Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thượng viện Australia đã thông qua luật cấm trẻ em và thanh thiếu niên Australia sử dụng mạng xã hội từ cuối năm 2025.
Đây là luật đầu tiên trên thế giới và được thông qua với sự ủng hộ của cả 2 đảng lớn ở quốc gia châu Đại Dương này. Điều đó có nghĩa là tại Australia, bất kỳ ai dưới 16 tuổi sẽ bị chặn sử dụng các nền tảng bao gồm TikTok, Instagram, Snapchat và Facebook - một động thái mà Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese và Liên đảng đánh giá là cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của trẻ em.
Theo luật, các công ty truyền thông xã hội có thể bị phạt tới 50 triệu AUD (33 triệu USD) nếu không thực hiện "các biện pháp hợp lý" để những người dưới 16 tuổi tránh xa các nền tảng của họ. Tuy nhiên, không có hình phạt nào đối với những người trẻ tuổi hoặc phụ huynh vi phạm luật. Các công ty truyền thông xã hội cũng sẽ không thể buộc người dùng cung cấp giấy tờ tùy thân do Chính phủ cấp, bao gồm cả thẻ căn cước kỹ thuật số, để xem tuổi của họ.
"Ứng dụng nhắn tin", "dịch vụ chơi game trực tuyến" và "dịch vụ có mục đích chính là hỗ trợ sức khỏe và giáo dục" sẽ không nằm trong lệnh cấm, cũng như các trang web như YouTube không yêu cầu người dùng phải đăng nhập để truy cập nền tảng.
Mặc dù Thượng nghị sỹ Karen Grogan của Công đảng cho rằng luật này là một công cụ cần thiết, nhưng không phải là “thuốc chữa bách bệnh". Những người trẻ tuổi vẫn cần phải được đặc biệt quan tâm khi luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội được áp dụng hạn chế để đảm bảo rằng có những cách thức mang tính xây dựng giúp kết nối họ với những người xung quanh.
Trong khi đó, bà Danielle Einstein - nhà tâm lý học lâm sàng ủng hộ chiến dịch nâng độ tuổi trẻ em có thể truy cập mạng xã hội - cho rằng mạng xã hội không mang lại lợi ích nào cho sức khỏe tâm thần đối với những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, bà Nicole Palfrey - làm việc tại tổ chức sức khỏe tâm thần Headspace - đã thận trọng hơn khi nói rằng cần phải cân bằng mọi tác hại từ mạng xã hội với lợi ích của việc kết nối và "tìm kiếm sự giúp đỡ" trực tuyến, đặc biệt là đối với những đứa trẻ sống ở vùng xa xôi hoặc nông thôn.
Tags