Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang căng thẳng với việc Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ phóng thử tên lửa trong khi Mỹ và Hàn Quốc có động thái đáp trả vô cùng cứng rắn.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 6/6/2022 cam kết sẽ đáp trả một loại vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây của Triều Tiên. Tổng thống Yoon nhấn mạnh chính quyền Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của ông sẽ ngăn chặn "các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa", đồng thời xây dựng "năng lực an ninh cơ bản và thiết thực hơn".
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Hàn Quốc và Mỹ đã phóng 8 quả tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông - động thái được cho là đòn trả đũa Bình Nhưỡng. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Hàn Quốc và Mỹ đã phóng các tên lửa đất đối đất thuộc Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) trong khoảng 10 phút kể từ lúc 4h45 phút sáng theo giờ địa phương.
JCS tuyên bố rằng việc Hàn Quốc và Mỹ phối hợp phóng các tên lửa đất đối đất đã cho thấy năng lực cũng như quan điểm trong việc có thể phát động các cuộc tấn công có độ chính xác cao, ngay lập tức nhằm đáp trả những hành động khiêu khích.
Triều Tiên hôm 5/6 đã phóng tổng cộng 8 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra hướng Đông của Bán đảo Triều Tiên từ các địa điểm được xác định là Sunan, Pyeongyang, Gaecheon, Pyeongnam, Dongchang-ri, Pyeongbuk, Hamhung và Hamnam. Các tên lửa này được phóng liên tiếp từ khoảng 9h08 (giờ địa phương) tới nhiều mục tiêu trong vòng 35 phút. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 18 của Triều Tiên từ đầu năm 2022 đến nay.
Triều Tiên tiến hành vụ phóng trên sau khi Hàn Quốc và Mỹ vừa hoàn tất đợt tập trận chung quy mô lớn kéo dài 3 ngày, trong đó triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân được triển khai tham gia một cuộc tận trận chung của hai nước đồng minh này.
Hàn Quốc đã bày tỏ bất bình trước việc Triều Tiên tiến hành các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo nói trên đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng ngay lập tức chấm dứt những hành động này, vốn được cho là làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và gây quan ngại về an ninh. Seoul đã từng cảnh báo rằng các hành động khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng sẽ nhận được sự đáp trả tương ứng.
Truyền thông Hàn Quốc ngày 5/6 dẫn nhận định của giới chuyên gia nước này cho rằng loạt phóng đồng thời 8 tên lửa của Triều Tiên không chỉ nhằm phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, mà có thể là nỗ lực nhằm thể hiện ý đồ muốn vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ-Hàn bằng cách phô trương khả năng tấn công đồng thời từ nhiều địa điểm và tới nhiều mục tiêu khác nhau. Ngoài ra, Triều Tiên cũng phát đi một thông điệp rằng hệ thống vũ khí tên lửa của nước này luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Các nhà quan sát dự báo tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục căng thẳng, ít nhất cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, từ nhiều năm qua, Triều Tiên vẫn theo đuổi chương trình phát triển năng lực đạn đạo và gia tăng các cuộc thử nghiệm không chỉ tên lửa tầm ngắn mà còn nối lại các vụ thử tên lửa tầm xa, nhất là tiến hành thử cả các loại tên lửa liên lục địa. Lý do cho đợt thử tên lửa mới nhất hôm 5/6 của Triều Tiên có thể là Bình Nhưỡng muốn thể hiện rằng họ vẫn vững mạnh, năng lực của quân đội vẫn vững chắc và có thể đối phó được với mọi tình huống, mọi kịch bản trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng đây có thể là những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
- Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo
- Những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong hơn 2 năm qua
- Triều Tiên xác nhận bắn thử tên lửa siêu vượt âm
Trong khi Triều Tiên gia tăng các cuộc thử tên lửa đạn đạo nhằm phô trương sức mạnh thì liên minh Mỹ-Hàn cũng tuyên bố tăng cường những cuộc tập trận chung đồng thời cũng gửi đi một thông điệp kiên quyết rằng nếu Bình Nhưỡng có những hành động khiêu khích quân sự, liên minh này sẵn sàng đáp trả.
Giữa bối cảnh cả hai bên đều những động thái trả đũa qua lại như hiện nay, chuyên gia Antoine Bondaz tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) dự báo kịch bản về một cuộc chiến tranh hạt nhân trong ngắn hạn là có thể xảy ra và không thể hoàn toàn loại trừ. Do vậy, mục tiêu ở đây là phải bảo đảm rằng các bên cần làm thế nào để tránh hiểu nhầm, tránh một sự leo thang mà có thể dẫn đến một kịch bản như thế.
Nguy cơ leo thang hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên càng khẳng định một điều là các bên cần kiên định theo đuổi mục tiêu giải quyết bằng giải pháp chính trị, bằng chính sách ngoại giao chứ không phải bằng các gói trừng phạt gây tác động lớn về kinh tế và nhân đạo hay các đòn “ăn miếng trả miếng”. Việc cần làm hiện nay là nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ cũng như theo đuổi việc khôi phục các đường dây liên lạc quan trọng với Bình Nhưỡng.
Minh Trà/TTXVN (Tổng hợp)
Tags