TỪ KỲ TÍCH CỦA U19 VIỆT NAM

 

Ngày 14/10/2016, đội tuyển U19 Việt Nam đã tạo nên cú sốc lớn ở Khalifa Sports City, Isa Town, Bahrain, sau chiến thắng 2-1 trước CHDCND Triều Tiên, trận đầu ra quân ở bảng B, giải U19 châu Á. So với cơn đại địa chấn thắng đội tuyển quốc gia Hàn Quốc 1-0 năm 2003 (trên đất Oman) hay vượt qua U16 Trung Quốc 3-2 tại sân Chi Lăng (năm 2000)..., có thể chiến tích của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn khó so bằng.

Nhưng, về mặt tính chất của giải đấu, của suất đi tiếp vào vòng knock-out và cơ hội tiếp tận FIFA U20 World Cup 2017 thông qua giải U19 châu Á, thì trận thắng Triều Tiên tạo đà xuất phát quá lý tưởng. Đội tuyển U19 Việt Nam tiếp tục chơi như lên đồng, bằng với những tính toán chặt chẽ - khoa học, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tiếp tục cầm hoà UAE 1-1, chia điểm với Iraq trong trận đấu cuối vòng bảng vởi tỷ số 0-0. Sau 3 trận, quân ông Tuấn có 5 điểm và chỉ để lọt lưới 2 bàn, trước các đối thủ được đánh giá cao hơn rất nhiều, thậm chí nằm trong tốp những nền bóng đá hàng đầu châu lục.

Lọt vào tứ kết với ngôi nhì bảng, U19 Việt Nam không dừng lại, mà tiếp tục hạ nốt chủ nhà Bahrain 1-0, để chính thức giành vé đến ngày hội bóng đá trẻ lớn nhất hành tinh - FIFA U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc.

Đây là một cột mốc có thể nói là vĩ đại của nền bóng đá xứ sở. Cũng như VCK U16 châu Á được tổ chức trên sân nhà năm 2000, thành tích vào bán kết của U19 Việt Nam 16 năm sau (bằng với ít nhất 4 thế hệ cầu thủ), về lý thuyết là không cao hơn, nhưng điều đáng chú ý ở đây là suất chơi World Cup lần đầu tiên trong lịch sử nền bóng đá.

Nó không chỉ là cơ hội học hỏi, quảng bá, mà nội hàm còn có tác dụng thu hút nguồn lực đầu tư, kích cầu phát triển bóng đá trẻ. Bóng đá trẻ Việt Nam, ở những thời điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, song rõ ràng không phải không có lực. Vấn đề là phương pháp làm bóng đá tử tế, có kế thừa; là các cơ hội mở ra và biết nắm bắt, chứ không phải hên xui, may rủi.

U20 là đội tuyển đầu tiên của bóng đá Việt Nam tham dự VCK World Cup bóng đá 11 người

 

 

ĐẾN GIẤC MƠ WORLD CUP "XỊN"

 

Quay lại với giấc mơ World Cup 2030 của nền bóng đá, sau cú bắt tay của huyền thoại Ryan Giggs với Học viện PVF. Rất nhiều người đã cười nụ, sau khi nghe 2 cựu danh thủ Manchester United là Ryan Giggs và Paul Scholes nói về điều này, bởi họ cho rằng, đấy chỉ là câu chuyện đãi bôi lúc cao hứng, hòng làm đẹp lòng đối tác - người chủ nhà, chứ nó quá viển vông, phi thực tế. Mà những người thiếu thực tế, thường chiếm số đông trong số những kẻ thất bại.

Ở chiều ngược lại, nếu bạn không giám nghĩ, không dám mơ, không dám hành động để theo đuổi mục tiêu, thì chắc chắn bạn đã thất bại, chứ không chỉ "chiếm số đông những kẻ thất bại trong xã hội". "Những người thực tế", theo chủ nghĩa duy vật biện chứng chỉ ra rằng, gốc tích con người, cùng các điều kiện phát triển bóng đá ở Việt Nam, không đủ để xây giấc mộng World Cup trong vòng 50 năm nữa, chứ không chỉ hơn chục năm với một Học viện bóng đá trẻ.

Họ ngó qua Thái Lan hoặc gã khổng lồ Trung Quốc, với hàng trăm, hàng ngàn Học viện bóng đá có quy mô lớn, bao gồm cả những Học viện liên kết với đối tác nước ngoài, đã đi vào hoạt động từ chục năm qua, nhưng vị thế của 2 nền bóng đá quốc gia láng giềng này, hiện đang ở đâu trên thế giới? Trung Quốc mới chỉ một lần tham dự World Cup 2002 và phải dừng lại ở vòng bảng, với thành tích tệ hại.

