Tiền đạo Tạ Thái Học (HA.GL): 'Hãy coi đôi chân đồng nghiệp như đôi chân của chính mình'

Thứ Ba, 04/03/2014 12:47 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2011, trong một trận đấu thuộc khuôn khổ V-League giữa chủ nhà HA.GL với K.Khánh Hòa trên sân Pleiku, cầu thủ trẻ mới vào thay người Tạ Thái Học của HA.GL đã bị người cùng trang lứa Thanh Hùng vào bóng bằng gầm giày khiến chân Học gãy làm đôi.

Lúc đó, Học mới 20 tuổi, độ tuổi sung mãn nhất để mở ra sự nghiệp bóng đá đỉnh cao của mình. Sau quãng thời gian 620 ngày điều trị, tiền đạo này đã có thể quay lại sân chơi đỉnh cao. Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với Thái Học về chấn thương khủng khiếp mà anh từng gặp.

* Ban đầu bị chấn thương anh có cảm giác như thế nào?

- Thật sự lúc nhận cú đạp bằng gầm giày của Thanh Hùng tôi rất đau đớn và lo sợ. Khi nhập viện và được các bác sĩ cho biết mình bị gãy chân thì tôi hoàn toàn suy sụp, và lo lắng cho tương lai của mình.

Tuy nhiên, trong thời gian điều trị tại bệnh viện, được sự quan tâm, chăm sóc nhiệt tình của đội ngũ y, bác sĩ cùng ban lãnh đạo CLB HA.GL và những động viên tình thần từ phía gia đình, thì tôi đã tự tin hơn với khả năng bình phục của mình. Lúc đó tôi mới nghĩ đến việc mình phải cố gắng điều trị thật tốt để nhanh khỏi và tiếp tục quay lại với bóng đá.

* Quãng thời gian điều trị của anh có vất vả không?

- Thời gian ban đầu rất khó khăn đối với tôi. Việc đi lại là rất bất tiện, tôi phải nhờ sự hỗ trợ của đôi nạng và những người thân hay các y, bác sĩ tại bệnh viện mới có thể hoạt động được.

Ban đầu phác đồ điều trị chỉ đơn thuần là tập vật lí trị liệu, rồi khi xương có dấu hiệu lành thì chuyển sang các bài tập giúp xương cứng cáp hơn, rồi còn phải uống thuốc đúng giờ, theo quy định của bác sĩ.

* Thái Học có thể chia sẻ về cách ăn uống, tập luyện như thế nào để có thể hồi phục một cách nhanh chóng và quay lại sân chơi đỉnh cao?

- Khó khăn nhất vẫn là các bài tập vật lí trị liệu, nhưng tôi đã vượt qua được. Cách ăn uống cũng phải đúng với tiêu chuẩn do bác sĩ đưa ra, phải ăn kiêng, không được ăn rất nhiều món mà tôi ưa thích nên rất khó chịu.

Khi đó, song song với công tác điều trị và luyện tập cho xương chân cứng cáp hơn thì tôi cũng thực hiện một số bài tập về cơ. Tôi đã quyết tâm quay trở lại với bóng đá, vì thế việc duy trì thể lực cũng không kém phần quan trọng.

Nhưng hơn hết chính là ý chí là sự quyết tâm của tôi thời điểm bấy giờ, đó chính là điểm mấu chốt giúp chấn thương của tôi bình phục rất nhanh và có thể quay lại sân cỏ sớm hơn dự định của các bác sĩ.

* Gia đình anh có  ủng hộ anh quay lại với trái bóng hay không?

- Có thể nói gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất trong khoảng gian tôi điều trị chấn thương. Khi biết tôi vẫn nuôi hy vọng và đam mê trở lại nghiệp “quần đùi áo số” thì gia đình luôn luôn đứng về phía tôi, ủng hộ tôi.

Thêm vào đó, tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía lãnh đạo CLB HA.GL trong suốt quãng thời gian điều trị chấn thương. Đó chính là những lí do tạo cho tôi một tâm lí thật sự thoải mái để tập trung điều trị.

* Trở lại với V-League, hiện nay có rất nhiều pha vào bóng thô bạo dẫn đến tình trạng chấn thương nghiêm trọng đối với các cầu thủ, anh nghĩ sao về “hiện trạng” này?

- Như anh cũng biết đấy, V-League chỉ mới trải qua 7 vòng đấu mà đã có đến 2 cầu thủ bị gãy chân (Bruno - Than Quảng Ninh và Anh Hùng – HV.An Giang - PV), một cầu thủ rạn xương sườn (Danny – ĐT.Long An), đó là chưa kể những chấn thương khác mà không nghiêm trọng như các trường hợp trên.

Theo ý kiến của bản thân thì tôi thấy hầu hết mọi chấn thương đều do lối đá máu lửa quá mức của các cầu thủ gây ra. Như trường hợp của Bruno, việc cầu thủ này bị gãy chân cũng xuất phát từ tình huống tranh bóng khá quyết liệt mà người chủ động vào bóng trong tình huống này cũng chính là anh ta.

* Cũng từng là nạn nhân của một pha vào bóng thô bạo, anh có lời khuyên gì đối với các cầu thủ khác?

- Tôi nghĩ, các cầu thủ nên hạn chế vào bóng thô bạo ở những tình huống không đáng. Nói như một người anh của tôi đã từng khuyên thì hãy biết quý trọng đôi chân của đồng nghiệp.

Với những người theo nghiệp “quần đùi áo số” thì đôi chân chính là “cần câu cơm”, là “cuộc sống” của mỗi người. Việc vào bóng thô bạo không chỉ khiến đồng nghiệp của mình phải đau đớn, phải nghỉ thi đấu, thậm chí nếu nghiêm trọng sẽ khiến họ từ giã sân cỏ, mà còn hại chính bản thân mình, như trường hợp của Đinh Văn Ta (V.Ninh Bình) hay Đình Đồng (SLNA) đều phải nhận những án phạt rất nặng.

Điều cuối cùng tôi muốn các cầu thủ hãy coi đôi chân của đồng nghiệp như đôi chân của chính mình!

* Xin cảm ơn anh!

Đức Thành (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›