(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 17/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 228.003.866 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.687.152 ca tử vong.
Đã có 204.667.407 bệnh nhân COVID-19 phục hồi trong khi 18.649.307 bệnh nhân vẫn đang điều trị.
Tại Đông Nam Á, Lào ghi nhận 288 ca mới, trong đó có tới 219 ca cộng đồng, đánh dấu ngày có số ca nhiễm mới tăng vọt. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 18.347 ca, trong đó có 16 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Lào, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng hiện có xu hướng phức tạp khi xuất hiện ở nhiều tỉnh thành và lan rộng. Đặc biệt, những ngày qua, số ca cộng đồng tiếp tục tăng cao tại một số tỉnh như Champasak, Savannakhet, Khammuan…Bộ Y tế Lào cảnh báo nhiều tỉnh đang ở trong tình trạng lây nhiễm dịch gần cấp độ 3, cấp độ phức tạp nhất về bùng phát dịch trong cộng đồng, đồng thời yêu cầu các địa phương cần áp dụng nghiêm ngặt hơn các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tại Campuchia, để nhanh chóng hồi phục ngành du lịch, tạo công việc làm cho hàng chục nghìn lao động, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu Bộ Du lịch nước này cân nhắc mở cửa trở lại cho du khách quốc tế đủ điều kiện. Theo đó, việc khôi phục du lịch nên thực hiện theo 2 bước, đầu tiên là hướng tới du lịch nội địa và sau đó cho phép những du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vaccine được vào Campuchia với thời gian cách ly 7 ngày.
Tại Thái Lan, Bộ trưởng Y tế tin tưởng nước này sẽ đạt được mục tiêu tiêm phòng cho 50 triệu người, tức khoảng 70% dân số, vào cuối năm nay, đồng thời cho biết tốc độ tiêm chủng đang ở mức cao, với 700.000 mũi/ngày. Thái Lan đã tiêm được 41.858.386 triệu liều vaccine các loại, đạt 41,86% kế hoạch tiêm tổng cộng 100 triệu liều vaccine cho tới cuối năm. Hiện có khoảng 20,81% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ. Ngày 17/9, Thái Lan ghi nhận thêm 14.555 ca mới và 177 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 1.448.792 ca, trong đó có 15.124 người không qua khỏi.
Singapore thông báo tiêu chuẩn mới cho khu nhà ở của lao động nhập cư, với mục tiêu giảm nguy cơ lây lan các căn bệnh truyền nhiễm và cải thiện điều kiện sinh hoạt sau khi các cơ sở cư trú này hứng chịu một đợt dịch COVID-19 lớn trong năm 2020. Bộ Nhân lực Singapore công bố các tiêu chuẩn mới gồm mật độ có giới hạn, có nhà vệ sinh riêng, thông gió tốt hơn và phân chia các khu vực chung. Người cư trú cũng sẽ có phòng ở rộng hơn và có wifi. Trong khi các yêu cầu này áp dụng cho các cơ sở mới, chính quyền cũng đang xem xét lại cách thức cải thiện các khu nhà ở hiện có. Chính phủ Singapore cũng có kế hoạch xây dựng 2 khu nhà mới cho lao động nước ngoài với ít nhất 12.500 giường sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng sau khoảng 3 năm.
Trong các nỗ lực bao phủ vaccine của Trung Quốc, việc tiêm vaccine cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi được xem là một phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh sau khi quay lại trường học, cũng như tăng cường hàng rào miễn dịch toàn dân. Trung Quốc bắt đầu tiến hành tiêm vaccine cho trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi (bao gồm học sinh các trường tiểu học, trung học phổ thông, đại học, trung học kỹ thuật, trường dạy nghề, trường kỹ thuật) từ cuối tháng 7.
Hiện công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 12-17 vẫn đang tiếp tục được tiến hành tại 31 tỉnh thành trên toàn Trung Quốc. Đối với nhóm trẻ dưới 12 tuổi, việc tiêm vaccine sẽ được triển khai thống nhất trong thời gian tới theo cơ chế phối hợp phòng, chống dịch bệnh của Quốc Vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc. Đến nay, nước này đã có hơn 1 tỷ người trên tổng dân số gần 1,4 tỷ người tiêm đủ 2 mũi vaccine các loại.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế Hong Kong (Trung Quốc) kiến nghị chỉ nên tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, sau khi phát hiện tỷ lệ xuất hiện các hiện tượng viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vaccine trong nhóm tuổi này ở Hong Kong cao hơn dự kiến ban đầu. Cục Giáo dục Hong Kong đã thay đổi các yêu cầu về học trực tiếp toàn thời gian vào ngày 16/9, theo đó, học sinh từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm một mũi vaccine đáp ứng yêu cầu học trực tiếp toàn thời gian.
