Tìm thấy nàng thơ Mỹ có ‘đôi môi như cánh hồng mùa hè’ của Oscar Wilde

Chủ nhật, 19/08/2018 16:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) – Người viết tiểu sử Matthew Sturgis gần đây công bố đã xác định được người phụ nữ đánh cắp trái tim của nhà văn lừng danh Oscar Wilde trong chuyến ông tới Mỹ và Canada để thuyết giảng năm 1882.

Trong chuyến đi tới Mỹ và Canada thuyết giảng nổi tiếng năm 1882, Oscar Wilde đã bị sét đánh bởi một người phụ nữ được gọi là “Hattie”.

Chú thích ảnh
Đại văn hào Oscar Wilde

Nhà văn viết cho nàng thơ của mình: “Khi nghĩ về Mỹ, tôi chỉ nghĩ tới một người có đôi môi như cánh hồng đỏ thẫm của bông hồng mùa hè, có đôi mắt như viên mã não nâu, người có sự mê hoặc của một con báo, gan trường của một con hổ, và yêu kiều của một chú chim. Hattie yêu dấu, tôi nhận ra tôi đã hoàn toàn yêu em, bây giờ và mãi mãi...”

Danh tính của “Hattie” chưa bao giờ được xác định, cho tới bây giờ. Matthew Sturgis, tác giả cuốn tiểu sử mới về Wilde, cho biết nghiên cứu của ông chỉ ra có vẻ nàng là Harriet Crocker, cô con gái 23 tuổi “bừng sáng, lanh lợi, xinh đẹp và giàu có” của một ông trùm đường sắt ở San Francisco.

“Tiểu sử không đề cập hay suy đoán xem nàng là ai”, ông nói. “Trong thời gian ông ở Mỹ, Wilde liên tục bị hỏi về đời tư – dù, như ông nói, ông ước mình có một đời tư để mà giải đáp. Ông có đề cập qua loa về việc gặp một cô gái xinh đẹp ở Washington... nhưng cái tên Hattie không hề được bật ra trong những cuộc trò chuyện đó”.

Nhà Crocker là quý tộc ở San Francisco. Cha của Hattie, ông Charles, vô cùng giàu có nhờ lập ra hệ thống Đường sắt Trung tâm Thái Bình Dương năm 1861 và là nhà bảo trợ nổi tiếng cho các hoạt động âm nhạc và nghệ thuật. Chú của nàng có một phòng trưng bày nghệ thuật ở Sacramento, mà Wilde từng ghé thăm, và cha mẹ nàng nằm trong danh sách những người tới nghe buổi thuyết giảng đầu tiên của Wilde.

Lá thư tình của Wilde nằm trong cuốn The Complete Letters of Oscar Wilde, do Merlin Holland và Rupert Hart-Davis biên soạn năm 2000. “Không còn lá thư nào kiểu đó gửi cho những cô gái vô danh hoặc hữu danh khác. Thế nên tôi nghĩ theo dấu nàng là điều đáng làm”.

Chú thích ảnh
Cuộc đời Oscar Wilde (trái) tan nát vì cuộc tình đồng tính với chàng Bosie (phải)

Wilde viết lá thư năm 1882, ít lâu sau khi rời San Francisco, nơi ông tới trong chuyến thuyết giáng kéo dài 10 tháng ở Mỹ. Khi cập bến New York, ông nổi tiếng khi nói: “Tôi chẳng có gì để bày tỏ trừ tài năng”. Ông cũng tâm sự với một người bạn rằng đã để mất trái tim ở San Francisco.

Sturgis đã tra cứu tài liệu điều tra dân số năm 1880, tìm kiếm những Harriet khả thi. “Thật ngạc nhiên, có một có gái có lẽ là Hattie... Hattie Crocker”. Một bài báo địa phương cũng từng viết rằng buổi thuyết giảng của Wilde “tràn ngập những tươi đẹp, giàu có, thông thái và tinh tế của San Francisco” và tên ông bà Charles Crocker có trong danh sách người tham dự.

Sturgis, tác giả cuốn Oscar: A Life sẽ được xuất bản vào tháng Mười tới, nói: “Thế nên, rất có vẻ đó chính là Hattie… Chi tiết liên quan giữa nhà Crocker và chuyến thuyết giảng của Wilde là bằng chứng thuyết phục”.

“Tuy nhiên có một thực tế rõ ràng là Hattie – theo gia đình cô, và theo bức tranh Giovanni Boldini vẽ - có đôi mắt xanh, chứ không phải nâu. Có khả năng là ông ấy đã nhầm. Haittie có mái tóc đỏ - điều có lẽ khiến ông so sánh cô với một con hổ”, Sturgis nói thêm.

Sturgis cho biết mẹ Wilde đã hi vọng con trai về nhà với một cô dâu Mỹ. Thay vào đó, năm 1884, ông cưới một phụ người Ireland là Constance Lloyde, có hai con trai với cô. Tuy nhiên, ông sau đó lại say đắm chạy theo mối tình đồng tính với  Lord Alfred “Bosie” Douglas, đến nỗi phải ra tòa và ngồi tù vì bị bố tình nhân kiện. Trong tù, ông đã viết nên kiệt tác De Profundis, bức thư tình làm thổn thức cả thế giới. Wilde qua đời ở Paris năm 1900.

Trong khi đó, Hattie Crocker, kết hôn với một người Mỹ giàu có năm 1887 và chuyển tới New York, sống trong một biệt thự xa hoa ở Manhattan, quà cưới của bố nàng. Nàng du lịch tới châu Âu và cũng qua đời ở Paris, năm 1935.

Qua bức tranh của Boldini, có thể thấy Hattie là một phụ nữ với vẻ ngoài nghiêm nghị, có phần nam tính. Sturgis biện bạch rằng ngay nữ diễn viên Lillie Langtry, người được coi là đẹp nhất thời đó, giờ cũng không có bức ảnh nào khiến người khác cảm thấy vậy. “Vẻ đẹp tùy theo quan điểm mỗi thời… Có đủ bằng chứng tin cậy để nói rằng Hattie được coi là đẹp”.

Chú thích ảnh
Chân dung Hattie

Merlin Holland, cháu trai Wilde, một chuyên gia về nhà văn, cho rằng khám phá này “vô cùng hấp dẫn”.

Sturgis cũng tìm thấy hơn 60 bức thư mới. Trong đó, bao gồm một bức gửi Alfred Milner, bạn ở Oxford của Wilde. Trong thư, Wilde ướm hỏi liệu ông có thể viết phê bình về sách nghệ thuật, nói rằng “tiểu luận về nghệ thuật đương nhiên là thứ tôi muốn viết”. Sturgis đùa: “Milner đã làm ông cụt hứng khi gửi cho ông một cuốn sách về nấu ăn để phê bình”.

Chuyện về bức thư tình làm thổn thức cả thế giới

Chuyện về bức thư tình làm thổn thức cả thế giới

Một bước đi qua cánh cửa nhà tù Reading, không khí bỗng nặng như chì trong những dãy hành lang hẹp dài như bất tận.

 

Thư Vĩ (Theo Guardian)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›