TIÊU ĐIỂM TRONG NGÀY: Phát triển tương lai từ 'nền đất chết'

Thứ Hai, 17/06/2019 16:12 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trên thế giới, diện tích các hoang mạc chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền, chỉ tính riêng 10 khu vực hoang mạc hóa lớn nhất thế giới đã lên tới 43.967 triệu km2. Đáng báo động là diện tích đất bị hoang mạc hóa ngày càng gia tăng do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và các hoạt động canh tác vô độ của con người.

Rạn san hô lớn nhất thế giới bị 'tẩy trắng' bởi biến đổi khí hậu

Rạn san hô lớn nhất thế giới bị 'tẩy trắng' bởi biến đổi khí hậu

Quần thể san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef đang bị phá hủy nhanh hơn dự báo do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Để kêu gọi thế giới cùng chung tay ngăn chặn tình trạng này, Liên hợp quốc đã lấy ngày 17/6 hằng năm là Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa. Năm nay, ngày này càng đặc biệt hơn khi tròn 25 năm ra đời Công ước LHQ về chống sa mạc hóa (UNCCD).

Với chủ đề "25 năm- Cùng nhau phát triển tương lai", Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa 2019 tập trung vào 3 vấn đề chính liên quan tới đất gồm hạn hán, an ninh nhân loại và khí hậu. Đây là thời điểm quan trọng để thế giới cùng điểm lại những thành tựu đã đạt được 25 năm qua, cùng hướng tới mục tiêu của 25 năm sau và nỗ lực để "phát triển tương lai".   

Hoang mạc hóa không phải là sự mở rộng các sa mạc mà là tình trạng suy thoái đất ở các vùng khô cằn, bán khô cằn và những nơi không đủ độ ẩm cần thiết. Hoang mạc hóa xảy ra khi các vùng đất khô hạn bị khai thác quá đà, sử dụng đất bất hợp lý. Tình trạng nghèo đói, bất ổn chính trị, phá rừng, chăn thả vô độ và tưới tiêu kém đều có thể khiến năng suất đất giảm. UNCCD ra  đời từ năm 1994 với mục tiêu chống sa mạc hoá/suy thoái đất và giảm thiểu tác hại của hạn hán ở các vùng bị sa mạc hóa và suy thoái đất nghiêm trọng, áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi thoái hóa/sa mạc và hạn hán phát triển bền vững. Hiện nay, UNCCD có 197 thành viên, Việt Nam gia nhập công ước từ năm 1998.   

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Sau 25 năm, UNCCD đã đóng góp đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu quản lý đất bền vững. Ngày nay, 197 thành viên đã triển khai công ước với sự hợp tác và hành động cùng chung mục đích là phục hồi diện tích đất suy thoái để bảo vệ những tấc đất quý giá vốn là nơi cung cấp cho loài người mọi nhu cầu thiết yếu từ thức ăn, nước uống cho đến năng lượng, trước tác động của tình trạng lạm dụng đất canh tác và nạn hạn hán. Chặng đường 25 năm hình thành và phát triển cũng khiến UNCCD để lại những dấu ấn đáng nhớ trên những mảnh đất ở khắp nơi trên thế giới.

Với chương trình quản lý đất bền vững (SLM) làm xương sống, hơn 5 triệu hecta đất suy thoái tại vùng Sahel châu Phi đã được khôi phục thông qua biện pháp "nông dân tự quản tái tạo thiên nhiên", giúp tăng diện tích đất để sản xuất thêm 500.000 tấn ngũ cốc mỗi năm tại khu vực luôn bị nạn đói và hạn hán hoành hành này. Nhờ những nỗ lực của UNCCD, chương trình nông lâm nghiệp kết hợp đã giúp gia tăng số lượng cây trồng và nông trại trên toàn thế giới, đặc biệt đáng chú ý là tốc độ gia tăng tại các quốc gia trọng điểm như Brazil, Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.   

Tuy nhiên, vẫn còn đó những nhiệm vụ cần phải giải quyết, càng sớm càng tốt, khi những áp lực ngày càng lớn và không ngừng gia tăng với những vùng đất vốn là sinh kế của loài người. Gần 170 quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng sa mạc hóa hoặc hạn hán. Những nguy cơ cháy rừng, nắng nóng bất thường, di cư ồ ạt, lũ quét, nước biển dâng, mất an ninh lương thực và nước sinh hoạt vẫn tái diễn và ngày càng gia tăng ở nhiều nơi. Trong kế hoạch 25 năm tới, UNCCD nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc xác định những thách thức kể trên.