 

 

TRỞ LẠI VỚI NGUỒN LỰC CON NGƯỜI

 

Nhân lực (bao gồm nội lực và chất xám ngoại lực), tài lực và chiến lược phát triển là những yếu tố quan trọng hàng đầu. Tại Việt Nam, với ít nhất 4 Trung tâm đào tạo trẻ lớn nhất hiện nay là: PVF, Viettel, Hà Nội và HAGL, đang duy trì 4-5 lứa cầu thủ trẻ (từ U13-U19), tổng cộng khoảng 450-600 cầu thủ. Trong đó, PVF với 8 lớp (gần 200 cầu thủ) có quy mô lớn nhất. Xếp sau lần lượt là Viettel, Hà Nội và HAGL.

Tính thêm cả các địa phương giàu truyền thống đào tạo trẻ như SLNA, Đà Nẵng, Khánh Hoà hay Đồng Tháp, Than Quảng Ninh..., cứ cho là chúng ta đang có khoảng 1.000 các cầu thủ trong độ tuổi "U" để tính đến mục tiêu
World Cup 2030, nếu thành, thì 1.000 cầu thủ này chính là hạt nhân chắp cánh giấc mơ.

Bóng đá buộc phải tính xác xuất, bởi nó đào thải rất nghiệt ngã. Về khoản này, cách đây 10 năm, người Đức đã khẳng định, cứ 50.000 cầu thủ nhí bước vào các Học viện bóng đá, hay các lò đào tạo CLB, sẽ sản sinh ra một tuyển thủ quốc gia. Mà tuyển thủ quốc gia Đức thì gần như mặc định sẽ chơi ở EURO và World Cup, không như Việt Nam, đến năm 2019 mới có cơ hội lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng loại ASIAN Cup.

Chất lượng đầu vào quan trọng, quy trình huấn luyện - đào tạo quan trọng không kém, nhưng yếu tố mang tính quyết định năng lực chơi bóng và chinh phục ở tầm cao phải là môi trường phát triển - hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp. Tiếp tục với những phép so sánh. Tại Singapore và Trung Quốc, họ từng mở những Học viện bóng đá mang tên Ronaldo (béo), Ronaldo (Bồ) và cả Ronaldinho..., sau các cú bắt tay với các danh thủ này, hệt như PVF vừa bắt tay với Giggs.

Năm ngoái, một trong số những Học viện mang tên Ronaldinho đi vào hoạt động ở Singapore, thì vừa rồi họ tuyên bố phá sản, vì không kham nổi kinh phí. Tại Thái Lan, 18 CLB thuộc Thai Premier League và 22 đội bóng thuộc Thai League 2, đều là những phân xưởng đào tạo cỡ lớn và trung bình. Đáng kể nhất trong số này là Học viện liên kết với CLB Leicester City ở giải Ngoại hạng Anh. Cứ mỗi năm, người Thái Lại gửi khoảng hơn chục cầu thủ từ 12-16 tuổi, qua Leicester City học việc trong 3 năm. Thái Lan cũng đang hợp tác đào tạo với cả Athletico Madrid.

Đi một vòng và bây giờ, chúng ta lại quay trở về Việt Nam. Cần rạch ròi thế này, cấp độ bóng đá trẻ hoàn toàn khác với cấp độ ĐTQG. Ở tầm ĐTQG, sức cạnh tranh là cực kỳ gắt gao và do Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ, nên cơ thể ĐTQG được quyết định bởi hệ thống các giải chuyên nghiệp Việt Nam như V-League và hạng Nhất. Đây cũng chính là môi trường phát triển lý tưởng nhất có thể với một cầu thủ trẻ khi đôn lên đội 1.

 

 

BAO GIỜ BÓNG ĐÁ VIỆT NAM DỰ WORLD CUP?

 

Trong khoảng 10-15 năm nữa, V-League có thể sẽ được nâng tầm ngang với Thai Premier League; một vài cầu thủ cũng có thể chuyển sang Nhật Bản hay Hàn Quốc thi đấu, bằng chính hay tiểu ngạch, nhưng tất cả những dữ liệu đó chưa đủ đảm bảo suất chơi World Cup 2030 cho nền bóng đá (ngay cả khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh hiện tăng số lượng lên 64 đội thay vì 32). Trước khi tính chuyện World Cup, vì thế chúng ta nên bắt đầu từ việc vô địch AFF Cup, giành Vàng SEA Games một cách thường xuyên hơn; rồi tốt hơn nữa là cũng thường xuyên vượt qua Vòng loại ASIAN Cup, ASIAD, Olympic Mùa hè...

Cho đến thời điểm nào đó, chúng ta duy trì được sự ổn định trong Top 10 nền bóng đá mạnh nhất châu lục, ở cả hệ thống giải quốc gia lẫn ĐTQG, lúc ấy may ra mới có thể đặt mục tiêu VCK World Cup được.

Trần Hải