(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua phòng tranh của thư pháp gia Thiên Phú (sinh 2007, bút hiệu: Thiên Đức) đã được ba mẹ khai trương tại 42 Ca Văn Thỉnh (quận Tân Bình, TP.HCM). Tình cờ đến với việc viết chữ đẹp từ năm 7 tuổi, Trần Thiên Phú (6/8/2007) gây ấn tượng bằng sự nắm bắt tính cách người xin chữ.
Thầy dạy chữ cho Thiên Phú, thư pháp gia Hồng Lĩnh nhận xét: “Đành rằng ai học thư pháp thì cũng sẽ viết được, nhưng Thiên Phú có năng khiếu riêng, nên viết tự nhiên và đẹp hơn. Điều đặc biệt là Phú có khả năng nhìn người, cứ ngồi đối diện một chút, Phú sẽ nghĩ ra được chữ phù hợp với tâm thế của người xin chữ lúc đó. Riêng điều này thì không thể dạy và học được, mà là năng khiếu bẩm sinh”.
Từ một duyên tình cờ
Ba của Thiên Phú là anh Công Việt kể rằng, vào cái Tết năm Phú lên 7 tuổi, gia đình đi viếng chùa, Phú nhìn thấy một thầy đồ viết chữ hay quá, về xin đi học cho vui, ai ngờ bộc lộ khả năng. Việc Phú viết chữ đẹp và viết có duyên nhanh chóng lan truyền, nhiều cá nhân và tổ chức đã tìm đến. Bằng thư pháp chữ quốc ngữ, Phú đã tham gia hàng trăm sự kiện, từ chính trị, xã hội, văn hóa, truyền hình, giải trí… Phú đã được đồng hành với nhiều cấp lãnh đạo, nhiều nhân vật nổi tiếng trong các chương trình sáng tạo, thiện nguyện và khuyến học.
Vua đầu bếp thế giới Yan Can Cook khi đến Việt Nam làm chương trình du lịch ẩm thực, đã rất hào hứng về khả năng viết chữ như chơi của Thiên Phú. Ông nói với một kênh truyền hình có sự tham dự của Thiên Phú rằng: “Đúng như ý nghĩa của cái tên mà cậu ấy mang, cậu ấy là của trời cho, viết như chơi mà đẹp”. Còn với danh hài Hoài Linh: “Lúc nhỏ đi học mà chữ tui đẹp bằng một góc của Thiên Phú thôi thì tui sẽ tự tin và tự hào lắm”.
Như hình tư liệu mà gia đình còn giữ được, Thiên Phú đã tham gia nhiều chương trình cùng NSND Bạch Tuyết, danh ca Giao Linh, NSƯT Thoại Mỹ, danh hài Trường Giang, MC Trấn Thành, MC Hari Won, diễn viên Lý Hùng… Tiếng lành đồn xa, Thiên Phú được mời viết chữ, mà cũng chỉ biết viết chữ thôi, vì bản thân hơi ốm yếu, thường rất ít nói. Dường như có hai Thiên Phú, một là của sự rụt rè, mệt mỏi bên ngoài, một là của sự hào hứng, bay bổng bên trong khi viết chữ. “Nhờ siêng tập viết chữ mà con học trên trường cũng dễ tập trung, dễ tiếp thu hơn” - Thiên Phú chia sẻ.
Nghĩ chuyện đường xa
Năm vừa rồi Trần Thiên Phú đạt danh hiệu học sinh giỏi, hiện Phú đang học lớp 7 tại Trường THCS Võ Văn Tần, quận Tân Bình, TP.HCM. Hỏi Phú có muốn lớn lên thành thư pháp gia thực thụ không? Phú trả lời: “Con cũng không biết nữa, vì chưa nghĩ tới đó”.
Tuy gọi là “phòng tranh thư pháp”, nhưng thực tế cho thấy Thiên Phú chủ yếu chỉ viết chữ, còn vẽ tranh thì chưa hoặc rất ít. Giấy thư pháp mà Phú viết thường là loại đã in sẵn bố cục tranh ảnh, chỉ cần viết chữ và đóng triện là xong.
Hôm khai trương phòng tranh, Phú trình diễn viết chữ “nhẫn”, còn cây tre thì thư pháp gia Hồng Lĩnh vẽ giúp. Chính vì vậy mà con đường trở thành một thư pháp gia thực thụ không hề dễ dàng, nó cần phải bổ túc thêm rất nhiều kỹ năng, đặc biệt trình độ kiến văn và tư duy sáng tạo. Không thể cứ loay hoay với các chữ quen thuộc như “nhẫn”, “phúc”, “đức”, “tâm”, “tài”, “trí”…
Hơn nữa, thư pháp chữ Quốc ngữ mới manh nha từ thập niên 1950 - 1960 tại Sài Gòn, còn khá non trẻ, thiếu nhiều cơ sở văn tự và triết lý, nên còn chưa được đánh giá cao. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng không thể dùng chữ Quốc ngữ để viết thư pháp được. Bởi dù muốn dù không thì Việt Nam vẫn thuộc về truyền thống thư pháp của chữ tượng hình, với hàng ngàn năm lịch sử và nhiều dấu ấn. Trong truyền thống nặng nề và hơi bảo thủ đó, thư pháp chữ Quốc ngữ muốn khẳng định được mình thì cần phải nỗ lực lớn hơn về cả lý thuyết, học thuật và thực hành.
Trần Thiên Phú học giỏi, có khiếu sáng tạo, chắc tương lai sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp để chọn lựa. Riêng với thư pháp, hy vọng Thiên Phú và gia đình không quá bị cuốn vào vòng xoáy danh lợi trước mắt để còn tiến xa hơn nữa. Bởi nếu chỉ dừng lại với “cảnh giới” như hiện tại, thì thư pháp chữ Quốc ngữ nói chung sẽ khó tiến xa, khó có được sự thuyết phục về sáng tạo và nghệ thuật.
Như Hà
Tags