Khoảng 60% số người trưởng thành được khảo sát thừa nhận đại dịch COVID-19 đã gây xáo trộn vấn đề tài chính của họ, trong bối cảnh dịch bệnh này đã bước sang năm thứ 3.
Tuy nhiên, điều tích cực là trong khi các chuyên gia dự đoán Mỹ có thể ghi nhận thêm 100 triệu ca mắc COVID-19 vào mùa Thu và mùa Đông này, một số người trưởng thành được khảo sát cho biết đã thích nghi với những thay đổi trong môi trường kinh tế do đại dịch gây ra.
Công ty dịch vụ tài chính Northwestern Mutual của Mỹ đã tiến hành Nghiên cứu về tiến độ và lập kế hoạch năm 2022, khảo sát thái độ và hành vi của 2.381 người trưởng thành ở nước này từ ngày 8 đến ngày 17/2 về các vấn đề liên quan đến tiền bạc, ra quyết định tài chính và an ninh tài chính dài hạn. Kết quả cho thấy 48% trong số đó cho biết họ đã thích nghi với nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Nhiều người đã phải chật vật vượt qua khó khăn trong thời gian đầu khi đại bùng phát vào năm 2020. Tuy nhiên, 43% người được hỏi nói rằng đã lấy lại được phần tài chính bị mất đi trong năm đầu tiên đó. Điều này có được có thể do nhiều người cho biết đã hình thành thói quen tài chính tốt hơn. Cụ thể, 73% người được hỏi cho biết hiện tại họ đã có thói quen tài chính tốt hơn so với thời kỳ trước đại dịch.
Khoảng 75% trong số đó muốn duy trì những thói quen đó trong tương lai. Một trong những thói quen tài chính tốt bao gồm tích lũy tiền tiết kiệm cá nhân. Chuyên gia Christian Mitchell, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc khách hàng tại Northwestern Mutual nhận định: "Đây là câu chuyện thích ứng - mọi người đã điều chỉnh theo nhiều cách mà thế giới đã thay đổi trong 2 năm qua và nổi lên với một số ưu tiên tài chính, thói quen và quan điểm khác nhau".
Trong hai năm qua, 60% người được hỏi cho biết họ đã tích lũy tiền tiết kiệm cá nhân. Trong số những người được khảo sát, 69% cho biết có kế hoạch duy trì khoản tiết kiệm của mình trong tương lai. Mặc dù vậy, so với năm ngoái, mong muốn duy trì các thói quen tài chính được hình thành trong đại dịch lại thấp hơn. Trong giai đoạn 2021-2022, tiết kiệm trung bình đã giảm 15% từ khoảng 73.000 USD xuống còn 62.000 USD. Trong khi 73% số người được hỏi mong muốn duy trì thói quen tài chính tốt, thì con số này đã giảm so với mức 95% vào năm 2021. Ông Mitchell giải thích những tiến bộ trong hành vi tài chính của người dân "không phải lúc nào cũng đi theo một đường thẳng - có một chút lung lay trong hành vi của mọi người so với năm ngoái".
- Người dân Mỹ đánh giá cách điều hành nền kinh tế và ứng phó dịch Covid-19 của Tổng thống Biden
- Người dân Mỹ trở nên bi quan hơn trong tháng 7/2020
Trong năm 2021, nhiều người chọn thích ứng với điều kiện kinh tế mới bằngcách giảm chi phí sinh hoạt/chi tiêu, trả bớt nợ, tăng đầu tư, tăng cường sử dụng công nghệ để quản lý tài chính và thường xuyên xem xét lại các kế hoạch tài chính. Tuy nhiên năm nay số người quen được với những cách thức này có giảm. Trong khi những người được hỏi dường như tin tưởng vào khả năng của chính mình trong vấn đề tài chính, họ lại thiếu tự tin hơn vào các yếu tố bên ngoài.
Chỉ 43% người được khảo sát cho rằng nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh và 35% cho rằng lạm phát sẽ giảm trong năm nay. Ngoài ra, 41% số người được hỏi cho biết tình trạng lạm phát là mối quan tâm chính của họ, số người quan tâm đến sức khỏe nền kinh tế là 39% và chi phí chăm sóc y tế là 22%. Cả ba yếu tố này đều được xem là thường nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi người.
Phương Oanh/TTXVN
Tags