (16) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến: Gia Lai (1), Long An (2), Đồng Nai (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Cần Thơ (12), Tiền Giang (10), Kiên Giang (10), Sóc Trăng (8 ), Vĩnh Long (8 ), Tây Ninh (6), An Giang (6), Bến Tre (6), Long An (4), Cà Mau (4), Trà Vinh (3), Khánh Hoà (3), Bình Dương (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Bình Định (1), Đồng Nai (1), Bắc Giang (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 195 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.480 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.397.354 mẫu tương đương 76.176.966 lượt người, tăng 110.482 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 14/01 có 1.387.809 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 166.942.276 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.563.059 liều, tiêm mũi 2 là 72.121.184 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 16.258.033 liều.
Thành phố Hồ Chí Minh tạm ngừng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến, thêm 1 ca nhiễm biến chủng Omicron
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản về việc sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID19 trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến tại thành phố chiếm 10 - 30% công suất giường bệnh. Tuy nhiên, biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Do đó, nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ ngày 19/1 cho đến khi có thông báo mới sẽ tạm ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Nhân viên y tế, nhân viên khác đang công tác tại các bệnh viện này tạm thời trở về đơn vị để thực hiện nhiệm vụ theo phân công của giám đốc đơn vị chủ quản.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện luôn sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch trong vòng 24 giờ khi có chỉ đạo kích hoạt lại và phải có kế hoạch, phân công nhân sự trực gác bảo quản tài sản. Khi tạm ngưng hoạt động, người bệnh hiện đang được điều trị tại các bệnh viện trên nếu đủ điều kiện sẽ cho xuất viện. Với người bệnh cần tiếp tục điều trị sẽ được chuyển tới các bệnh viện điều trị COVID-19 khác trên địa bàn.
Ngoài ra, đối với các bệnh viện dã chiến vẫn duy trì hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện căn cứ tình hình người bệnh thực tế, xây dựng kế hoạch phân công nhân viên y tế, luân phiên đến công tác tại bệnh viện từ nay đến ngày 15/2. Các bệnh viện phải báo cáo kế hoạch này về sở trước ngày 18/1.
Đối với Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị, chăm sóc người nhập cảnh dương tính, người nhiễm biến chủng Omicron, Sở Y tế sẽ điều động, bổ sung nhân viên y tế từ các bệnh viện trên địa bàn đến luân phiên hỗ trợ.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đang điều trị một bệnh nhân là một cụ bà 82 tuổi mắc COVID-19. Kết quả giải trình tự gene cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron. Bệnh nhân nhập cảnh và có xét nghiệm test nhanh COVID-19 dương tính tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 10/1. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đi cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12 (thành phố Thủ Đức).
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền, cao tuổi và đã xuất hiện triệu chứng khó thở... nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vào chiều cùng ngày. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân khó thở, mệt mỏi, hai chân bị phù, nguy cơ chuyển nặng rất cao.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với ca nhập cảnh, chưa loại trừ nguy cơ nhiễm biến chủng Omicron nên bệnh viện đã cảnh giác cao độ và triển khai quy trình tiếp nhận bệnh nhân nghiêm ngặt. Bệnh nhân được đưa đi cách ly, điều trị tại một phòng riêng biệt. Theo ghi nhận, bệnh nhân đã tiêm 2 mũi vaccine Moderna cách đây 2 tháng. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, tiếp xúc tốt hơn, có thể tự chăm sóc và sinh hoạt. Hiện, các bác sỹ vẫn tiếp tục điều trị theo phác đồ.
Trước đó, ngày 14/1, kết quả giải trình gene do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện cho kết quả bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron.
Đây là ca nhập cảnh nhiễm biến chủng Omicron thứ 13 tại Thành phố Hồ Chí Minh và là ca thứ 51 trên cả nước. Với 12 ca nhập cảnh nhiễm biến chủng Omicron tại thành phố trước đó đều đã xuất viện. Hầu hết đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Ngành y tế đã xét nghiệm trên 2.000 người ngồi cùng chuyến bay, có tiếp xúc gần với 12 ca nhiễm này, kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính.
Hà Nội: 7 quận, huyện đông dân lọt nhóm vùng cam nguy cơ cao; không còn quận, huyện vùng xanh
7 trên 30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội thuộc vùng cam, nguy cơ cao. Số còn lại đều thuộc vùng vàng. Hà Nội hiện không có quận, huyện, thị xã đạt cấp độ 1, màu xanh.
Ngày 15/1, UBND thành phố Hà Nội ban hành thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất được cập nhật tới 9h ngày 14/1.
Theo đó, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng), nhưng nhiều quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có sự điều chỉnh cấp độ dịch so với báo cáo đánh giá 7 ngày trước.
