(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 6/1, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức, các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2022.
Hà Nội còn tình trạng đua xe trái phép
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, năm 2021, thành phố đã giảm sâu cả ba tiêu chí về tai nạn giao thông. Toàn thành phố xảy ra 827 vụ, làm 350 người chết, 547 người bị thương; giảm 197 vụ (19,2%), giảm 97 người chết (21,7%), giảm 117 người bị thương (17,6%) so với năm 2020. Lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý trên 387 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền 235 tỷ đồng, tạm giữ 16.564 phương tiện, trước trên 18,3 nghìn giấy phép lái xe, tước 126 phù hiệu xe kinh doanh vận tải hành khách.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, trên địa bàn vẫn còn tình trạng người điều khiển mô tô không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định trên các tuyến tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã, các khu đô thị. Các vi phạm về hoạt động vận tải hành khách, tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố, xe đón khách lòng vòng vẫn diễn ra.
Năm 2022, thực hiện chủ đề Năm An toàn giao thông “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Hà Nội đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông cả ba tiêu chí từ 5-10%.
Lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo, đề xuất với Chính phủ ban hành quy định về niên hạn đối với xe mô tô, xe gắn máy và tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện này để có biện pháp xử lý với các phương tiện không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường. Bộ Công an nghiên cứu nâng cấp hệ thống dữ liệu xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông kết nối đồng bộ với các địa phương để phục vụ tốt hơn công tác quản lý.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Hà Nội là tích cực, đặc biệt là số người chết vì tai nạn giao thông giảm 21,7%, cao hơn bình quân chung của cả nước, song, theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông, thời gian qua, trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng đua xe trái phép. Cho rằng tai nạn giao thông thường xảy ra vào dịp Tết, Bộ trưởng đề nghị Ban An toàn giao thông thành phố cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi này.
Thành phố Hồ Chí Minh giảm ùn tắc và tai nạn giao thông
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 như ban hành các văn bản hướng dẫn phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa, triển khai các phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nhất là bằng đường thủy, thực hiện cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QRcode, tổ chức các phương tiện lưu thông luồng xanh tại các chốt kiểm soát dịch. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, năm 2021, tình hình tai nạn giao thông đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Thành phố xảy ra 1.784 vụ tai nạn giao thông, làm chết 477 người, bị thương 1.042 người, so với cùng kỳ năm 2020, giảm 1.146 vụ (39,1%), giảm 70 người chết (12,8%), giảm 993 người bị thương (48,8%). Đặc biệt là trong năm 2021, trên địa bàn không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Tổng số điểm đen về tai nạn giao thông giảm còn 4 điểm.
Khắc phục ùn tắc giao thông, Thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai kế hoạch phối hợp xử lý, kiểm soát 19 điểm có nguy cơ ùn tắc, từ đó phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng đơn vị, đặc biệt là phân công trách nhiệm từng cá nhân để đảm bảo công tác phối hợp nhịp nhàng, ngăn chặn bước đầu, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là các khu vực trọng điểm, trong đó 2 khu vực trọng điểm nhất là sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. Đồng thời, Thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, hạng mục giao thông trọng điểm, kết hợp công tác tổ chức giao thông khoa học hợp lý. Do tác động của giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 nên lưu lượng phương tiện giảm mạnh, do đó, đến cuối năm 2021 đã xóa được 1 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, 3 điểm có chuyển biến tốt, 8 điểm có chuyển biến nhưng vẫn còn phức tạp, 7 điểm chưa có chuyển biến.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ; nâng cao hiệu quả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, qua đó, góp phần vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn.
Năm 2022, Thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, trật tự, an toàn giao thông. Thành phố chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đẩy mạnh triển khai Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố.
Thành phố tổ chức phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm có lưu lượng phương tiện lớn; kịp thời rà soát, đánh giá bổ sung Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho phù hợp với thực tế; nâng cao chất lượng và khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện.
Nêu rõ, năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh có số người chết vì tai nạn giao thông giảm thấp hơn bình quân chung của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, số công nhân và nhà máy đi vào hoạt động sẽ tăng lên, Thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là trong dịp Tết.
Nâng cao ý thức tham gia giao thông
Thái Bình là một trong hai địa phương (cùng với Kiên Giang) có số người chết vì tai nạn giao thông năm 2021 tăng trên 10%, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng cho biết, mặc dù áp dụng nhiều giải pháp như lắp đặt camera giám sát và xử lý vi phạm giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn… tuy nhiên, các chỉ tiêu về giảm số vụ và số người chết vì tai nạn giao thông không đạt yêu cầu đề ra, trong đó, số vụ tăng 2,05%, số người chết tăng 23,08%.
Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy, người bị tai nạn trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ tương đối cao (87%) và chủ yếu là người ở vùng nông thôn khi tham gia giao thông ở các tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông cao. Thời gian xảy ra tai nạn phần lớn vào lúc nhập nhoạng tối.
- Tai nạn giao thông năm 2021 giảm sâu cả ba tiêu chí
- 20 vụ tai nạn giao thông, làm 12 người tử vong trong ngày thứ hai của kỳ nghỉ Tết dương lịch
- Hà Nội: Hai vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng làm hai người chết
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Quang Hưng cho hay, lực lượng lao động lưu thông nội tỉnh tăng cao, số phương tiện cũng tăng nhanh, riêng năm 2021 tăng tới 40 nghìn mô tô và 9.000 ô tô, đến nay, tỉnh có trên 970 nghìn mô tô và khoảng 47 nghìn ô tô. Trong khi đó, hạ tầng giao thông nông thôn nhiều đường ngang, ngõ tắt, ánh sáng không đảm bảo; ý thức tham gia giao thông của người dân vùng nông thôn khi đi ra các tuyến đường lớn, đông phương tiện chưa được tốt.
Để hạn chế tai nạn giao thông, lãnh đạo tỉnh này đưa ra một số giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông, giao trách nhiệm cho người đứng đầu, phối hợp với Công an xã chính quy để tuyên truyền, vận động ngay từ cơ sở; đầu tư các hệ thống camera giám sát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện chương trình thắp sáng đường quê, đảm bảo ánh sáng cho các phương tiện tham gia giao thông, nhất là lúc nhá nhem tối.
Ông Nguyễn Quang Hưng cũng cho biết, phương tiện vận tải qua tỉnh rất lớn, một số "điểm đen" liên quan đến đường nối với đường cấp huyện chưa có hệ thống biển báo, đèn tín hiệu. Các phương tiện đi Hải Phòng hầu như đi qua thị trấn Đông Hưng (huyện Đông Hưng) vào giờ cao điểm, không đi tuyến tránh.
Ông đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu ở các đường nối, xem xét phân luồng điều tiết vào giờ cao điểm, giảm tải tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn thị trấn Đông Hưng.
Chu Thanh Vân/TTXVN
Tags