Ban hành luật, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng rượu, bia

Thứ Năm, 23/05/2019 20:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thư viện; thảo luận tại Tổ về các nội dung này.

Đồ họa: Những nội dung chính của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Đồ họa: Những nội dung chính của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 14/6/2019. Tại kỳ họp này, ngoài thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho thấy, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và một số nội dung chủ yếu của dự án Luật. Về nội dung quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia được quy định tại các điều 11, 12, 13 và điều 14, một số ý kiến không nhất trí với việc quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên và đề nghị xem xét các quy định về quảng cáo, khuyến mại để đảm bảo thống nhất với các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Thương mại; lại có ý kiến cho rằng quy định cho phép quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn nhưng cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên là bất công, không hợp lý.

Chú thích ảnh
Một số ý kiến đề nghị quy định không được quảng cáo rượu, bia trong tất cả các chương trình dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người lớn và trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị quy định không được quảng cáo rượu, bia trong tất cả các chương trình dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người lớn và trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; không thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia trước và sau các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; nâng khoảng cách không được quảng cáo tính từ các cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em lên 500 m. Thảo luận tại Hội trường, vấn đề quy định quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Về chính sách của Nhà nước trong phòng chống tác hại của rượu bia, liên quan đến vấn đề rượu thủ công truyền thống, theo đại biểu cần có những quy định quản lý chất lượng đầu ra của rượu thủ công truyền thống; đồng thời, không nên tạo sự phân biệt giữa rượu thủ công truyền thống với rượu công nghiệp. Từ góc độ tiếp cận này, đại biểu đồng tình với các ý kiến của một số đại biểu đã phân tích trước đó về việc cần nghiên cứu, bổ sung một số quy định tăng cường quản lý kinh doanh rượu thủ công, có chính sách hỗ trợ việc sản xuất kinh doanh rượu thủ công theo hướng đảm bảo chất lượng, vì sức khỏe cộng đồng.

Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia…

Một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp đối với Kiểm toán Nhà nước. Đa số ý kiến thống nhất bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm khách quan cho kết quả giám định trong trường hợp nội dung giám định thuộc lĩnh vực quản lý của chính cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám định và trong một số trường hợp cần thiết khác.

Thảo luận tại Tổ, nhiều đại biểu cho rằng, cần đảm bảo cơ sở pháp lý cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ giám định theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng, nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ việc giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng. 

Tờ trình về dự án Luật Thư viện nêu rõ: Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật này. Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đọc Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về hai dự án Luật đã trình.

Nguyễn Hồng Điệp - TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›