(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người nói, họ đã chán ngấy khi chứng kiến năm này qua năm khác, những cuộc đua danh hiệu Quả bóng Vàng chỉ là giữa họ, Messi và Ronaldo. Nhưng trên thực tế, thật khó có những kết quả khác được, khi mà năm 2010 và 2013, những Quả bóng Vàng đã không đến được tay người khác như đã chờ đợi. Và năm nay, sẽ vẫn chỉ có thể là Messi-Ronaldo, với tỷ số 5-4 đang nghiêng về tiền đạo người Argentina.

THAY ĐỔI THỂ THỨC DẪN ĐẾN KỶ NGUYÊN MESSI-RONALDO?

 

Nếu như Messi và Ronaldo không tồn tại, chắc chắn bóng đá thế giới sẽ rất khác và cánh báo chí cũng như các cổ động viên sẽ có nhiều nhân vật, nhiều đề tài khác hơn để làm và ngợi ca. Nhưng vì họ tồn tại, nên bóng đá thế giới này quay xung quanh họ, với những câu chuyện đủ sắc màu liên quan đến họ.

Hãy đặt ra một câu hỏi, nếu không có họ, điều gì sẽ xảy ra, kể từ năm 2008, khi cuộc đua giữa họ bắt đầu? Tạp chí France Football đã trả lời: Tây Ban Nha sẽ có 5 Quả bóng Vàng (cho Fernando Torres một lần, còn Xavi và Iniesta sẽ đoạt 2 danh hiệu bằng vàng) và Pháp 2 lần đăng quang (Ribery). Một Quả bóng Vàng còn lại chắc chắn sẽ thuộc về Neymar và quả khác sẽ thuộc về Neuer, người có thể trở thành thủ môn đầu tiên kể từ Lev Yashin giành danh hiệu cao quý ấy kể từ năm 1963. Nhưng bởi vì Messi và Ronaldo tồn tại, nên sẽ không dứt những câu chuyện, những tranh cãi về họ, về một cuộc đối đầu căng thẳng và kéo dài bậc nhất trong lịch sử thể thao thế giới, hay không kém những cuộc đọ sức giữa Muhammad Ali và Fraser (quyền anh), Borg và McEnroe và giữa Nadal với Federer (quần vợt), và Larry Bird với Magic Johnson (bóng rổ).

Sự thay đổi về cách tổ chức của Quả bóng Vàng có thể được coi là đã dẫn đến điều này. Mối hợp tác giữa tạp chí France Football và FIFA từ năm 2010 đến 2015 đã là một nguyên nhân cho cuộc đối đầu bất tận Messi-Ronaldo. Trước năm 2012, mới chỉ có 3 cầu thủ đoạt được 3 Quả bóng Vàng của tạp chí France Football trong lịch sử, lần lượt theo thứ tự thời gian là Cruyff, Platini và Van Basten, nhưng sau đó, cuộc chiến giữa Messi và Ronaldo cùng với những lá phiếu của giám khảo đã tạo ra những kỷ lục thực sự nhờ cái tên của chân sút người Argentina và Bồ Đào Nha. Nhưng điều gì xảy ra đã xảy ra, và câu chuyện có thể đi xa hơn, nếu người ta nói rằng, vì các quy định liên quan đến việc chỉ bỏ phiếu cho các cầu thủ Châu Âu chơi trên đất Châu Âu (quy định này chỉ được gỡ bỏ vào năm 1995), các giám khảo của France Football cũng đã bỏ qua nhiều cái tên vĩ đại trong bóng đá thế giới từ năm 1956, khi Quả bóng Vàng đầu tiên được trao, cho đến năm 1994.

7 QUẢ BÓNG VÀNG CHO PELE

Pele có thể sẽ đoạt được tới 7 Quả bóng Vàng (1958, 1959, 1960, 1961, 1963, 1964 và 1970), Maradona cũng có thể sẽ có 2 danh hiệu (1986 và 1990). Những Quả bóng Vàng khác sẽ thuộc về Garrincha, người hùng của Brazil ở World Cup 1962; Mario Kempes, ngôi sao sáng của đội tuyển Argentina đăng quang ở World Cup 1978; và không thể không nhắc đến tài năng và những bàn thắng đã đưa Brazil đến Cúp vàng thế giới trên đất Mỹ năm 1994. Nhưng họ không được bầu, như đã nói, đơn giản chỉ vì các quy định lúc đó của France Football, và trở thành những cái tên thiếu vắng trong danh sách những người đoạt bóng Vàng. Đương nhiên, ta không thể nói những cầu thủ Châu Âu đã đoạt danh hiệu ấy trong các năm 1956 đến 1994 là không xứng đáng, và thật khó có thể chiều lòng tất cả mọi người, nhưng các cuộc bỏ phiếu Quả bóng Vàng thường tạo ra rất nhiều tranh cãi. Một trong những tranh cãi cổ điển trong những năm qua không phải chỉ là Messi và Ronaldo, ai thực sự giỏi hơn, mà là tại sao họ, những người chưa từng đăng quang ở World Cup khi đội tuyển của họ đều thất bại tại các giải đấu lớn nhất và uy tín nhất ấy, vẫn đoạt Quả bóng Vàng trong những năm World Cup?

