Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Các ý kiến thảo luận tại hội trường đều đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế, thu, chi ngân sách năm 2010, trong đó mức tăng trưởng GDP cả năm tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua; nguồn thu ngân sách tăng và bội chi ngân sách giảm so với dự kiến đề ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề liên quan đến mức độ lạm phát và công tác điều hành giá.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng với tình hình thực tế hiện nay, mức lạm phát dự báo có thể lên đến 9%. Nguyên nhân của lạm phát tăng cao một phần do công tác điều hành giá của Chính phủ còn lúng túng.
Đại biểu Hùng dẫn chứng, từ năm 2008 đến nay, riêng giá sữa đã tăng trên mười lần. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới, nhưng giá sữa thì cao nhất thế giới.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ có báo các về công tác điều hành giá và có giải pháp trong thời gian tới; giảm bội chi ngân sách. Bội chi ngân sách vẫn đưa ra mức 5% GDP là không hợp lý, vì như vậy thực chất bội chi vẫn tăng theo từng năm, đại biểu Hùng nói.
Tiếp tục mạch ý kiến trên, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) và đại biểu Lê Văn Thành (Hải Phòng) đề nghị cần có biện pháp giảm bội chi ngân sách dưới 5%, thông qua kiểm tra, giám sát việc chi ngân sách tại các dự án.
Ngay trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ, chi ngân sách năm 2010 còn một số bất cập, đầu tư còn dàn trải, kiểm soát, hậu kiểm kê khai thuế, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp.
Đại biểu Lương Phan Cừ (Đắk Nông) cho rằng, GDP tăng nhưng lạm phát cũng tăng theo thì chất lượng tăng trưởng là chưa cao.
Tránh đầu tư dàn trải trong chi ngân sách
Về dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2010, nhiều ý kiến trong phiên thảo luận sáng nay đề nghị Chính phủ cần sắp xếp lại cơ chế và cơ cấu chi, trong đó tăng chi cho các công trình phúc lợi, an sinh xã hội và huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển.
Cùng với đó, có kế hoạch sắp xếp và cân đối lại mặt bằng chi, theo hướng đáp ứng nhu cầu thật cơ bản giữa các địa phương; điều chỉnh một số hệ số và điều hành hợp lý để có nhiều nguồn thu hơn.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), dự toán ngân sách Trung ương năm 2011 cần đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhất là cuộc chiến tiền tệ đang manh nha diễn ra trên thế giới. Đây là những điều kiện khách quan, nhưng có tác động trực tiếp đến kinh tế trong nước.
Đại biểu cũng đề nghị giảm chi ngân sách nhà nước cho lễ hội, tăng cường xã hội hóa lễ hội, chấm dứt đầu tư dàn trải. Phải minh bạch hóa chi ngân sách và lập hành lang pháp lý để nâng cao tính minh bạch, đại biểu Đào đề nghị.
Các đại biểu Nguyễn Danh Út (Kiên Giang) và Cầm Chí Kiên (Sơn La) đề nghị, phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia còn dàn trải, cần thu gọn đầu mối, đầu tư có trọng điểm tránh lãng phí, lạm chi. Tăng ngân sách cho người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc, hải đảo, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và thành thị.
Một số ý kiến khác cho rằng bội chi ngân sách năm 2011 ở mức 5,5% GDP như dự kiến là quá cao, cần đưa về dưới 5% mới hợp lý và phải có giải pháp để bội chi giảm dần theo từng năm, không thể tăng theo từng năm như thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới cũng như thiên tai tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề, cần lập dự phòng ngân sách cho năm 2011 để chủ động trong điều hành.
Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong năm 2011 là 45.000 tỷ đồng cũng thu hút được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị trước khi phát hành, Chính phủ cần báo cáo kết quả sử dụng trái phiếu Chính phủ trong thời gian qua để Quốc hội đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng tập trung đầu tư các nguồn vốn, trong đó có trái phiếu Chính phủ vào khu vực nông thôn, môi trường, và an sinh xã hội là điều rất cần thiết.
Thực tế cho thấy, những chỉ tiêu kinh tế-xã hội không đạt kế hoạch thời gian qua chủ yếu rơi vào khu vực nông thôn và vấn đề môi trường.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị cần kiểm soát chặt việc sử dụng trái phiếu Chính phủ, chấn chỉnh hoạt động đầu tư theo hướng tiết kiệm triệt để. Vốn trái phiếu cần tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng vùng nông thôn, bảo vệ môi trường, hệ thống an sinh xã hội.