Là ngành nghiên cứu có lịch sử khá lâu dài, song, Việt Nam học tại Pháp hiện nay phải cạnh tranh với nhiều ngành nghiên cứu về các quốc gia khác, nhất là trong việc thu hút nhân tài. Vậy làm thế nào để tiếp thêm sinh khí cho ngành này tại Pháp và cả nước ngoài?
Những dấu mốc quan trọng của ngành Việt Nam học đã được PGS Pascal Bourdeaux trình bày chi tiết tại tọa đàm Di sản Việt Nam học tại Pháp - Những hướng tiếp cận liên ngành, vừa diễn ra tại ĐH Quốc gia Hà Nội trong tuần qua. Pascal Bourdeaux là nhà nghiên cứu lịch sử và tôn giáo Việt Nam tại Trường Cao học Khoa học xã hội, Paris, Pháp.
Nhìn lại hành trình nghiên cứu về Việt Nam của người Pháp
Tại tọa đàm, ông Pascal Bourdeaux cho biết, vùng viễn Đông, trong đó có Việt Nam, đã lọt vào "mắt xanh" của những người châu Âu ngay từ thế kỷ 16-17. Nối tiếp bước chân đầu tiên của những nhà hàng hải là sự xuất hiện của các nhà truyền giáo. Ngoài giảng đạo, họ cũng đã bắt đầu thu thập những tư liệu liên quan đến lịch sử, phong tục tập quán, xã hội… của người Việt Nam, sau đó đem về châu Âu.
Những tư liệu ấy thường không có cơ sở khoa học, mà được ghi chép theo tư duy, cảm nhận của cá nhân. Dẫu thiên về tính cá nhân, nhưng không thể phủ nhận tính hữu ích của những tư liệu kể trên. Bởi chúng đã bước đầu cung cấp cho những người phương Tây có cái nhìn, sự hiểu biết về Việt Nam. Ngày nay, những tư liệu này có thể tìm thấy ở Vatican hoặc Bồ Đào Nha.
Từ sau giai đoạn năm 1858, lịch sử thường đề cập tới thời kỳ này với những cuộc chiến tranh xâm lược, mối quan hệ phức tạp về chính trị giữa Việt Nam và Pháp. Vì vậy mà những phong trào nghiên cứu về phương Đông của Pháp chưa được nhìn nhận thấu đáo.
Trước đó, dưới thời kỳ phong kiến, không phải ta chưa có những công trình dày công về đời sống, xã hội của các cộng đồng cư dân ở Việt Nam. Có thể kể đến các tác phẩm của Lê Quý Đôn như Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục… Tiêu biểu hơn hết là Vân đài loại ngữ - một bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến. Song, đó mới chỉ là những ghi chép bước đầu tiệm cận với khoa học, chưa áp dụng những phương pháp nghiên cứu tiên tiến.
Công tác nghiên cứu dưới thời kỳ thuộc địa được tiến hành chuyên nghiệp hơn, áp dụng nhiều phương pháp có từ thời Hy Lạp cổ đại và phát triển ở châu Âu. Trong giai đoạn này, nhiều quốc gia ở châu Á đã hình thành lĩnh vực nghiên cứu nhân văn cổ điển. Với sự hiện diện của Pháp, Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ của xu hướng nghiên cứu đó. Ở nước ta, nhiều hướng phát triển mới cho các ngành nhân học, dân tộc học, xã hội học, ngôn ngữ học… được mở ra.
Nghiên cứu nhân văn cổ điển dưới thời thuộc địa không chỉ là những cuộc điền dã và ghi chép lại thành một hệ thống như trước đây, mà kết hợp với đó còn là những phương pháp tiệm cận với sự phát triển của ngành khoa học xã hội trên thế giới. Kết quả của những cuộc nghiên cứu thực địa ấy cho đến ngày nay vẫn có giá trị vô cùng to lớn đối với giới học giả trong nước và quốc tế khi nghiên cứu về Việt Nam.
Nếu trong thời kỳ thuộc địa, các công trình nghiên cứu về khu vực đồng bằng châu thổ phía Bắc được chú tâm nhiều, thì sau thời kỳ thuộc địa, nhiều công trình nghiên cứu về các khu vực khác được tiến hành như ở miền núi phía Bắc, miền Trung. Trong đó, vương quốc Chămpa xưa, khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, các văn bia, tư liệu Hán - Nôm… được tập trung nghiên cứu.
