(Thethaovanhoa.vn) - Pháp hay nước nào cũng vậy, niềm vui bóng đá thường thoảng qua rất nhanh, nhường chỗ cho câu chuyện cơm áo, gạo tiền. Cho nên, trước trận chung kết gặp Bồ Đào Nha thì hôm qua, nhiều tờ báo lớn của Pháp vẫn đặt vấn đề: Liệu chức vô địch có giải quyết được những bất ổn trong lòng nước Pháp?
- Thư EURO: Ngày trùng phùng trên đất Đức
- Thư EURO: Paris mùa 'xôn'
- Thư EURO: Đến quán cà phê đầu tiên ở Paris
Bão tạm lắng nhường cho bóng đá và kỳ nghỉ
Tối 8/7, nghĩa là sau một ngày Pháp có chiến thắng quan trọng trước Đức. Từ Đức về, xuống sân bay đã 23h, chúng tôi không thể đi tàu vào Paris, do nhân viên đường sắt đình công. Đành phải đi taxi. Đường về nhà chỉ 10 km nhưng phải trả 30 euro, tương 750 nghìn đồng, quả là khá đắng.
Nhân nói đến Đức, sang Berlin, thấy khác hẳn Pháp. Nếu như có thể ví nền kinh tế Pháp và Paris đang như chàng trai lãng tử, sạch sẽ, có gì đó “đỏm dáng”, thì Đức và Berlin là gã đàn ông vâm váp, giản dị và năng động. Nhà cửa ở Berlin chắc chắn. Cao ốc mọc nhiều. Phố xá không sạch sẽ mà nhiều bụi, thô mộc. Nhịp sống ở Berlin hối hả hơn, xứng đáng là nền kinh tế đầu tàu của châu Âu. Kinh tế Đức vẫn giữ được nhịp ổn định, tỷ lệ người thất nghiệp tại Đức đã giảm xuống mức thấp kỷ lục - 2,76 triệu người. An ninh ở Đức vẫn đảm bảo tốt. Có nghĩa, Đức đã thua Pháp ở bán kết, và cho dù có thắng và vô địch EURO, thì người Đức vẫn yên tâm, không cần phải cứu cánh từ bóng đá như Pháp lúc này…
Paris mấy tuần qua không còn cảnh biểu tình, đình công (trừ mấy vụ lẻ tẻ, số lượng ít người), không phải vì người dân đã “buông tha” chính phủ. Đơn giản, nước Pháp bước vào kỳ nghỉ, các hoạt động xã hội phải ngừng để dân “giải lao”, nên đã khiến cho Paris và Pháp tạm yên ổn.
Người Pháp vẫn yêu nước nồng nàn, nhưng yêu nước không có nghĩa là hãy nhịn đi một tí, chờ cho EURO xong, muốn làm gì thì làm. Thay vào đó, họ vẫn biểu tình, đình công liên miên khi trái bóng EURO đã lăn. Chắc chắn sau kỳ nghỉ, họ lại xuống đường.
Hôm qua, tờ báo lớn nhất Pháp - Le Monde cũng đặt ra những câu hỏi: Pháp ngộ nhỡ có thắng Bồ Đào Nha, vô địch, liệu có phép màu nào xảy ra với nền kinh tế Pháp? Mọi thứ có “tốt dần lên”, như câu nói thường trực của Tổng thống Pháp Francois Hollande? Chỉ số niềm tin có tăng lên với chính phủ ông Francois Hollande?
Cầu nguyện cho EURO 'hạ cánh an toàn'
“Thất bại bao giờ cũng bất hạnh. Nhưng, đội chiến thắng vẫn không vì thế mà thịnh vượng”. Le Monde đã viện dẫn bài học cho ngôi vô địch World Cup 1998. 18 năm sau, trong trí tưởng tượng của nhiều người Pháp lúc này vẫn hình dung chiến thắng thể thao sẽ tác động tích cực đến sự năng động kinh tế đất nước. Giới phân tích cho rằng nguyên Tổng thống Jacques Chirac và chính phủ ông ta sau France 1998 được hưởng lợi, chỉ số tín nhiệm tăng lên, nền kinh tế cũng tăng lên 0,3 đến 0,7%, nhưng đến giờ phút này nhìn lại chưa hẳn do ngôi vô địch World mang đến. Bởi, tác động thể thao thường lướt qua quá nhanh. Đêm nay, Pháp nếu vô địch, người dân có thể đổ đồn ra các đại lộ, đến Khải Hoàn Môn ăn mừng, nhưng về cơ bản, khó giúp cho nước Pháp hết tổn thương về chính trị, xã hội, khủng bố… ngay bên trong cơ thể.
Quả thật, có theo dõi nguyên vẹn kỳ EURO, từng chứng kiến làn sóng đình công, biểu tình, mới thấy nước Pháp thực sự đang ở thời điểm mệt mỏi, phấp phỏng nhiều âu lo. Khi EURO được nâng lên thành 24 đội, số lượng trận đấu cũng tăng đột biến, trải đều trên 10 địa điểm thi đấu, đồng nghĩa với biết bao tụ điểm nhạy cảm mà an ninh phải bao quát. Ngoài vụ hai cảnh sát bị kẻ khủng bố giết chết, chưa xảy ra vụ nào liên quan đến khủng bố. An ninh Pháp đã làm việc quá tốt, để bảo vệ một kỳ EURO an toàn. Dù vậy, chi phí cho công tác an ninh đã ngốn rất nhiều ngân sách.
Chỉ còn một ngày này nữa thôi, EURO sẽ khép lại, an ninh có đảm bảo đến phút 90 vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ bởi vấn đề khủng bố phức tạp, chúng như bóng ma núp trong bóng tối, như chiếc thẻ đỏ, hay pha tuýt còi phạt đền ập đến ở phút bù giờ.
Pháp thắng Bồ Đào Nha để vô địch, hãy chúc mừng họ nhưng đừng khoác cho bóng đá sứ mệnh quá cao siêu, có thể làm lành mọi vết thương. Nếu đội tuyển xứ sở lục lăng thắng Bồ Đào Nha, hãy xem như liều thuốc đem lại chút niềm vui và sự lạc quan cho công chúng. Còn giúp người Pháp tìm lại sự cân bằng và niềm tin, e rằng không dễ.
“Tôi không phải là cầu thủ hay HLV nhưng một chiến thắng nhất định sẽ tác động đến tinh thần người Pháp. Nó cho cả dân tộc tin tưởng rằng có thể thành công không phải riêng lĩnh vực bóng đá”. Hôm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande trả lời phỏng vấn báo chí khi ông đang dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Ba Lan. |
Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa
Tags