(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 27/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 126.683.142 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.778.889 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 102.150.061 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 561.142 ca tử vong trong tổng số 30.853.032 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 307.326 ca tử vong trong số 12.407.323 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 161.275 ca tử vong trong số 11.908.373 bệnh nhân.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận 12 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong ngày 26/3. Không có ca tử vong hay nghi nhiễm nào được thông báo cùng ngày. Tính đến hết ngày 26/3, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 90.159 ca nhiễm, trong đó 4.636 ca tử vong.
Hàn Quốc ngày 27/3 ghi nhận thêm 505 ca nhiễm mới, trong đó 490 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 101.275 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 19/2 vừa qua, làm tăng quan ngại về một làn sóng lây nhiễm vào mùa Xuân này khi người dân đi ra ngoài nhiều hơn trong bối cảnh thời tiết ấm áp.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có thêm 5 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.721 người.
Tại châu Âu, do số ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở Pháp, ngày 26/3, Chính phủ liên bang Đức đã phải coi quốc gia láng giềng này là Khu vực có chỉ số lây nhiễm cao, bắt buộc mọi trường hợp từ Pháp nhập cảnh Đức phải có kết quả âm tính với COVID-19.
Trong khi đó, Berlin đã đưa bang Tirol (Áo) cũng như CH Séc và Slovakia ra khỏi danh sách các Khu vực biến thể bùng phát, đồng nghĩa với việc phần lớn các hạn chế với người nhập cảnh Đức từ những nơi này sẽ được dỡ bỏ.
Tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 ở Pháp trong vài tuần qua ngày càng nghiêm trọng, giới chức nước này ghi nhận mỗi ngày có tới 30.000 ca nhiễm mới, trong khi các bệnh viện ở nhiều khu vực hầu như quá tải. Do số ca nhiễm mới trung bình 7 trong ngày vượt ngưỡng 300 ca/100.000 người, cao hơn mức giới hạn mà Đức đặt ra là 200 ca/100.000 người, nên Đức đã xếp Pháp vào danh sách Khu vực chỉ số lây nhiễm cao. Trong khi đó, cơ quan y tế Đức ngày 26/3 ghi nhận có thêm 21.942 ca nhiễm mới và 186 ca tử vong.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) ngày 26/3 cho biết Ethiopia đã ghi nhận số ca nhiễm mới hàng tuần cao nhất ở "Lục địa Đen" với 11.898 ca. Đây là tuần thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Phi này ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới hằng tuần cao nhất tại châu lục này.
- Dịch Covid-19 đến sáng 26/3: Toàn thế giới đã có hơn 126 triệu ca nhiễm, gần 2,8 triệu ca tử vong
- Thế giới hơn 124 triệu ca mắc Covid-19, hơn 2,7 triệu ca tử vong
- Dịch Covid-19: Châu Âu là khu vực đầu tiên trên thế giới ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong
Trong tuần trước đó, Ethiopia đã ghi nhận 9.329 ca mắc mới, cũng là con số cao nhất trong cùng thời điểm ở châu Phi. Theo số liệu từ Bộ Y tế Ethiopia, với số ca nhiễm mới cao kỷ lục này đã nâng tổng số ca bệnh ở Ethiopia lên 194.524 ca, tính đến sáng 26/3.
Hiện Ethiopia xếp thứ 5 trong số 10 quốc gia châu Phi ghi nhận số ca bệnh cao nhất châu lục, xếp sau các nước gồm Nam Phi, Maroc, Tunisia và Ai Cập. Theo CDC châu Phi, tính đến sáng ngày 26/3, toàn châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 4.154.938 người mắc COVID-19 và 111.318 ca tử vong. Trong đó, khu vực Nam Phi là nơi có số ca mắc cũng như số ca tử vong cao nhất châu lục, tiếp theo là khu vực Bắc Phi.
Về vấn đề phát triển vaccine ngừa COVID-19, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt sử dụng vaccine của công ty BioNTech sản xuất tại nhà máy mới ở thành phố Marburg, thuộc bang Hessen của Đức, nơi dự kiến có khả năng sản xuất tới 250 triệu liều vaccine cho tới giữa năm nay. Khi toàn bộ nhà máy được hoàn thiện, năng lực sản xuất mỗi năm sẽ lên tới 1 tỷ liều và đây là một trong số cơ sở sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA lớn nhất thế giới. Dự kiến, trong vài ngày tới, vaccine của hãng BioNTech tại nhà máy Marburg sẽ được vận chuyển tới Bỉ để đóng lon.
TTXVN
Tags