(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Câu chuyện tài xế vi phạm nồng độ cồn hoặc có chất ma túy khi tham giao thông vẫn đang là chủ đề nóng tại Việt Nam chúng tôi. Rất nhiều cuộc họp bàn của các cơ quan chức năng, nhiều cuộc vận động rầm rộ trong cộng đồng được mọi người đồng lòng ủng hộ. Nhà nhà, người người, ai cũng lên tiếng kêu gọi tăng hình phạt, yêu cầu xử lý mạnh tay, làm chặt chẽ và cương quyết đối với các trường hợp vi phạm sử dụng rượu bia hoặc ma túy khi tham gia giao thông.
Sophia thân mến!
Tôi được biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, khi người tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt mức quy định luôn bị nhiều hình thức xử phạt cực kỳ nghiêm khắc. Từ phạt tiền, rồi tước bằng lái xe, phạt tiền kèm theo lao động công ích. Thậm chí ở mức độ vi phạm nguy hiểm còn có thể bị xử lý hình sự, bị giam giữ, bị bắt lao động cải tạo.
Các hình thức xử phạt nói trên không loại trừ bất kỳ ai, áp dụng cho mọi trường hợp kể cả khi người vi phạm chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Một ví dụ là danh thủ bóng đá Rooney của đội tuyển Anh - mặc dù rất nổi tiếng, thế nhưng năm 2017 anh đã vi phạm lái xe khi đã uống rượu. Mức phạt dành cho Rooney khi đó là nộp phạt gần 450 ngàn USD, cấm lái xe trong 2 năm, lao động 100 giờ không lương.
Tôi được biết tại Nhật Bản, hình thức xử phạt lái xe say rượu gây tai nạn chết người là đi tù 20 năm, gây tai nạn không làm chết người thì bị tù 15 năm. Đặc biệt người đi xe đạp cũng phải chịu những chế tài về sử dụng rượu bia như tài xế ô tô, mục đích nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Đối với Việt Nam chúng tôi hiện nay, những trường hợp uống rượu rồi lái xe vẫn còn rất nhiều. Hiện tại việc quản lý các tài xế tái vi phạm sử dụng rượu bia và chất ma túy khi lái xe vẫn chưa được thực hiện hiệu quả do không có cơ sở dữ liệu chung, thống nhất cho nên tính giáo dục và răn đe vẫn còn thấp.
Rất nhiều người Việt chúng tôi vẫn còn có cái thói coi việc uống rượu bia như là một “phẩm chất” của đấng nam nhi. Nếu để ý sẽ thấy không ít các cuộc gặp mặt bạn bè, người thân, câu chuyện từng uống rượu gì, bia gì, được bao nhiêu chai, say tít cung thang như thế nào... luôn được nhiều người kể ra với đầy tự hào. Nhiều “ma men" khi bia rượu xong, đi xe về nhà bằng cách nào cũng không biết, không nhớ nhưng lại coi đó là một chiến tích để khoe khoang về sự hết mình của mình với anh em.
Sophia ạ! Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung quản lý các lái xe vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy theo tôi là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Làm được việc này, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, tái vi phạm khi mà thông tin dữ liệu được chia sẻ trên toàn quốc. Xác định được các trường hợp tái phạm nhiều lần, thay vì nhắc nhở xử phạt, chúng ta sẽ có được các tình tiết để tăng nặng hình phạt, áp dụng các mức phạt cao về tài chính.
Đối với các “ma men”, cơ sở dữ liệu chung này đối với họ có thể coi như là một hồ sơ, trong đó mỗi một lần vi phạm chính là những “vết đen” đáng xấu hổ, cần phải ghi nhớ để tự răn chính bản thân mình. Nó giống như một bản kiểm điểm của cá nhân đánh vào lòng tự trọng, thức tỉnh nhận thức cũng như thái độ của các tài xế mỗi khi có ý định sử dụng rượu biatrước khi lái xe.
Có lẽ mỗi tài xế khi tham gia giao thông hãy xác định rằng: Mỗi lần uống rượu bia rồi lái xe tham gia giao thông là một “vết nhơ” của bản thân trước khi để pháp luật sờ đến.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Khánh
Tags