Bước sang những năm 1990, Việt Nam học không còn là một mảnh ghép nằm lọt thỏm trong bức tranh tổng thể của ngành Đông phương học nói chung và Đông Nam Á học nói riêng tại Pháp. Nhiều đại học đã thành lập các khoa, các ngành nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam học như Đại học Aix-Marseille (Marseille), Lyon, Paris VII…
Trong những năm gần đây, Viện Viễn Đông Bác cổ đã phối hợp với nhiều bảo tàng, di tích ở Việt Nam trong việc bảo tồn, trùng tu và tổ chức triển lãm, trưng bày. Ví dụ như Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), Bảo tàng Lịch sử TP.HCM… Cùng với đó, viện cũng hỗ trợ Việt Nam trong nhiều dự án như lập hồ sơ cho một số di sản đệ trình lên UNESCO.
Triển vọng nào của "Việt Nam học"?
Cho đến nay, Việt Nam học vẫn tiếp tục tại Pháp, nhưng chưa thu hút được nhiều nhà khoa học trẻ bằng Trung Quốc học, Nhật Bản học… rồi gần đây là Hàn Quốc học. Ta có thể dễ dàng nhận thấy khả năng quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới của ngành này là điều đáng để chúng ta học hỏi.
Theo quan điểm của Pascal Bourdeaux, để ngành Việt Nam học có thể thu hút được các học giả nước ngoài, thì trước tiên ngành này cần phải được quan tâm, chú trọng đúng mức ở trong nước. Rất cần ở thế hệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện nêu cao lòng tự tôn dân tộc và nỗ lực đưa hình ảnh quốc gia vươn xa hơn nữa.
Còn nhớ năm xưa, GS-TS Nguyễn Văn Huyên sau khi hoàn thành công trình 12 chương về văn hóa Việt Nam, đã đặt tên cho nó là Văn minh An Nam (La civilisation annamites), để đối sánh ngang hàng với Văn minh Trung Hoa (La civilisation chinoise) của Marcel Granet, xuất bản trước đó. Ý thức tự hào dân tộc giúp chúng ta có thể định vị thương hiệu quốc gia trên bản đồ nghiên cứu quốc tế.
Song song với đó, cần phát huy vai trò của tính liên ngành trong nghiên cứu Việt Nam học, nhằm nâng cao giá trị khoa học của công trình nghiên cứu. Bởi nghiên cứu về một quốc gia luôn thuộc phạm vi rộng, trong đó tồn tại nhiều vấn đề, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, để cùng tìm ra hướng đi chung.
Qua đó, ông cũng mong muốn các nhà nghiên cứu Việt Nam học hãy phóng to tầm nhìn của mình, hướng đến các quốc gia khác, ưu tiên hơn hết tới các quốc gia có sự ảnh hưởng tới Việt Nam. Bởi sau quá trình tìm tòi tư liệu về các quốc gia ấy và trở lại nghiên cứu đối tượng chính, các nhà nghiên cứu sẽ có cái nhìn bao quát hơn, hệ thống hơn.
Nghiên cứu có tính liên ngành trong những năm trở lại đây nhận được nhiều sự quan tâm của giới học giả, bởi nó mở ra hướng đi mới cho các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội. Mỗi ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội đều có những tác động qua lại lẫn nhau. Nếu ta chỉ nghiên cứu dưới góc độ của một chuyên ngành sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải mã những lớp trầm tích của một vấn đề.
Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu liên ngành vấp phải nhiều chỉ trích vì tính chính xác, nhưng nhìn vào mặt tích cực, nó cho chúng ta cái nhìn hệ thống hơn và bao quát hơn. PGS Pascal Bourdeaux kỳ vọng trong thời gian tới, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ phát huy vai trò của mình hơn nữa trong tiến hành các công trình nghiên cứu, nhằm giúp công chúng có những hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề trong ngành Việt Nam học. Đồng thời tạo động lực giúp đẩy mạnh ngành nghiên cứu này ở Pháp, cũng như các nước khác.
Tags