Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có hướng dẫn đối với các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp với doanh nghiệp để tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi được rộng rãi hơn, hiệu quả tốt hơn.
Tại cuộc họp đánh giá kết quả giám sát chất lượng và sử dụng 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi: NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO (Công ty NAVETCO) và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam (Công ty AVAC) sáng ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm không chỉ cho thị trường trong nước mà còn thế giới, Bộ sẽ lựa chọn phương án giao cho các doanh nghiệp chủ động giám sát trong quá trình tiêm phòng, tự chịu trách nhiệm kiểm nghiệm chất lượng vaccine.
Bởi, trong quá trình nghiên cứu, giám sát, tiêm trên diện hẹp các đơn vị đã có đủ đội ngũ, kinh nghiệm, trang thiết bị… để đánh giá.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn đối với các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp với doanh nghiệp để tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi được rộng rãi hơn, hiệu quả tốt hơn.
Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty NAVETCO cho biết, để chuẩn bị cho triển khai tiêm phòng, Công ty NAVETCO đã sản xuất 6 lô vacccine dịch tả lợn châu Phi thương mại với 1.073.175 liều.
Từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, Công ty NAVETCO đã cung ứng và phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát triển khai tiêm vaccine NAVET-ASFVAC trên 7 quy mô đàn khác nhau từ 50 lợn/hộ đến 2000 lợn/trại, tại 132 cơ sở thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng số liều tiêm được là 47.435 liều; trong đó tiêm có giám sát là 29.685 liều.
Kết quả kiểm tra kháng thể sau tiêm đạt 85,5% đối với mũi 1 và 97,4% đối với mũi 2, tỷ lệ trung bình cả 2 mũi đạt 95,5%.
Đến nay, tổng số liều vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET – ASFVAC đã được triển khai tiêm phòng trên thực địa đạt 7,9% so với kế hoạch (kế hoạch 600.000 liều).
Hiện Công ty NAVETCO cũng hợp tác thử nghiệm vaccine tại Cộng hòa Dominica. Theo đề nghị của Dominica, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và Công ty NAVETCO đã cử Đoàn công tác sang hỗ trợ Dominica triển khai tiêm phòng thử nghiệm vaccine NAVET-ASFVAC tại nước này từ ngày 15/5 đến ngày 19/6/2023.
Đoàn công tác đã phối hợp với các cơ quan liên quan Dominica tổ chức, trực tiếp triển khai tiêm 459 liều vaccine (trong tổng số 2.500 liều do Công ty NAVETCO hỗ trợ) tại 3 trại chăn nuôi. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine NAVET – ASFVAC là an toàn, hiệu quả với tất cả 459 lợn thí nghiệm được tiêm tại thực địa. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm, Dominica đề nghị Công ty NAVETCO tiếp tục hỗ trợ thêm 2.500 liều để tiêm mở rộng thời gian tới.
Để chuẩn bị cho triển khai tiêm phòng, Công ty AVAC cũng đã sản xuất 4 lô vaccine dịch tả lợn châu Phi thương mại với 3.088.600 liều.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023, Công ty AVAC đã triển khai tiêm phòng được 605.211 liều vaccine thuộc 596 trang trại, cơ sở có quy mô khác nhau tại tổng số 34 tỉnh, thành phố. Kết quả kiểm tra kháng thể sau tiêm đạt khoảng 94%. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại tổng số liều vaccine AVAC ASF LIVE đã được triển khai tiêm phòng trên thực địa đạt 100,9% so với kế hoạch.
Công ty AVAC cũng hợp tác thử nghiệm vaccine AVAC ASF LIVE tại Philippines. Cục Thú y Philippines đã đề nghị Công ty AVAC phối hợp và cung cấp 1.000 liều vaccine. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine AVAC ASF LIVE an toàn và hiệu quả cho tất cả 1.000 lợn thí nghiệm được tiêm. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm đạt được, Cục Thú y Philippines đã đề xuất Chính phủ Philippines chính thức cho phép nhập khẩu và sử dụng 300.000 liều để phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang gây thiệt hại nặng nề cho nước này.
Với kết quả trên, ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam cho biết, theo kế hoạch giám sát của Cục Thú y, Công ty AVAC đã hoàn thành các yêu cầu về giám sát sử dụng vacicne tại điều kiện chăn nuôi thực tế. Công ty đề nghị Cục Thú y kết thúc chương trình giám sát thí điểm tiêm phòng 600.000 liều đối với vaccine AVAC ASF LIVE và cho phép được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu.
Doanh nghiệp cam kết sẽ sản xuất và cung ứng vaccine đầy đủ và đạt các tiêu chuẩn về thuần khiết, an toàn và bảo hộ tốt nhất. Nếu có phát sinh tình huống trên thực tế, công ty sẽ chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý, ông Nguyễn Văn Điệp cam kết.
Trong quá trình triển khai tiêm 600.000 liều vaccine theo kế hoạch các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ sở chăn nuôi tham gia tiêm thử nghiệm vaccine. Tại một số cơ sở chăn nuôi triển khai tiêm, số lợn đáp ứng đủ điều kiện tiêm vaccine không nhiều, do chủ trại không đồng ý việc vật nuôi bị lấy mẫu máu, dịch miệng… nhiều lần trong 28 ngày tiêm.
Bên cạnh đó, do đây là vaccine mới, các bước triển khai để tiêm rất thận trọng và phải thông qua rất nhiều các thủ tục hành chính tại địa phương.
Đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y phối hợp cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn thành kế hoạch và đưa sản phẩm ra thị trường sử dụng rộng rãi và phục vụ xuất khẩu.
Tags