2 tuần nay Hà Nội ghi nhận 21.890 trường hợp mắc COVID-19 tại cộng đồng (tăng 2.463 ca so với trước đó).
Ở cấp huyện, trong 30 quận, huyện, thị xã hiện có 23 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2.
7 quận, huyện: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Long Biên ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam).
So với tuần trước đó, quận Hoàn Kiếm từ cấp độ 3 (vùng cam) xuống cấp độ 2 (vùng vàng).
Như vậy, hiện thành phố không có quận, huyện nào ở vùng xanh và vùng đỏ.
Cũng trong 14 ngày gần đây có 158 xã, phường, thị trấn ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, phân bố theo các quận, huyện, thị xã; cụ thể: Gia Lâm 13 đơn vị, Đồng Đa 11 đơn vị, Thanh Xuân 10 đơn vị, Hoài Đức 10 đơn vị, Nam Từ Liêm 9 đơn vị, Ba Đình 9 đơn vị, Thanh Trì 9 đơn vị, Hai Bà Trưng 9 đơn vị, Hoàng Mai 8 đơn vị, Cầu Giấy 7 đơn vị, Hoàn Kiếm 7 đơn vị, Hà Đông 6 đơn vị, Đông Anh 6 đơn vị, Ứng Hòa 5 đơn vị, Thường Tín 5 đơn vị, Thanh Oai 5 đơn vị, Chương Mỹ 5 đơn vị, Long Biên 5 đơn vị, Sóc Sơn 4 đơn vị, Quốc Oai 4 đơn vị, Tây Hồ 3 đơn vị, Bắc Từ Liêm 3 đơn vị, Phú Xuyên 2 đơn vị, Mê Linh 2 đơn vị, Sơn Tây 1 đơn vị. Theo đánh giá cấp độ dịch, 158 xã, phường, thị trấn của 25 quận, huyện này thuộc cấp độ 3.
Còn lại, trong số 421 xã, phường, thị trấn, có 54 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1 và 367 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2.
Linh hoạt trong quản lý, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16h ngày 13/1 đến 16h ngày 14/1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.040 ca mắc mới, trong đó 14 ca nhập cảnh;16.026 ca ghi nhận trong nước (giảm 674 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 11.914 ca trong cộng đồng).
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), Thành phố Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.991.484 ca mắc; trong đó 1.666.220 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 35.341 ca tử vong.
Hiện có 5.481 bệnh nhân nặng đang điều trị; trong đó 3.795 ca thở ô xy qua mặt nạ; 829 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 139 ca thở máy không xâm lấn; 889 ca thở máy xâm lấn; 20 ca ECMO.
Tính đến ngày 13/1, tổng số vaccine đã được tiêm là 165.524.173 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.527.765 liều, tiêm mũi 2 là 71.946.807 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 15.049.601 liều.
- Đà Nẵng có thể đạt đỉnh dịch vào những ngày giáp Tết Nguyên đán
- Năm 2022, tập trung thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19
- WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch vào mùa Xuân
Thành lập Ban Chỉ đạo về thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế
Ngày 14/1, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác đôn đốc, tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19.
Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 cho các vụ, cục thuộc Thanh tra Chính phủ và Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc hoạt động thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra theo đúng mục đích, yêu cầu, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đề ra; chỉ đạo việc tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả thanh tra trên phạm vi toàn quốc trình Tổng Thanh tra Chính phủ; giúp Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban Chỉ đạo thanh tra chuyên đề do ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Trưởng ban.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ thành lập Tổ Công tác để giúp Ban Chỉ đạo đôn đốc, tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19. Ồng Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng Tổ Công tác.
Áp dụng công nghệ để quản lý, điều trị F0
95,1% bệnh nhân mắc COVID-19 ở thể nhẹ, không triệu chứng; tỷ lệ người bệnh triệu chứng trung bình (tầng 2) là 3,95%; tỷ lệ người bệnh nặng, nguy kịch (tầng 3) là 0,95%, trong đó số bệnh nhân nguy kịch là 36 người, chiếm 0,06%. Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết tại cuộc giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để tiếp tục triển khai các biện pháp hiệu quả khống chế dịch COVID-19 vào chiều 13/1.
Hiện nay, 95% số bệnh nhân ở thể nhẹ và không triệu chứng của Hà Nội chủ yếu điều trị tại nhà và các trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít ca F0 điều trị tại nhà phản ánh chậm được đáp ứng y tế, thiếu sự quan tâm, chậm được xét nghiệm, phát thuốc, tư vấn chưa đầy đủ.
Tại cuộc giao ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải cài đặt phần mềm quản lý bệnh nhân COVID-19 vào smart phone tương tác liên tục để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; giao các bộ phận chuyên môn thường xuyên tương tác để nắm bắt, hướng dẫn kịp thời cho các F0, chủ động kiểm tra không để người dân bức xúc.