Ấn Độ đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu liều vaccine COVID-19 trong một ngày, tạo một cú huých quan trọng cho chương trình tiêm phòng toàn quốc. Hiện Ấn Độ đã tiêm tổng cộng khoảng 787 triệu liều vaccine kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1, trong đó có 190 triệu mũi hai. Cùng ngày, Ấn Độ ghi nhận 34.403 ca mới và 320 ca tử vong trong 24 giờ qua, trong đó riêng bang Kerela chiếm gần 70% số ca mới.
New Zeland thông báo tạm dừng các chuyến du lịch miễn cách ly (QFT) giữa nước này và Australia thêm 8 tuần nữa, trong bối cảnh bùng phát số ca mắc biến thể Delta. Australia vẫn đang đối mặt với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, với số ca mắc tiếp tục tăng đều ở New South Wales, Victoria và vùng lãnh thổ thủ đô Canberra. Một số ít ca cũng tiếp tục xuất hiện từng đợt ở các bang và vùng lãnh thổ khác.
Australia thông báo sẽ thử nghiệm mô hình cách ly tại nhà với tất cả du khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ vaccine đến Sydney. Đây là bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa trở lại an toàn, giúp thiết lập tiêu chuẩn cho phương thức "sống chung với COVID-19".
Theo đó, Sydney sẽ thử nghiệm chương trình cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày, bắt đầu từ cuối tháng này. Nhà chức trách sẽ sử dụng ứng dụng điện thoại di động và công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi việc tuân thủ quy định của khoảng 175 người, trong đó có công dân nước này, người nước ngoài và một số thành viên phi hành đoàn của Qantas. Australia đã đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, chỉ cho phép công dân và những người có thẻ cư trú dài hạn nhập cảnh, song phải cách ly bắt buộc trong 2 tuần tại khách sạn và tự trả phí. Nhiều thông tin cho rằng kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ Australia sẽ được thực hiện khi tỷ lệ tiêm chủng đạt từ 70-80% đối với người trưởng thành. Hiện tỷ lệ tiêm chủng của nước này đang đạt khoảng 45%.
Tại châu Âu, Hà Lan sẽ yêu cầu chứng nhận tiêm phòng hay kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu muốn vào các quán bar, nhà hàng, bảo tang, rạp hát và dự các sự kiện văn hóa khi gần như tất cả các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Khoảng 72% trong số 17,5 triệu người Hà Lan đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
- Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 trong giới trẻ tăng cao
- Nga cảnh báo khả năng tăng số ca nhiễm virus Tây sông Nile do thời tiết ấm hơn
- Dịch Covid-19 châu Á: Philippines ghi nhận số ca nhiễm 'kỷ lục'
Số ca mắc mới đã giảm xuống còn khoảng 2.000 ca/ngày, trong khi khoảng 600 bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn đang được điều trị trong bệnh viện. Tương tự, Thụy Sĩ thông báo những khách du lịch nhập cảnh nước này nếu chưa được tiêm phòng COVID-19 hoặc mới khỏi bệnh sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Biện pháp này sẽ được áp dụng từ ngày 20/9 trong bối cảnh Thụy Sĩ đang nỗ lực ngăn chặn số ca mắc mới gia tăng. Đến nay, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 823.074 ca mắc, trong đó 11.010 ca tử vong. Quốc gia này đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 53% dân số.
Tại Mỹ, các chuyên gia dịch tễ học cho rằng người đã mắc COVID-19 thường có kháng thể bảo vệ và không thể tái nhiễm SARS-CoV-2 trong 6 tháng. Tuy nhiên, tình trạng tái nhiễm sau đó có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến cáo các trường hợp này nên tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 khi có thể. Liên quan tới mũi tiêm tăng cường (mũi thứ 3), giới chức y tế Mỹ cho rằng các vaccine đang được dùng tại Mỹ hiện nay đủ khả năng bảo vệ người dân chống lại trường hợp bệnh nặng và tử vong do COVID-19 mà không cần liều bổ sung.
TTXVN
Tags