Theo nguồn tin trên, tổ hợp tên lửa Patriot của Đức được triển khai sát biên giới Syria để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), đã thực hiện những mệnh lệnh “khó hiểu”.
Nguồn tin không cho biết thời điểm hệ thống đánh chặn tên lửa này bị tin tặc tấn công cũng như các lệnh này là gì, song nhận định hai điểm yếu của hệ thống trên có thể đã bị tin tặc khai thác.
Thứ nhất là bộ phận tương tác cảm biến phóng hỏa (SSI) có nhiệm vụ trao đổi thông tin thời gian thực giữa bệ phóng tên lửa và hệ sống kiểm soát. Bộ phận thứ hai có thể bị tin tặc lợi dụng là một con chíp máy tính có nhiệm vụ kiểm soát chỉ đạo hệ thống.
Ngoài ra, nguồn tin này cho rằng tin tặc có thể đã giành quyền kiểm soát thông qua hai phương thức khác nhau, gồm kiểm soát vận hành tổ hợp tên lửa và đánh cắp dữ liệu từ hệ thống.
Năm 2012, trong bối cảnh nổ ra cuộc nội chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị các thành viên khác của NATO bảo vệ nước này bằng cách triển khai hệ thống tên lửa Patriot dọc biên giới phía Nam với Syria.
Đầu năm 2013, Đức đã triển khai tổ hợp Patriot, gồm 6 bệ phóng và 2 radar tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tháng trước, Đức cũng thông báo sẽ thay thế hệ thống tên lửa Patriot bằng hệ thống phòng không MEADS, sản phẩm hợp tác giữa Mỹ và Italy, trị giá trên 4 tỷ euro.
TTXVN
Tags