Cảnh báo nạn bạo lực gia đình

Thứ Sáu, 22/08/2008 15:24 GMT+7

Google News
Theo thống kê của Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khoẻ phụ nữ Gia Lâm, trong số những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực trong gia đình đã tìm Trung tâm, người xa nhất ở Cà Mau, ít tuổi nhất là 6 tuổi, cao nhất là trên 70 tuổi. Các nạn nhân bị thương tích vùng đầu, mặt, cổ chiếm 50%, chấn thương xương chiếm 10%, 40% còn lại là đa chấn thương.

Video: Sốc vì nạn bạo hành gia đình

Khó tìm lối thoát

16h ngày 17/3/2008, chị Trịnh Thị T., 43 tuổi ở Yên Mỹ, Hưng Yên được đưa vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang với những vết bầm tím trên mặt và người, tụ máu da đầu đỉnh chẩm, theo dõi chấn thương sọ não. Người chồng vũ phu đã dùng mũ bảo hiểm đập vào mặt, vào người vợ không thương tiếc. Đây chỉ là một trong vô số những trận đòn mà chị đã phải cắn răng chịu đựng suốt hơn 20 năm qua.

Vốn là người đàn bà lam lũ, chịu thương chịu khó, chị T. chấp nhận vất vả, một mình bươn chải buôn bán để gánh vác cả gia đình và một người chồng chỉ quen thói ăn chơi. Hàng xóm láng giềng khó mà tin chuyện chị T. bị chồng đánh đập thường xuyên bởi trước mặt mọi người, chồng chị luôn tỏ ra là một người nhã nhặn, chu đáo với gia đình, yêu chiều vợ con.

Nhưng khi cánh cửa khép lại, bộ mặt thật của anh ta hoàn toàn ngược lại. Không chia sẻ với những lo toan vất vả của vợ, anh ta tìm mọi thủ đoạn, thậm chí là hèn hạ để chiếm đoạt và quản lý số tài sản do một tay vợ gây dựng.

Một lần, anh ta đã đưa vợ mình vào tròng với một người đàn ông là bạn hàng để bắt ép vợ phải ký vào giấy xác nhận tất cả tài sản thuộc về chồng. Nhưng như thế cũng chưa đủ, anh ta còn tìm cách hành hạ vợ bằng những trận đòn thô bạo và chửi mắng không tiếc lời.

Vì tương lai của 2 đứa con, chị T. chấp nhận đau đớn và tủi hờn để các con được sống có cha có mẹ. Nhưng sự nhẫn nhịn của chị lại khiến người chồng ngày càng đối xử cạn tình và biến vợ thành một thứ đồ chơi để anh ta thượng cẳng chân hạ cẳng tay mỗi khi bực tức.

Một số nạn nhân của nạn bạo lực trong gia đình.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Đ., 32 tuổi, quê Nam Định cũng là một điển hình của tình trạng bạo lực gia đình. Vốn là cô thôn nữ có nhan sắc, chị Đ. lọt vào mắt của người chồng thuộc gia đình khá giả trong thôn. Cứ nghĩ lấy được chồng giàu thì sung sướng, ngờ đâu chỉ sau vài ngày làm dâu, người chồng của chị đã bộc lộ hết thói hư tật xấu.

Anh ta coi vợ như một người hầu, suốt ngày phải làm lụng phục dịch chồng. Khi chị Đ. sinh 2 con gái, anh ta chửi rủa vợ là đồ không biết đẻ và đối xử với vợ ngày càng tồi tệ hơn. 13 năm làm vợ là 13 năm chị phải chịu đựng một cuộc sống tủi nhục, đau khổ, bị hành hạ cả về thể xác, tinh thần và tình dục.

Quá uất ức, một lần chị đã tìm đến cái chết nhưng được người làng phát hiện cứu sống. Không được chồng an ủi, động viên, chị lại bị anh ta nhiếc móc và đánh cho một trận thập tử nhất sinh. Trước mặt mọi người, anh ta tuyên bố bắt chị phải sống tiếp quãng đời còn lại "không bằng con chó trong nhà".

Chị Đ. đã tự chặt ngón tay út của mình, thề phải tìm cơ hội thoát khỏi tay người chồng ác độc. Thương chị, người em gái đã đón chị Đ. đến ở cùng tại thị trấn Trâu Quỳ. Hai chị em mở một cửa hàng thu gom phế liệu kiếm sống. Tuy cuộc sống vất vả nhưng chị Đ. đã tìm cách đưa 2 con gái lên ở cùng để chăm sóc và nuôi con ăn học. Tuy muộn nhưng chị Đ. đã tự bứt phá được số phận nghiệt ngã và bắt đầu cuộc sống mới.

Nhưng không phải người phụ nữ nào bị bạo hành trong gia đình cũng tìm được lối thoát như chị Đ. 16h ngày 21/6/2008, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đức Giang tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị M., 28 tuổi ở Hưng Yên với một vết rạch dài trên cổ tay và 2 vết đâm trên ngực trái và cổ. Thật đau đớn bởi những vết thương này do M. tự gây ra với ý nghĩ tiêu cực chấm dứt cuộc đời khổ đau của một người vợ bị chồng ngược đãi.

