(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2018, đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự Vòng chung kết U23 châu Á. Đó là giải đấu lần thứ 3 được tổ chức trong vòng 4 năm gần nhất.
Đội bóng dưới thời HLV Park Hang Seo khi ấy đã đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác. Thậm chí, trận chung kết trước Uzbekistan, chúng ta cũng khiến đối thủ phải chống đỡ suốt 120 phút, rồi mới thua sát nút. Và đó là giải đấu đánh dấu hình ảnh của bóng đá Việt Nam trên trường châu lục.
Ít ai biết, trước khi đến Thường Châu, ông Park và học trò đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng trên đất Thái Lan. Cái gì cũng có nguyên do của nó, và không có sự đầu tư hời hợt nào lại mang hiệu quả kinh tế cao cả.
Cho đến giờ này, rất nhiều người Việt Nam vẫn nghĩ rằng, HLV Park Hang Seo chính là đã gặp may, khi được "cất vó" một đôi lứa cầu thủ tài năng nhất của nền bóng đá trong 20 năm qua. Thực ra, trước ông Park, thì Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng và cả Guillaume Graechen đã dùng lứa này làm bàn đẩy danh vọng. Nhưng có mấy ai thành công ở tầm cao đâu?
Trở lại với chiến dịch Vòng loại U23 châu Á 2022. Với thế hệ sau Công Phượng, Quang Hải..., chưa thể nói là tài năng không bằng, nhưng cũng đều là các thương hiệu đấy chứ. Tất cả họ, chỉ thua thiệt đàn anh về mặt danh tiếng mà thôi. Đội tuyển U23 Việt Nam đã thất bại ở VCK U23 châu Á Thái Lan 2020, nhưng năm 2022, có thể là một câu chuyện khác.
Phần lớn các HLV khi xác định mục tiêu và năng lực chinh phục của đội bóng, đều giấu bài, đặc biệt là tại vòng loại hoặc thậm chí vòng bảng. Tại bảng đấu có Việt Nam, Myanmar và Đài Loan (Trung Quốc), suất đi dự VCK là đương nhiên với chúng ta. Đó là lý do, ông Park đã tính và tính ra chiến thuật luôn. Việc thuyền trưởng người Hàn Quốc, nếu có phát biểu ý gì đó không thuận đám đông cho lắm, thì cũng là có lý do.
Đội tuyển U23 Việt Nam sẽ đến VCK U23 châu Á 2022, với tâm thế không giống như giải đấu năm 2020. Và, với những con người như hiện tại, đội bóng có thể chinh phục thứ hạng nào đó, mà không giống tâm thế của “ngựa ô” như năm 2018. Vị thế của bóng đá Việt Nam lúc này khác nhiều rồi, chúng ta đã ở đẳng cấp khác.
Trên chương trình Góc khuất của báo Thể thao & Văn hóa (được phát trước trận U23 Việt Nam gặp U23 Myanmar), người viết bài báo này đã khẳng định, bóng đá trẻ là thiếu ổn định. Và ngay cả bóng đá trẻ Myanmar dù có nhiều tiến bộ, nhưng chưa thể so với bóng đá trẻ Việt Nam trong khoảng 10 năm đổ lại.
Việt Nam đã là đội bóng duy nhất của Đông Nam Á lọt tới Vòng loại cuối cùng FIFA World Cup 2022. Trước đó, chúng ta cũng đã vào tới tứ kết AFC Asian Cup 2019, bán kết ASIAD 2018 tại Indonesia. Tất cả, đều không tự nhiên mà tới.
Đoạt vé dự Vòng chung kết U23 châu Á 2022, tại một bảng đấu gồm 3 đội tương đối nhẹ, đấy là đương nhiên. Tuy nhiên, các thảm đấu quan trọng nhất trong 2 năm tới của bóng đá Việt Nam vẫn phải là Vòng loại World Cup 2022 và AFF Suzuki Cup 2020. Bóng đá trẻ vẫn chỉ là điều kiện cần.
Tiến lên nào thầy trò HLV Park Hang Seo!
CCKM
Tags