Đặc biệt, năm 2030 sẽ là một dấu mốc quan trọng để đạt mục tiêu giảm thiểu suy thoái đất, như một trong các mục tiêu phát triển bền vững. Nếu đạt được mục tiêu này, thế giới sẽ có thêm nhiều diện tích đất chất lượng để phục vụ các mục đích phát triển bền vững. Quan trọng hơn cả là mục tiêu kiến tạo và duy trì những thay đổi tích cực, bằng cách giữ cho những mảnh đất đã được cải thiện tiếp tục phát huy.   

Với vai trò đi đầu trong những nỗ lực chống sa mạc hóa, UNCCD sẽ tiếp tục chinh phục các mục tiêu giảm suy thoái đất trước năm 2030 và thúc đẩy các kế hoạch này cho nhiều năm tiếp theo, để đảm bảo một môi trường thuận lợi cho con người, cộng đồng và các quốc gia cùng sản xuất, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực, nước sạch và năng lượng. Để thực hiện mục tiêu này, các bên tham gia UNCCD đã triển khai những bước đi vững chắc bao gồm giải quyết nguyên nhân tận gốc tình trạng bất ổn tại châu Phi (Sáng kiến 3S), phát triển các kế hoạch quốc gia toàn diện về quản lý hạn hán, và khôi phục những vùng đất suy thoái tại châu Phi với quy mô lớn (Sáng kiến Great Green Wall). Thông điệp chính của UNCCD là quản lý đất bền vững là nhiệm vụ của mọi người. Cùng chung tay, thế giới sẽ tái tạo sức sản xuất cho hơn 2 tỷ hecta đất suy thoái và cải thiện môi trường sống cho hơn 1,3 triệu người trên thế giới.       

Ngày Quốc tế Chống sa mạc hóa năm nay còn là dịp đặc biệt để nhắc nhở rằng tình trạng hoang mạc hóa có thể được ngăn chặn một cách hiệu quả nếu có sự tham gia của cộng đồng và sự hợp tác ở tất cả các cấp. Trong thông điệp nhân ngày này, Tổng Thư ký LHQ António Guterres cảnh báo mỗi năm thế giới mất đi 24 tỷ tấn đất canh tác màu mỡ, và suy giảm chất lượng đất là nguyên nhân khiến sản lượng quốc nội giảm 8% mỗi năm. Sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán là những mối đe dọa chính ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ông Guterres khẳng định đã đến lúc thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm thay đổi xu hướng này, đồng thời bảo vệ và khôi phục đất có thể giúp giảm tình trạng di cư bắt buộc, cải thiện an ninh lương thực và hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như giúp ứng phó với tình trạng khí hậu khẩn cấp toàn cầu.

Theo LHQ, tính đến năm 2025, hoang mạc hóa là một trong các nguyên nhân đẩy 2/3 dân số thế giới vào tình trạng khan hiếm nước, trong đó 1,8 triệu người bị thiếu nước nghiêm trọng, các nguồn nước tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu. Hoang mạc hóa cũng khiến tình trạng di cư gia tăng khi tính đến năm 2045, khoảng 135 triệu người sẽ phải rời bỏ nhà cửa vì vấn đề này. Khôi phục đất suy thoái cũng là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi việc sử dụng đất là nguyên nhân dẫn tới gần 25% lượng khí thải toàn cầu. Đất suy thoái được khôi phục sẽ giúp giảm 3 triệu tấn khí thải carbon hằng năm.   

Tổng Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw khẳng định đến năm 2030, con người sẽ không còn phá hoại Trái Đất mà sẽ giúp "quả địa cầu" trở nên màu mỡ hơn, đủ để phát triển một tương lai tốt hơn cho mọi người. Nếu hành động kịp thời để khôi phục những vùng đất suy thoái, thế giới sẽ có thể tiết kiệm 1,3 tỷ USD/ngày, để đầu tư cho các hoạt động giáo dục, công bằng và năng lượng sạch, giúp giảm đói nghèo, xung đột và di cư. Ông kêu gọi mọi người cùng tạo thay đổi, lựa chọn và hành động dù là phương diện cá nhân hay chuyên nghiệp, dù là người sản xuất hay người tiêu dùng, để bảo vệ và khôi phục đất, cùng xây dựng tương lai.  

Lê Ánh/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›