(Thethaovanhoa.vn) - Tối 24/9 đã diễn ra tọa đàm Tinh tuý xứ An Nam tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) xoay quanh 3 cuốn sách Tâm lý người An Nam của Paul Giran, Nghệ Thuật xứ An Nam của Henri Gourdon và Bắc Kỳ tạp lục của Henri M.Souvignet.
Buổi toạ đàm có sự góp mặt của 3 diễn giả: nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Tiến sĩ ngữ văn Mai An Tuấn, chuyên gia kiến trúc người Pháp Emmanuel Cerise – đại diện Ile-de-France tại Hà Nội.
Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, 3 cuốn sách này là những công trình mang tính xã hội học văn hoá đầu thế kỉ XX. Nếu đem so với những công trình nghiên cứu giữa thế kỉ XX trở đi, thì có nhiều điểm hạn chế hơn, tuy nhiên vẫn đem đến những khái quát rất hay về khoa học xã hội, cấu trúc văn hoá của nhân loại.
“Những cuốn sách này có những khía cạnh vô cùng thú vị, cuốn Bắc Kỳ tạp lục là 1 cuốn bách khoa thư về xứ Bắc Kỳ, cuốn Nghệ thuật An Nam nói về nguồn gốc và xu hướng phát triển nghệ thuật tại xứ An Nam, còn cuốn Tâm lý người An Nam nghiên cứu phê phán cấu trúc tinh thần người Việt khoảng thời gian đó” – ông Lại Nguyên Ân nói.
“Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc tiếp xúc, va chạm giữa hai nền văn hoá Pháp – Việt Nam. Những cuộc chinh phục của thực dân hòng thâu tóm xứ thuộc địa không đơn thuần chỉ là sự đối đầu về phương diện quân sự, mà còn tạo ra những giao thoa về văn hoá”.
- Sách 'Tâm lý dân tộc An Nam' của Paul Giran: Sắc sảo nhưng nhiều tranh cãi về người Việt
- Đọc 2 cuốn sách đặc biệt về 'xứ An Nam': Từ 'hội kín' tới 'tâm lý dân tộc'
- 'Khảy nhịp tang tình' tái hiện sinh hoạt văn hóa dân gian Nam Bộ
Về quá trình các tác giả phương Tây viết về phương Đông, chuyên gia kiến trúc người Pháp Emmanuel Cerise cho biết: “2 cuốn Bắc Kỳ tạp lục và Tâm lý người An Nam ra đời vào khoảng đầu thế kỉ XX, còn cuốn Nghệ thuật xứ An Nam được viết năm 1930. Để hiểu rõ về 3 cuốn sách này, thì chúng ta phải đặt chúng vào bối cảnh lịch sử, thời điểm mà các cuốn sách này được ra đời: đầu thế kỉ XX. Vào khoảng thời gian này, người châu Âu họ đặc biệt quan tâm đến phương Đông”.
“Thực ra, các tác giả phương Tây viết về phương Đông (đặc biệt là Đông Dương) không phải từ đầu thế kỉ XX, mà đã từ rất lâu trước đó. Theo nghiên cứu, có những cuốn sách đầu tiên ngay thế kỉ I đã viết về phương Đông “Chuyến đi biển Erite”. Tuy nhiên, cuốn này chưa phải nghiên cứu về xã hội học, mà chỉ đơn thuần là cẩm nang buôn bán, đi lại hằng ngày” - Emmanuel Cerise nói.
Paul Giran (Tâm lý người An Nam), Henri Gourdon (Nghệ thuật xứ An Nam) hay Henri M.Souvignet (Bắc Kỳ tạp lục) đều là những học giả phương Tây, những người Pháp lần đầu tiếp cận với nền văn hóa phương Đông, nhưng đều đã khảo sát dân tộc An Nam, trên cơ sở nghiên cứu các ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân khi sinh sống và gắn bó với “xứ An Nam” một thời gian dài, để biết về dân tộc đó, khám phá ra những động lực thâm sâu trong sinh hoạt, để hiểu về dân tộc đó, và mang đến cho chúng ta những ghi chép cụ thể, sinh động và thú vị.
Diệu Linh
Tags