(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Cuối cùng thì giữa tuần này, tài xế xích lô buộc ông lão người Nhật phải trả phí 2,9 triệu đồng sau khi chở đi tham quan vài trăm mét, cũng đã bị Công an quận 1, TP.HCM tạm giữ để làm rõ dấu hiệu tội Cưỡng đoạt tài sản.
Đại ý câu chuyện như sau: Cụ Oki Toshiyuki (83 tuổi, sống ở Tokyo, Nhật Bản) cùng con dâu cả và hai cháu nội đến TP.HCM vừa để du lịch, vừa thăm con trai út hiện đã lập gia đình và sống ở đây. Khoảng 6h sáng 3/8, cụ ra khỏi khách sạn, định đi dạo chơi loanh quanh gần đó. Đi được vài bước thì một người chạy xích lô đến gần nói gì đó, nhưng cụ chỉ cười. Anh này cứ đẩy xe đi theo cụ và trao đổi bằng tiếng Anh “bồi”. Đến gần chợ Bến Thành, người chạy xích lô tỏ ý muốn chở cụ về khách sạn và cụ đồng ý.
Theo lời cụ Oki Toshiyuki, trên đoạn đường ngắn từ đó về lại khách sạn, cụ rất cảm kích trước ý tốt của người xích lô và có ý định sẽ gửi anh ta 500.000 đồng để cảm ơn khi đến nơi. Tuy nhiên, người chạy xích lô chỉ thả cụ gần khách sạn. Khi cụ định gửi người đạp xích lô 500.000 đồng thì ông này... tỏ ý đòi thêm. Cụ cũng đồng ý, nhưng người già tay chân chậm chạp, chưa kịp lấy thêm tiền thì người chạy xích lô thò tay vào ví lấy hết 5 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 200.000 đồng rồi bỏ đi.
Đó là câu chuyện mới xảy ra cách đây ít ngày và cộng đồng đang phẫn nộ, bức xúc lên án. Hành vi của người đạp xích lô quả thật khó mà chấp nhận được.
Nhưng điều tôi ấn tượng nhất trong vụ việc này, ấy là khi được hỏi, vị du khách 83 tuổi này đã nói “Lỗi là tại tôi không hỏi giá trước khi lên xe”.
Sophia biết không,
Dịch vụ du lịch tại Việt Nam nhiều năm gần đây đã có những bước chuyển mình, cũng có những thay đổi mặc dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Điều đó rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những “hạt sạn”, những hành vi của một số người chỉ nhằm mục đích cá nhân mà quên mất rằng những hành động không đẹp của mình ảnh hưởng rất lớn đến “nồi cơm” của nhiều gia đình, đến cả một ngành “công nghiệp không khói” và lớn hơn nữa chính là làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong con mắt bạn bè Quốc tế khi đến tham quan, du lịch, học tập và làm việc.
Nhiều năm làm việc với người Nhật, tôi thấy trong các môn học được đưa vào dạy cho học sinh có môn Nghiên cứu xã hội. Môn học này cũng giống như người Việt Nam chúng tôi dạy Đạo đức trong nhà trường hiện nay. Có rất nhiều nội dung của môn học này được các giáo viên đưa ra cho học sinh thảo luận, trong đó có nội dung vì sao không nên đổ lỗi, đổ thừa cho người khác sự thất bại của chúng ta? Hay là trong một thất bại của tập thể, là một thành viên, bạn sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho ai đó hay bạn sẽ nghĩ là trách nhiệm của mình trong đó?
Dường nhưnội dung của môn học này đã được cụ Oki Toshiyuki áp dụng vào cuộc sống, cụ tự nhận “thất bại” khi không hỏi giá trước khi đi và đã nhận lỗi về mình, cho dù sự thật thì cụ hoàn toàn không có lỗi gì. Đó là một hành vi rất văn hóa. Lỗi hoàn toàn từ phía người đạp xích lô, mà hiện nay cơ quan chức năng đang làm rõ.
Thế còn chúng ta? Trong câu chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh” du lịch này, chúng ta học được gì và phải làm gì nếu như đây là “thất bại” (trong việc giữ gìn hình ảnh dịch vụ du lịch) của một tập thể (những người đang hành nghề đạp xích lô), của một thành phố (chúng ta là một thành viên), của cả cộng đồng (chúng ta là những công dân)? Và trách nhiệm này thuộc về ai? Có trách nhiệm của chúng ta trong đó không? Đấy cũng là những câu hỏi mà nhiều người đang tự vấn.
Sophia thân mến, câu chuyện đã có một phần “tạm kết” khá đẹp. Rất kịp thời, sau khi người đạp xích lô bị tạm giữ, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM đã gặp gỡ người nhà cụ Oki Toshiyuki để tặng cặp vé máy bay khứ hồi và trao thư xin lỗi của tài xế xích lô.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!
Quốc Thắng
Tags