Lấy phải người chồng nghiện ma tuý và cờ bạc, M. phải lao động quần quật để nuôi báo cô anh ta. Những hôm không có tiền mua ma tuý, cơn nghiện lên, anh ta nhằm vào vợ mà đánh. Có lần M. chạy về nhà bố mẹ đẻ trốn, anh ta cũng không tha. Vốn là một cô gái yếu đuối, M. bị suy nhược thần kinh trầm trọng. Không có tiền chữa bệnh, cô được gia đình đưa lên Hà Nội, gửi nhờ người cậu ruột để chăm sóc và chữa trị.

Không buông tha, anh chồng nghiện ngập liên tục gọi điện thoại lên đe dọa, bắt vợ phải về nhà phục vụ mình. Lo sợ phải quay về chung sống với người chồng tệ bạc, M. đã không làm chủ được bản thân. Trong cơn hoảng loạn, cô dùng dao tự sát nhưng đã được người nhà phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Tìm đến sự hỗ trợ

Ai đó đã nói rằng phụ nữ là đại diện của cái đẹp, là một nửa của thế giới. Thế nhưng đọc Nhật ký tư vấn được bác sĩ Hoàng Kim Báu - cán bộ tư vấn của Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khoẻ phụ nữ Gia Lâm - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ghi chép lại cẩn thận, mới thấy trong "một nửa của thế giới" ấy có rất nhiều số phận éo le và đẫm nước mắt, có rất nhiều mảnh đời bị vùi dập, bị quăng quật bởi nạn bạo lực trong gia đình. Dù không muốn nhưng cuốn nhật ký ấy vẫn dày lên từng ngày.

Những nạn nhân khi tìm đến Trung tâm đều được bác sĩ Hoàng Kim Báu đón tiếp ân cần, chu đáo, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với họ. Ngoài những vết thương trên cơ thể thì đau đớn nhất đối với những người phụ nữ là vết thương lòng khó có thể hàn gắn được. Mà những người phụ nữ bị bạo lực gia đình thường có tâm lý e ngại người khác biết chuyện, sợ rằng "xấu chàng hổ ai". Âm thầm chịu đựng nỗi đau cả về thể xác và tinh thần, khi đến Trung tâm, rất nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng hoảng loạn, trầm cảm.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết - phụ trách Trung tâm cho biết: Hiện nay, nhiều người cho rằng bạo lực gia đình chỉ là vấn đề cá nhân. Thực tế, bạo lực gia đình là tội phạm và là vấn đề liên quan đến toàn xã hội. Trong đó, bạo lực của người chồng đối với vợ là hình thức bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Nạn nhân của bạo lực giới cần được sự giúp đỡ của cộng đồng.

Chính vì vậy, năm 2002, Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khoẻ phụ nữ được thành lập từ Dự án Cải thiện chăm sóc y tế đối với nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới do Quỹ Ford tài trợ, được giao cho Sở Y tế Hà Nội thực hiện với sự phối hợp của Hội đồng dân số, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA).

Tại Trung tâm có cán bộ tư vấn thường trực để tiếp nhận nạn nhân bạo lực giới do các trạm y tế xã, các khoa phòng trong bệnh viện hoặc do các cơ quan khác chuyển đến cũng như phụ nữ trong cộng đồng có nhu cầu tư vấn hỗ trợ về tâm lý và tinh thần, tìm ra các giải pháp an toàn.

Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp dịch vụ tư vấn qua điện thoại và phối hợp với các khoa của bệnh viện và trung tâm y tế để hỗ trợ, điều trị và tư vấn cho nạn nhân, phối hợp với các cơ quan đoàn thể khác của địa phương để giúp đỡ theo nguyện vọng của khách hàng.

Theo thống kê của Trung tâm, trong số những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực trong gia đình đã tìm đến đây, người xa nhất ở Cà Mau, ít tuổi nhất là 6 tuổi, cao nhất là trên 70 tuổi. Các nạn nhân bị thương tích vùng đầu, mặt, cổ chiếm 50%, chấn thương xương chiếm 10%, 40% còn lại là đa chấn thương.

Mỗi người phụ nữ khi đến Trung tâm có một kiểu thương tích khác nhau, đã có người bị chồng đánh, khi đưa đến bệnh viện thì tử vong, có nạn nhân bị chồng đá vỡ lá lách, có nạn nhân bị chồng đánh gãy chân đến 4 lần. Nạn nhân bị chồng đánh dẫn đến chấn thương sọ não cũng không phải là hiếm. Thậm chí, có người sau khi bị đánh đập còn bị người chồng tàn ác dùng dao lam rạch hình dấu nhân trên khuôn mặt. Dù bị bạo lực nhiều hay ít, những người phụ nữ đến Trung tâm đều bị khủng hoảng tinh thần, trong đó 10-15% bị rối loạn tâm thần cần phải điều trị lâu dài.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết cho biết, sau khi được tư vấn và điều trị vết thương, những nạn nhân của bạo bực gia đình sẽ được giới thiệu đến một địa chỉ an toàn cho họ. Đó là Ngôi nhà bình yên - thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại 20 Thụy Khuê, Hà Nội. Số phận những người phụ nữ sẽ ra sao khi đến Ngôi nhà bình yên?

Theo CAND

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›