Lần gần nhất một Quả bóng Vàng đoạt được nhờ thắng lợi World Cup là 2006, với Cannavaro. Năm 2010, Quả bóng Vàng đều thuộc về Messi chứ không phải những người Tây Ban Nha đứng sau anh trong danh sách, Xavi và Iniesta, dù họ là những nhà vô địch thế giới, còn Messi không thực sự tỏa sáng, không ghi được bàn thắng nào ở Nam Phi, còn Argentina bị Đức đánh bại đến 0-4 ở tứ kết. Năm 2014, Quả bóng Vàng thuộc về Ronaldo, người đã cùng Bồ Đào Nha bị loại ngay từ vòng bảng của một World Cup mà Messi đã chơi tốt hơn nhiều World Cup trước đó và chỉ thua Đức của Neuer ở chung kết. Logic nào cho những danh hiệu ấy, phải chăng World Cup mất giá hơn những bàn thắng mà họ đã ghi ở La Liga và Champions League, với lý do như chính France Football thừa nhận, là ảnh hưởng về truyền thông của giải đấu sáng giá nhất thế giới ở cấp CLB đã lấn át ảnh hưởng của chính World Cup, về tính cạnh tranh, về giá trị thương mại và giá trị hình ảnh?

 

KHI CHAMPIONS LEAGUE VÀ MẠNG XÃ HỘI LẤN ÁT TẤT CẢ

Về vấn đề này, Guerin Sportivo, nguyệt san bóng đá hàng đầu của Italy, cho rằng, kể từ nhiều năm nay, ít nhất là từ 2008, Champions League đã trở thành một thước đo quan trọng cho việc đánh giá và bình bầu các Quả bóng Vàng. Đấy đơn giản là giải đấu được truyền thông nhiều nhất, được xem đi xem lại nhiều nhất, được khuếch đại nhờ sự bùng nổ của các mạng xã hội trong thời gian này. Sự thiếu vắng của các hình ảnh, của những trận đấu trực tiếp từ thời những năm 1960, 1970, của những nhân chứng sống và đã trực tiếp xem các ngôi sao bóng đá như Pele, Beckenbauer, Cruyff hay thậm chí Maradona đã già đi cùng năm tháng, đã càng tạo ra một suy nghĩ, rằng Messi và Ronaldo vĩ đại và thành công hơn những huyền thoại ấy. Điều đáng nói, là các so sánh đều khập khiễng, thậm chí ngớ ngẩn, bởi bóng đá mỗi thời một khác. Messi và Ronaldo chưa từng đoạt World Cup, nhưng ở thời của họ, bóng đá ngày càng trở nên vô cùng khắc nghiệt, với những mùa giải đầy ắp trận đấu, đòi hỏi một nền thể lực và bản lĩnh vô song để có thể liên tục duy trì đỉnh cao và các cuộc chinh phục.

Ở thời của mình, Pele chưa từng chơi đến 48 trận một mùa trên tất cả các cấp độ, từ CLB đến đội tuyển. Cruyff bắt đầu vượt ngưỡng 50 trận ở mùa 1971/72. Maradona cũng đạt mức 50 trận vào mùa bóng 1988/89. Nhưng Messi và Ronaldo thì khác. Kể từ mùa 2008/09 đến nay, chưa mùa bóng nào họ chơi dưới 50 trận trên tất cả các cấp độ, và điều kỳ diệu là trong những năm tháng ấy, chưa khi nào họ ghi dưới 30 bàn/mùa. Messi thậm chí có năm ghi tới 82 bàn tổng cộng. Phải là những siêu nhân thực sự mới có thể làm được những điều phi thường như thế. Chính những bàn thắng, những màn trình diễn siêu việt của họ ở các giải đấu, chú yếu là ở cấp CLB, đã xóa mờ mọi ấn tượng khác tiêu cực mà họ từng bị chỉ trích, và từ đó cũng đặt ra một chuẩn mực riêng chỉ liên quan đến họ trong các cuộc đua Quả bóng Vàng cũng như để so sánh họ với những huyền thoại đã từng đoạt danh hiệu cao quý này trong quá khứ. Những bàn thắng ấy, giá trị hình ảnh của họ (về ảnh hưởng truyền thông, về kinh doanh thương hiệu) là không thể phủ nhận được, và đấy có thể là lý do khiến họ giành hầu hết số điểm cao nhất để đoạt Quả bóng Vàng các năm 2010 (Messi) và 2013 (Ronaldo), những năm mà họ thất bại trên khía cạnh thành tích. Đó là các năm đoạt cú ăn ba của Sneijder (anh còn vào đến chung kết World Cup 2010) và Ribery.

