“Tôi dạy con tôi không được ăn ngay bất cứ thứ gì mà người khác cho. Nó cần phải hỏi xin phép tôi khi nó được cho quà”. Thằng bé đã luôn hành xử như thế trong thời gian nó ở cùng bố tại Pháp, nhưng đến khi về nước, mọi chuyện thay đổi. Thấy bố thằng bé 6 tuổi rất nghiêm khắc với con trong chuyện ăn kẹo, một ông bác ruột dấm dúi cho nó kẹo và dặn: “Cứ ăn đi, đừng nói gì với bố”. Ông bạn tôi đã rất cáu sau khi phát hiện ra chuyện ấy. Anh bảo: “Thực ra tôi hiểu đây là cách tư duy khác nhau giữa ta và Tây. Ta luôn nghĩ rằng, vì tôi quý cháu, tôi mới làm thế, trong khi không hiểu rằng, anh ấy đang phá hoại cách dạy con của tôi và làm hư nó. Tây thì tôn trọng mọi người, dù chỉ ở những chi tiết nhỏ nhất”.
Ông bác của thằng bé có lẽ không nghĩ thế, cho là bạn tôi “nâng cao quan điểm”. Sự khác biệt của các tư duy và các nền văn hóa đã tạo sự ra vênh, và không dễ san lấp sự vênh ấy. Nhưng tôi nhận ra rằng, tư duy theo kiểu “nghiêm túc” ấy là đúng, lúc đầu nghe có vẻ to tát thật, nhưng thực ra lại rất con người. Sự tôn trọng được đặt lên hàng đầu trong quan hệ giữa các cá nhân. Bạn mời đến nhà ăn tối thì bao giờ cũng gọi điện trước hỏi xem chúng tôi có thể ăn được gì, không ăn được món gì, có dị ứng với đồ gì không. Nếu như có món gì không ăn được, có thể họ sẽ làm một món khác cho riêng tôi. Họ cũng hỏi tương tự như thế cho con tôi. Và cũng tương tự như thế ở trường học.
Năm nào cũng thế, trường cho bố mẹ đăng ký con có thể ăn đồ gì, không ăn được đồ gì, có kiêng gì không (không chỉ vì lý do sức khỏe, mà còn cả tôn giáo, chẳng hạn trẻ theo đạo Hồi thì không ăn thịt lợn). Một bảng thực đơn đồ ăn được dán trang trọng ở cửa, thông báo cho các phụ huynh biết con họ được ăn những gì ở trường. Bảng thông báo ấy nằm ở một vị trí rất dễ nhìn, “hoành tráng” chẳng kém gì một tấm giấy nhỏ có dòng chữ “coi chừng có chấy” và hướng dẫn cách phòng chống cho trẻ. Và nữa, thông báo về những buổi tập văn nghệ, những hoạt động của lũ trẻ trong trường học, các giờ ngoại khóa. Tuyệt nhiên không có những khẩu hiệu đầy sáo rỗng về trách nhiệm của người đi học cũng như trách nhiệm của người thầy.
Chợt nhớ lại những giấy tờ mà thỉnh thoảng con tôi đưa về để phụ huynh ký. Năm nào cũng thế, có một tờ thư của nhà trường đề nghị được dùng hình ảnh của con cái trên trang web, cho một tấm ảnh chụp chung toàn trường. Mới rồi, nó lại đưa về một tờ giấy khác của Hãng truyền hình RAI, xin phép sử dụng hình ảnh của các con vào việc phát sóng một chương trình được họ ghi. Cha mẹ nào không cho phép làm điều ấy sẽ ghi “không” vào tờ giấy, và người ta không cho con họ vào tấm ảnh hoặc chương trình mà không phàn nàn điều gì. Nghe có vẻ như chuyện “xin - cho” ở mình, nhưng bản chất của vấn đề lại khác. Đấy là sự tôn trọng lẫn nhau đã được quy định bằng luật lệ, bắt người ta phải tuân theo. Có những điều không quy định trong luật, nhưng đã ăn sâu vào ý thức của mỗi người.
Chẳng hạn khi lên thang cuốn, thường thì người ta đứng nép sang bên để những người vội hơn bước lên trước, và người đó rất hay nói “xin lỗi” hoặc “cho phép tôi” để bước qua; hay khi chẳng may va phải nhau trên đường, rất hiếm khi thấy người ta không nói “xin lỗi” (nhiều trường hợp, cả hai người cùng đồng thanh xin lỗi). Và những chuyện tương tự như thế, rất nhỏ, rất tiểu tiết, dường như chẳng thấm tháp vào đâu so với những chuyện lớn lao đại sự, xảy ra rất nhiều, hàng ngày trong cuộc sống.
Có lần tôi kể những chuyện này cho một người bạn. Bạn nghe xong rồi bĩu môi: “nhiễu sự, lắm chuyện. Cậu nhiễm tính quan trọng hóa của bọn Tây rồi”. Tôi nghĩ khác, những cái nhỏ nhặt “nhiễu sự” ấy là nền tảng cho những cái lớn của một xã hội quy củ và lấy con người làm trung tâm, một cách thật sự chứ không phải giáo điều.
Tôi lại nhớ ngày khai giảng của con gái. Thầy hiệu trưởng đang nói, bỗng dưng dừng bài phát biểu rất ngắn gọn để nói về một chuyện khác chẳng liên quan gì đến chủ đề: “Tôi xin ngừng lại tại đây. Xin thông báo là ông bà nào có cái xe đang đỗ ở kia có thể lùi ra một tẹo để một phụ huynh ở đây có thể ra trước để tới nhiệm sở đi làm”.
Các phụ huynh, trong đó có tôi, cười rộ lên. Tôi chính là người chủ của cái xe đỗ chắn đường ấy...
Hẹn quý anh chị ở các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags