- Founder - cựu giảng viên khoa Y Dược "bóc" loạt TikToker bán thuốc giảm cân thổi phồng công dụng, một người bị tố nhận sai sót nghiêm trọng
- Thực hư chuyện TikToker Viên Vibi gây tranh cãi vì kêu sai tên loại quả quen thuộc, hoá ra là cách gọi của mỗi vùng miền lại khác nhau đến thế!
- Hot Tiktoker Fansie Family trải lòng áp lực phải chịu vì đăng clip nhảy khi đang mang thai
Thời gian gần đây, nhiều quán ăn, nhà hàng bức xúc khi thiệt hại danh tiếng lẫn doanh số vì một số Tiktoker, Youtuber đến đóng vai khách hàng để review thiếu khách quan làm suy giảm uy tín thương hiệu.
Sức mạnh từ việc review đồ ăn trên TikTok
Gần đây xu thế review ẩm thực bằng video, chia sẻ những cảm xúc, trải nghiệm khi thưởng thức ẩm món ăn thịnh hành trên mạng xã hội. Đặc biệt, nền tảng TikTok được sử dụng để viral, quáng bá món ăn, quảng cáo nhà hàng trở nên phổ biến.
Thuê TikToker review đồ ăn là một chiến lược Marketing thông minh để thúc đẩy doanh thu của nhà hàng, cà phê. Trong thời điểm mà mạng xã hội TikTok ngày một thịnh hành như hiện nay, thuê các KOL/KOC review quán ăn trên nền tảng này sẽ bảo chứng hiệu quả hơn nhiều các trang social khác.
Trên thực tế, chi phí thuê TikToker review có thể bắt đầu từ... 0 đồng. Nghĩa là chủ quán hoàn toàn có thể thuê các bạn TikToker mới quảng cáo cho quán mình "free" kinh phí, đổi lại là các chương trình ưu đãi, bữa ăn, dịch vụ miễn phí. Thế nhưng, để thương hiệu thực sự "bùng nổ" trên TikTok thì chủ quán cần đầu tư chi phí thuê các bạn KOL/KOC nổi tiếng hơn.
Theo khảo sát, Giá thuê TikToker dưới 50 nghìn follower (giá từ 0 – 100 nghìn đồng); Giá thuê TikToker 50-100 nghìn follower (giá từ 500 nghìn – 1 triệu đồng); Giá thuê TikToker 50-500 nghìn follower (giá từ 1 – 3 triệu đồng); Giá thuê TikToker trên 500 nghìn follower (giá từ 3 triệu đồng trở lên),… chưa kể đến chi phí ekip đi cùng để có những video chất lượng cao.
Khi một bộ phận TikToker 'đánh sập' quán ăn, nhà hàng
Song song với lợi ích đẩy mạnh thương hiệu, quảng cáo, PR, bán hàng trên mạng xã hội thì các chủ cửa hàng cũng gặp không ít rủi ro, khủng hoảng truyền thông đến từ các video review này. Cụ thể, những TikToker có lượng theo dõi lớn review đồ ăn nhận xét tiêu cực khiến một số chủ quán gặp không ít khó khăn vì mất khách.
Đơn cử, trước đó Nờ Ô Nô từ lâu đã là một cái tên gây ra nhiều tranh cãi trên nền tảng TikTok. Xuyên suốt các video trên tài khoản của mình, TikToker này luôn tạo ra những nội dung review đồ ăn "không giống ai", khi thường xuyên sử dụng những lời lẽ và hành vi thô tục, phản cảm.
Nờ Ô Nô từng là nỗi ám ảnh của nhiều nhà hàng, quán ăn khi anh chàng đến để review. Điển hình là màn review quán chè C.H xảy ra cách đây chưa lâu, Nờ Ô Nô cũng nhanh chóng nhập cuộc, đưa ra ý kiến của bản thân mình. Sau đó, Nờ Ô Nô cũng từng đến review quán gỏi Thái Ty Thy, ngay sau đó, anh chàng đã lên một đoạn video, cho biết trong thức ăn của quán có xuất hiện "sinh vật lạ". Anh chàng liên tục khẳng định an toàn vệ sinh thực phẩm của quán có vấn đề.