SẼ LẠI LÀ MỘT TRONG SỐ HỌ

Thế giới bóng đá hiện đại đã xoay quanh họ như thế, đầy những lời tung hô, những ngợi ca và không ít tranh cãi. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì cuộc đua của họ trên các chiến trường, trong đó có cả Quả bóng Vàng vẫn còn tiếp tục, chừng nào họ vẫn chinh phục các dòng tít trên báo chí và không cho các đối thủ khác chen chân, chừng nào các bàn thắng vẫn đến không ngừng. Kể cả ở mùa giải này, khi bỗng nhiên Ronaldo ghi ít bàn ở La Liga, thì tỷ số Quả bóng Vàng giữa họ vẫn có thể sẽ được san bằng là 5-5, bởi một lẽ là Ronaldo đã đoạt tất cả các danh hiệu cao quý nhất ở cấp CLB với Real Madrid, đội bóng mà anh đã chơi từ năm 2009, với một hiệu suất ghi bàn vô cùng đáng ngưỡng mộ (anh ghi trung bình mỗi trận hơn 1 bàn, trong hơn 400 trận đấu!). Messi đã cứu đội tuyển của anh khỏi việc không thể đến Nga, và hiện đang tỏa sáng với Barca, dù đã không có danh hiệu ở nửa năm đầu (nhưng anh vẫn là người ghi bàn nhiều nhất mùa bóng trước ở La Liga). Đó có thể là những hy vọng mong manh của anh cho một Quả bóng Vàng đầy kịch tính.

Dù thế nào đi nữa, ta cũng sẽ biết tên người chiến thắng khi France Football công bố tên của anh trong số báo ra ngày 12/12 tới. Sẽ luôn chỉ là một trong số họ. Ít nhất là cho đến cái năm sắp kết thúc này...

Anh Ngọc

 

TRƯỚC HỌ, LÀ MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI KHÁC

   Trước khi Messi và Ronaldo bùng nổ trên đỉnh cao, từ đó bắt đầu một cuộc chiến tay đôi giữa họ trên nhiều mặt trận, là một “trật tự thế giới” rất khác, với những cuộc đua Quả bóng Vàng gay cấn hơn rất nhiều. Điều gì đã xảy ra ở thời kỳ đó? Chất lượng giữa các đội bóng hàng đầu không quá lớn, các ngôi sao lớn nhiều hơn bây giờ, trong khi sự chênh lệch trình độ giữa các đội dự Champions League không quá lớn. Điều đó cũng có nghĩa là mức độ cạnh tranh của bóng đá thời đó cao hơn bây giờ.

  2008 là năm mà Cristiano Ronaldo lần đầu lên ngôi Quả bóng Vàng, sau khi cùng M.U đoạt Champions League năm đó, và mở ra thời kỳ thống trị của bộ đôi Ronaldo-Messi. Nhưng trước anh, trong 10 kỳ trao Quả bóng Vàng của 10 năm trước đó, người ta thấy xuất hiện 10 cái tên khác nhau, lần lượt là Zidane năm 1998, Rivaldo năm 1999, Figo năm 2000, Owen năm 2001, Ronaldo “béo” 2002, Nedved năm 2003, Shevchenko năm 2004, Ronaldinho năm 2005, Cannavaro năm 2006 và Kaka 2007. Nhìn xa hơn nữa, có 18 cái tên nhận 19 Quả bóng Vàng từ năm 1990 đến 2007 (Ronaldo “béo” là người duy nhất được trao 2 Quả bóng Vàng trong khoảng thời gian đó). Thời đó đã xa, nhưng một ngày nào đó, trật tự cũ có thể được lặp lại sau kỉ nguyên thống trị suốt 10 năm của cặp Messi-Ronaldo đi qua? Tuổi tác của họ sẽ hạ bệ họ. Messi đang ở tuổi 30, năm tới Ronaldo sẽ ở tuổi 33. World Cup 2018 có thể sẽ là cuối cùng của họ. Và hoàn toàn logic khi người ta chờ đợi một ai đó sẽ tỏa sáng và chiếm ngôi đầu.

   Anh ta là ai? Phải chăng là Neymar, người đã buộc phải sang PSG để có thế giới của riêng anh, sau mấy năm chơi ở Barca và hiểu rằng, chừng nào còn ở Camp Nou, chừng đó anh còn đứng dưới cái bóng của tiền đạo người Argentina?