(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều bảo tàng ở ta thành một không gian “chết”. Mong lắm có những “Đêm bảo tàng” của chúng ta và cho chính chúng ta.
Tôi nghĩ đến điều đó khi chứng kiến “Đêm bảo tàng” của năm 2015 vừa được bắt đầu ở Rome. Cùng một đêm cuối tuần đầu tiên của tháng 5, hàng chục bảo tàng lớn nhỏ ở Thủ đô Italy đón khách tham quan từ 8 giờ tối đến nửa đêm chỉ với giá vé 1 euro, rẻ trung bình bằng 1/10 giá vé thông thường vào ban ngày.
Khỏi phải nói là chương trình này thành công đến mức nào. Dòng người xếp hàng mua vé ở các bảo tàng, nhiều trong số đó là du khách nước ngoài, vô cùng dài.
Kể từ mấy năm nay, khi Bộ Văn hóa và Di sản Italy lấy tên của serie phim ăn khách Night Of The Museum của Ben Stiller để đặt cho một chiến dịch rầm rộ nhằm khai thác tối đa năng lực thu hút khách tại các bảo tàng, số lượng khách tham quan lẫn doanh thu tăng ổn định.
Và đã thành cái lệ, người Rome chờ đợi các chương trình “Đêm bảo tàng“ khác nữa để làm giàu thêm vốn sống và kiến thức của họ. Họ cũng mong những buổi Chủ nhật đầu tiên của tháng để được vào cửa miễn phí, mong những đêm mà các bảo tàng lớn có khuôn viên rộng rãi tổ chức cả những buổi hòa nhạc ngoài trời đến tận khuya dưới trời sao, biến những tối hè của họ thành một cuộc thưởng thức đặc biệt kết hợp giữa nghệ thuật và âm nhạc, trong một không gian lịch sử có hàng trăm đến cả nghìn năm tuổi.
Phải chăng người ta chỉ đợi những dịp này để thăm các bảo tàng, và nếu không có những “chiến dịch” như thế, bảo tàng ở Italy ra sao?
Sáng kiến “Đêm bảo tàng“ và các Chủ nhật đầu tháng miễn phí là của Bộ trưởng Văn hóa và Di sản Dario Franceschini. Con người rất ưa hoạt động văn hóa và rất uyên bác này đã công khai đặt ra câu hỏi: Tại sao Italy, đất nước của những di sản và bảo tàng, lại có lượng khách tới thăm các bảo tàng, các di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa thấp hơn Pháp (dù mỗi năm vẫn thu hút hành chục triệu lượt khách) và số lượng đang có xu hướng giảm đi?
Ông không mất nhiều thời gian để có câu trả lời: người Italy không hề lười đi bảo tàng (những triển lãm lớn, như của các họa sĩ nổi tiếng - tầm Caravaggio) chứng kiến những đợt xếp hàng mua vé dài cả cây số) mà vì giá vé vào cửa khá cao, một thách thức với họ trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, và nhiều bảo tàng chưa biết cách thu hút người xem. Phải có cách để khai thác tốt hơn nữa các giá trị của bảo tàng và khiến chúng trở nên gần gũi hơn với mọi người.
Thế là một cuộc cách mạng đã diễn ra như thế. Không ngạc nhiên khi số lượng khách và doanh thu các bảo tàng cũng như di tích tăng mạnh trên cả nước. Nhờ sáng kiến của Bộ Văn hóa và Di sản, khách du lịch tới Italy cũng không chỉ biết đến mỗi đấu trường La Mã Coliseum, Bảo tàng Uffizi hay Galeria Borghese, họ cũng biết đến Ara Pacis của hoàng đế La Mã đầu tiên Augustus, Galeria Barberini và hàng loạt bảo tàng khác nhỏ hơn, ít được biết tới hơn ở Rome và các địa phương.
Du lịch tới các thành phố nghệ thuật của Italy và du lịch di sản trở lại là một trào lưu đáng chú ý cùng với du lịch trang trại, khi người Italy tìm về các miền quê nghỉ ngơi (tôi sẽ viết về chuyện này trong một thư khác). Đi thăm bảo tàng và di tích lại trở thành một hoạt động mang tính gia đình với những người yêu nghệ thuật và lịch sử, vốn rất nhiều ở Italy, vì đam mê của họ cũng như nghiên cứu những vấn đề đó là bắt buộc trong chương trình học ở nhà trường, qua các thế hệ, trở thành một nếp sống, và cứ thế được duy trì.
Một đồng nghiệp người Pháp, một đất nước cũng rất nổi tiếng với các di sản, có lần bảo tôi rằng, dân trí của một quốc gia phần nào được thể hiện bằng thái độ đối với các di sản và cách cư xử với quá khứ, bằng cách đi bảo tàng, coi đó như một lối sống, để bồi bổ kiến thức cho mình và làm giàu thêm vốn sống cũng như tâm hồn.
Nghe bạn nói thế mà chạnh lòng nghĩ đến những bảo tàng quạnh quẽ ở nhà mình, trong khi môn học lịch sử đã trở thành một nỗi sợ hãi với nhiều học sinh. Những bảo tàng vắng khách đến ghê người và phải duy trì phần nào cuộc sống của họ bằng cách cho thuê mặt bằng để kinh doanh (trong đó có bán bia, tạo ra một sự kết hợp kỳ quái, khi có một không gian hưởng lạc sống động bên cạnh một không gian trưng bày các hiện vật chìm trong dấu ấn thời gian).
Đi bảo tàng không thành một lối sống bởi người ta còn lo bở hơi tai cho cuộc sống vật chất. Và một điều logic xảy đến: lũ trẻ, những người kế tiếp chúng ta, hầu như không biết tới bảo tàng, vì cha mẹ chúng cũng không nghĩ tới đó là cần thiết và không đưa chúng tới đó (ngay cả du khách mình tới Italy cũng hầu như không dành thời gian cho việc thăm các bảo tàng). Những trường hợp thành công trong thu hút khách như Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội, với các hoạt động rất đa dạng, là ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi.
Đương nhiên, không thể so sánh được hai thế giới khác nhau, những ngẫm ra vẫn thấy buồn. Cần có những “Đêm bảo tàng” như thế.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags