(Thethaovanhoa.vn) - Sáng ngày 21/6, tại Hội An khai mạc trưng bày cổ vật văn hóa Đông Sơn – Sa Huỳnh – Óc Eo. Cuộc trưng bày do Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam cùng Sở VHTT&DL Quảng Nam, Trung tâm bảo tồn, phát huy di tích và danh thắng Hội An phối hợp tổ chức.
Đây là một trong những hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần V. Tại đây quy tụ hơn 1000 cổ xuất xứ từ nhiều vùng với các thể loại khác nhau, từ đồ gốm, đồng, vòng trang sức, nông cụ đến những vật dụng thời tiền cổ có niên đại hàng nghìn năm.
Các cổ vật văn hóa Đông Sơn gồm vũ khí, đồ tùy táng, công cụ lao động,…chủ yếu bằng đồng thau. Văn hóa Sa Huỳnh thể hiện chủ yếu qua các vật dụng như âu, liễn, đồ trang sức,….Và văn hóa Óc Eo được thể hiện qua kỹ thuật tinh xảo trong các trang sức như khuyên tai, vòng cổ, vòng tay,…chủ yếu bằng vàng bạc.
Các cổ vật của văn hóa Óc Eo chủ yếu là đồ trang sức với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo, điêu luyện
Văn hóa Đông Sơn là văn hóa đồng bằng, văn hóa lục địa, có địa bàn phần lớn trong vùng trung du và đồng bằng lưu vực của sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa duyên hải, văn hóa cảng thị nằm dọc theo dải đất ven biển miền Trung Việt Nam ngày nay, trong lưu vực các con sông Thu Bồn và Trà Khúc. Nó còn được gọi là Văn hóa Cồn Bầu vì được phát hiện vào năm 1909 ở vùng ven các bầu nước miền Trung…Còn văn hóa Óc Eo nằm chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm điạ bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… và một phần đất Đông Nam Campuchia. Văn hóa Óc Eo là sự tiếp nối của văn hóa Phù Nam- biểu tượng của mật giáo.
Ông Đặng Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam cho biết: “Để thực hiện những cuộc trưng bày như thế này phải mất ít nhất 1 tháng để chuẩn bị. Chúng tôi đã mang các cổ vật này đi trưng bày trên dưới 200 lần. Điểm đặc biệt, đây đều là các cổ vật của những cá nhân là hội viên Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam. Điều đó thể hiện ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Và tất cả những việc làm đó đều nhằm một mục đích để người dân hiểu thêm về giá trị văn hóa của đất nước".