Việc quản lý bệnh nhân mắc COVID-19 phải được thực hiện đúng quy trình, có mạng lưới đầy đủ, không được để xảy ra sai sót trong các tình huống.
Để bệnh nhân mắc COVID-19 được tiếp cận kịp thời, chăm sóc y tế đầy đủ, không gây bức xúc, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị phải điều chỉnh lại cách điều hành, phân bổ lại nhân lực, không để quá tải. Các đơn vị phải rà soát, thực hiện ngay các chỉ đạo của thành phố; giao ban thường xuyên để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở…
Ngày 14/1, Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền cho biết, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất chủ trương thực hiện phần mềm hỗ trợ quản lý F0 điều trị tại nhà trên phạm vi toàn tỉnh theo đề nghị của Sở Y tế.
Theo Sở Y tế An Giang, dịch COVID-19 trong tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp mắc COVID-19 được quản lý tại nhà chưa tốt, khi đến cơ sở điều trị đã trong tình trạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Từ tháng 10/2021, Sở Y tế đã phối hợp với Công ty Camino, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ quản lý F0 điều trị tại nhà tại thành phố Long Xuyên, Châu Đốc, huyện Chợ Mới, Phú Tân và Châu Phú, đến nay bước đầu đã mang lại kết quả tốt. Vì vậy, An Giang quyết định tiếp tục triển khai phần mềm hỗ trợ quản lý F0 điều trị tại nhà trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo đó, việc theo dõi, điều trị F0 được thực hiện bởi một phần mềm trực tuyến. Cụ thể, các F0 nhẹ có thể dùng điện thoại thông minh quét mã truy cập vào địa chỉ angiang.dieutrifo.vn để đăng ký được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ và điều trị tại nhà.
Khi đăng ký trên phần mềm, các F0 sẽ được bác sĩ hướng dẫn đo chỉ số sinh hiệu, nhận đơn thuốc, theo dõi giờ uống và kiểm tra sức khỏe trực tuyến. Phần mềm sẽ xử lý nhanh, kịp thời và không bỏ sót thông tin từ các F0.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, đến chiều 13/1, An Giang đã ghi nhận 34.951 ca mắc COVID-19, với 1.215 ca tử vong. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 trong toàn tỉnh đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên đạt 98,5%, mũi 2 đạt 97,6% và mũi 3 đạt 13,3%; nhóm từ 12-17 tuổi mũi 1 đạt 100 %, mũi 2 đạt 92,8%...
Ngành Y tế An Giang đang khẩn trương, rà soát xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Chuyển hướng điều trị F0 tại nhà
Chiều 14/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị ngành y tế và các địa phương cần triển khai quyết liệt việc tiêm mũi 3; chủ động tổ chức các đội tiêm lưu động tại nhà, không nên máy móc có tin nhắn hẹn tiêm và chờ đủ 3 tháng mới tiêm cho người dân.
Các đơn vị chức năng phải tập trung bảo vệ người có nguy cơ cao; đẩy mạnh tuyên truyền, người trong gia đình phải tự ý thức bảo vệ đối tượng nguy cơ.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, để giảm áp lực cho các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, các địa phương cần chuyển hướng điều trị tại nhà, đối với những trường hợp có bệnh nền, người có nguy cơ mới đưa vào cơ sở y tế điều trị.
Ngoài ra, ngành y tế phải quan tâm, có phương án bảo vệ các cơ sở y tế, nhân viên y tế trước dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra hoạt động của y tế xã phường, xem đây là lực lượng chủ lực trong việc điều trị F0 tại nhà.
UBND tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND cho phép các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà nếu số lượng bệnh nhân vượt quá khả năng cơ sở, vật chất các cơ sở thu dung điều trị.
Kế hoạch này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người mắc COVID-19 được chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như về vật chất; giảm chi phí ngân sách nhà nước cho việc cách ly điều trị người mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế đồng thời phù hợp với chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19”.
Điều kiện đối với các trường hợp F0 được phép cách ly, điều trị tại nhà là không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở nhỏ hơn hoặc bằng 20 lần/phút, mức độ bão hòa của oxy trong máu ngoại biên đạt từ 96% trở lên. Người bệnh đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 sau 14 ngày hoặc là trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền hoặc không đang mang thai.
Để được cách ly, điều trị tại nhà, người bệnh cũng cần đáp ứng một số tiêu chí như tự chăm sóc bản thân, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế. Trường hợp không tự chăm sóc bản thân phải có người trực tiếp chăm sóc. Về điều kiện cơ sở vật chất, các gia đình phải có phòng cách ly khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt chung và đáp ứng các tiêu chí do ngành y tế quy định… Hiện hai huyện là Pác Nặm và Chợ Mới đã triển khai việc điều trị F0 tại nhà.
PV/TTXVN
Tags