Jamu là thức uống truyền thống độc đáo của người Indonesia với những nguyên liệu rất dễ tìm nhưng vô cùng tốt cho sức khỏe.
Thức uống cổ đại
Trên các đường phố ở vùng Trung Java, những người phụ nữ cẩn thận chất đầy các chai jamu - một loại thuốc thảo dược tự chế - vào giỏ tre. Bàn tay họ nhuốm màu vàng do nghệ mới nghiền thành bột vào lúc sáng sớm, trộn cùng với các loại thân rễ, rễ, quả, vỏ và lá khác để thêm vào thứ nước uống truyền thống.
Khi mặt trời bắt đầu mọc, những jamu gendong (người bán nước jamu) đi bộ hoặc đi xe tay ga dọc theo tuyến đường hàng ngày, đôi lúc dừng lại để phục vụ nước thảo mộc cho một vị khách đang khát.
Một số mang theo tới 8 chai, mỗi chai chứa một loại jamu để mang lại cho khách hàng năng lượng ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, từ trẻ nhỏ cho đến người già. Họ cẩn thận không làm đổ một giọt khi rót thức uống quý giá vào cốc. Trong mắt người Indonesia, thức uống có vị đắng không chỉ được tạo ra để làm dịu cơn khát, mà jamu có nghĩa là "lời cầu nguyện cho sức khỏe" trong tiếng Java cổ.
Jamu là một phần không thể thiếu trong văn hóa Indonesia đến nỗi đất nước này đã đề cử nó vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của Unesco. Metta Murdaya, tác giả của cuốn "Jamu Lifestyle: Indonesia Herbal Wellness Tradition", cho biết: "Về cơ bản nhất, jamu là một loại thuốc thảo dược; còn ở mức cao nhất, nó phản ánh cách mà nền văn hóa duy trì niềm hạnh phúc qua hàng ngàn thế hệ".
Các jamu gendong sản xuất và bán đồ uống hàng ngày, mỗi loại jamu được pha chế để có những đặc tính khác nhau. Ảnh: Ahmad Darmansyah/Getty Images)
Thức uống này có một lịch sử lâu đời và phong phú, bắt nguồn từ thời Vương quốc Mataram (thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 10) cách đây hơn 1.300 năm. Đầu tiên nó được uống trong triều đình, sau đó được các thầy lang giới thiệu đến các ngôi làng. Từ đó, các công thức pha chế được truyền miệng qua các gia đình.
Theo nhà nhân chủng học Patrick Vanhoebrouck, người đã sống ở Java hơn 20 năm, tài liệu tham khảo về jamu có thể được tìm thấy trong các bức phù điêu của ngôi đền Borobudur ở Java.
Ông nói: "Nghiên cứu khảo cổ học về các ngôi đền từ thế kỷ thứ 9 ở Trung Java cho thấy rằng các công thức nấu ăn từ jamu và thảo dược đã được sử dụng để bảo vệ sức khỏe. Chày và cối, công cụ làm jamu, cũng đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ và có niên đại từ thời Vương quốc Mataram".
Thức uống thảo dược được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như gừng, nghệ, đinh hương, thì là, chanh và me. Ảnh: Amanjiwo
Trong khi kunyit asam (nghệ và me) và beras kencur (gạo và gừng thơm) là hai loại jamu nổi tiếng nhất, thì mỗi hòn đảo của Indonesia lại có phiên bản đồ uống riêng dựa trên các loại thực vật và gia vị đặc hữu của vùng đất đó.
Du khách đến Trung Java sẽ tìm thấy jamu nghệ ngọt và me; người Bali chuộng loloh cem-cem, làm từ lá mận; trong khi ở quần đảo Moluccan, thức uống này được làm từ kopi rempah, là cà phê pha với các loại gia vị như nhục đậu khấu, đinh hương và quế. Mỗi nhà cũng có thể có phiên bản đồ uống của riêng mình.
Một cuộc khảo sát năm 2012 của Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận con số đáng kinh ngạc là 15.773 công thức pha chế jamu khác nhau trong quần đảo.
Bảo tồn nét văn hóa đẹp
Chính Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã làm vlog pha chế jamu để giới thiệu loại đồ uống này. Clip do ông thực hiện đạt hơn 3,7 triệu lượt xem trên Instagram chỉ trong 2 ngày.
"Ly jamu này là hỗn hợp nghệ rễ vàng, nghệ và gừng," Tổng thống Widoko nói.
Tất cả các thành phần đếu được cắt lát, hoặc giã nát rồi ủ trong nước nóng, sau đó lọc lại và dùng khi còn nóng.
"Tôi đã uống jamu có lẽ 17-18 năm rồi", Tổng thống Joko Widodo chia sẻ.
Được biết, thức uống này có nhiều tác dụng bổ như giúp giảm đau bụng kinh, giữ ấm cơ thể, tăng cảm giác ngon miệng cho trẻ em, tăng sức khỏe, ngừa bệnh… Nhưng nhìn chung, nó sẽ giúp người uống khỏe mạnh và sảng khoái hơn.
Tại quán cà phê Acaraki, đồ uống jamu được pha chế bằng kỹ thuật pha cà phê hiện đại (Ảnh: Acakari)
Khi một báo cáo được công bố vào năm 2015 nói rằng 49,5% người làm jamu đã 60 tuổi và chỉ 1/3 trong số họ có "truyền nhân", đã có những lo ngại rằng truyền thống này có thể biến mất. Nhưng một thế hệ nghệ nhân và doanh nhân mới hiện đang nắm lấy thức uống cổ xưa và tạo cho nó một nét riêng.
Jony Yuwono, chủ sở hữu của Acaraki , một quán cà phê jamu ở Jakarta, đã thấy các quán cà phê đang trở nên phổ biến như thế nào ở thủ đô và anh được truyền cảm hứng để làm sống lại một thức uống đắng khác.
Yuwono hiện đang phục vụ loại đồ uống có từ thế kỷ thứ 8 trong không gian xung quanh theo phong cách barista. Nhưng thay vì sử dụng chày và cối như các jamu gendong, quán Acakari chuẩn bị từng loại đồ uống theo đơn đặt hàng với sự trợ giúp của máy xay cà phê điện, máy ép kiểu Pháp hoặc máy pha cà phê V60.
Tổng thống Joko Widodo giới thiệu thức uống truyền thống
"Mọi người có thể nói rằng jamu đã quá cũ hoặc có vị đắng, nhưng công việc của chúng tôi là làm mới nó. Trà sữa thực ra cũng chỉ là trà, và đã có hàng ngàn năm tuổi".
Nhưng các doanh nhân trẻ còn quyết tâm đưa jamu đi xa hơn. Một người Moluccan thế hệ thứ ba gần đây đã ra mắt quán Good Jamu ở Hà Lan.
Anna Uspessij, người đã dành 7 năm ở Indonesia để tìm hiểu về di sản cội nguồn, đã trở về Hà Lan trong thời gian xảy ra đại dịch. Sau khi làm jamu ở Bali, cô muốn giữ nó như một phần nghi lễ hàng ngày của mình.
Khi Uspessij chỉ có thể tìm thấy bột jamu để bán ở Hà Lan, cô bắt đầu làm jamu gừng và nghệ tươi cho gia đình và bạn bè. Doanh nhân trẻ này hiện đang có kế hoạch đưa thương hiệu đến Đức, cho biết cô không điều chỉnh các thành phần cho phù hợp với khẩu vị phương Tây: "Đó là di sản văn hóa và tôi không muốn pha loãng nó."