Bên cạnh đó, một trong những cái tên chiếm trọn mọi "hào quang" thị phi trước đó có lẽ phải kể đến TikToker Cô gái có râu. Anh chàng này được biết đến là một người đưa ra những lời nhận xét tiêu cực về quán chè C.H, loạt clip căng thẳng giữa Cô gái có râu và quán chè lại tạo nên một cơn sốt. Tuy nhiên, những clip này lại vấp phải sự tranh cãi gay gắt của cộng đồng mạng vì thái độ cũng như chiêu trò của anh chàng.
Ngoài ra cái tên điểm mặt không thể không nhắc đến "Chiến thần Hà Linh", Cô nàng Võ Hà Linh thu hút sự chú ý của nhiều người khi thực hiện chuỗi clip review về các quán ăn, nhà hàng. Hà Linh đã từng có những nhận xét thẳng thắn, khen có, chê có về quán ăn của nhiều nhân vật nổi tiếng như Trấn Thành, Trường Giang, Long Chun,...
Độ ngon của món ăn có thể phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi người, tuy nhiên, nhiều món ăn của các nhà hàng, quán ăn qua bàn tay review của các TikToker đều bỗng chốc có thể biến thành món ăn thị phi khi hàng loạt những TikToker khác review theo. Điều này khiến không ít chủ cửa hàng phải đau đầu. Thậm chí, đã có những chủ quán ăn còn dán hẳn biển cấm cửa một số TikToker vào cửa hàng của mình.
Luật sư thông tin về việc liệu TikToker có quyền đăng thông tin việc kinh doanh của quán?
Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Trần Hoàng Vũ (Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá, hiện tại một số bộ phận đang có xu hướng lạm dụng sự nổi tiếng trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến người khác, cụ thể như những cá nhân kinh doanh hoặc những doanh nghiệp, đặc biệt trên nền tảng TikTok.
Theo luật sư Trần Hoàng Vũ, hiện tại chưa có chế tài hay nghị định nào nêu rõ về mức xử phạt dành cho những trang mạng xã hội khi đăng tải những hành vi sai trái pháp luật. Pháp luật hiện nay, không có quy định cấm việc đánh giá sản phẩm, chất lượng dịch vụ dựa trên ý kiến cá nhân, việc nêu lên ý kiến của bản thân còn được pháp luật ghi nhận là quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, nếu như những cá nhân đấy lợi dụng việc này và không có sự cho phép của chính chủ, đưa ra những thông tin sai lệch, giả mạo, thiếu căn cứ thì sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ thiệt hại. Ngoài ra, cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp còn có nghĩa vụ yêu cầu cá nhân rút bài đăng sai sự thật hoặc nếu gây thiệt hại về doanh thu của doanh nghiệp thì người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo và đòi bồi thường thiệt hại.
Luật sư cho rằng người review đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thương hiệu, nếu các chủ cơ sở kinh doanh thấy phản ánh không đúng sự thật thì có thể khởi kiện ra tòa.
Theo đó, tại Nghị định 15/2020/ND-CP của Chính phủ, với mức xử phạt từ 10-30 triệu đồng tùy mức độ. Còn đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ xử lý hình sự về: tội vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự); tội làm nhực người khác (Điều 155); tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159).
Vì vậy các TikToker phải biết để đưa lên những thông tin đúng sự thật, không bịa đặt, sự đánh giá một cách khách quan, công tâm; Đồng thời những người dân khi theo dõi nền tảng công nghệ TikTok này cũng phải biết chọn lọc những sản phẩm hay, bổ ích để xem hoặc có sự nhìn nhận đánh giá khách quan của bản thân, không bị lôi kéo hay bị hiệu ứng đám đông đối với những sản phẩm không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng...
"Theo tôi thấy một xã hội càng phát triển thì pháp luật càng phải nghiêm ngặt hơn đối với những phương tiện truyền thông để không một cá nhân nào lợi dùng việc tự do ngôn luận để gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng sau này. Các cơ quan quản lí Nhà nước cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, cần phê duyệt thông tin rõ ràng, chính xác trước khi phát ra cho công chúng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền pháp luật, cảnh báo và có mức xử phạt cụ thể đến từng những trang mạng xã hội đưa thông tin sai lệch với tính chất nguy hại đến cộng đồng. Đặc biệt, mỗi người dân, nhất là giới trẻ cần trang bị cho những kỹ năng cần thiết trong việc chọn lọc, nhận diện thông tin có ích cho bản thân và xã hội và không để những thông tin sai lệch lan truyền ra diện rộng. " Luật sư Vũ nhấn mạnh.
Tags