Thư Brazil: Dưới ánh mặt trời mát dịu

Thứ Năm, 26/06/2014 15:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Brazil vừa vào Đông nên chúng ta có lẽ không nên lấy đó làm lý do bào chữa cho những thất bại của lục địa già châu Âu.

Con số hơn 60 ngàn vé bán trên trang chủ của FIFA thuộc về các CĐV Argentina (nhiều thứ hai, sau Mỹ) đã lỗi thời. CĐV Argentina ở Brazil lúc này có cảm giác có thể lấp đầy hai sân Marcana. Vì CĐV áo xanh trắng ở ngoài sân mỗi trận Argentina thi đấu, đông không kém ở trong.

Nam Mỹ không hề có lợi thế hơn

Truyền hình Brazil mấy hôm nay chiếu cảnh giao thông tuyến đường biên giới phía Nam từ Argentina, Urugay đổ về dòng xe lũ lượt.

Từ Buenos Aires tới Porto Alegre là 1300km, một quãng đường bằng từ Sài Gòn ra Vinh, hay từ Hà Nội vào Phan Rang. Chạy xe từ tối hôm trước đến trưa hôm sau là tới. Cao tốc ở Brazil, xe hơi được chạy tốc độ tối đa 120kmh.  

Nó cũng giống như những gì đã diễn ra ở châu Âu tám năm trước, CĐV các nước châu Âu tới Đức cổ vũ đội tuyển của họ dễ dàng như đi lại giữa các thành phố.

Từ Santiago, Chile qua Sao Paulo hay Rio de Jainero cực nhọc hơn. Phải chạy xe liên tục hai ngày cho quãng đường 3400km (tức là từ Hà Nội đi vào Sài Gòn rồi lại lộn ngược trở ra). Đường miền Tây Brazil xấu hơn chút ít.

Cũng một chút gian nan là đi từ Bogota, Colombia tới Cuiaba miền Trung Brazil, nơi Colombia đánh bại Nhật Bản 4-1. Hay từ Ecuador tới Brasilia (thủ đô của Brazil), nơi Ecuador thua Thụy Sĩ. Đều phải mất hơn hai ngày chạy xe mới tới.

Nhưng đó cũng không hẳn là lợi thế của các CĐV Nam Mỹ. Vì khoảng cách địa lý được san lấp bằng tính ưu việt của hàng không, trong khi những đam mê của các CĐV các châu lục khác, từ Á tới Âu, cũng cháy bỏng.

Số lượng vé bán ra cho các CĐV Đức và Anh đứng thứ ba và thứ tư theo  thống kê của FIFA.

Thực tế, trận đấu giữa Anh với Uruguay, 12 ngàn CĐV Uruguay có vé vào sân cũng đúng bằng 12 ngàn CĐV Anh. Rất nhiều người cả Anh và Uruguay cùng đi lùng vé chợ đen, nhưng người Brazil ở Sao Paulo mê bóng đá nên ít có người bán, dù họ có thể lời gấp 5-7 lần giá gốc. Anh và Italy thua Uruguay không phải vì ít hay nhiều CĐV.

Thời tiết không thể biện minh cho thất bại của châu Âu

Đa phần các trận quyết chiến ở lượt trận thứ hai vòng bảng diễn ra trong đúng ngày 21/6 lập Đông ở Brazil, đất nước nằm ở Nam bán cầu và bốn mùa đảo ngược so với Bắc bán cầu.

Khi các cầu thủ Anh đấu với Uruay (20/6), đó là lúc mà nhiệt độ ở Sao Paulo chỉ khoảng 17 độ C và độ ẩm rất thấp. Điều kiện thời tiết như thế có lẽ không thể lý tưởng hơn.

Chỉ có Amazon ở miền Tây Bắc Brazil, là nơi có đặc điểm khí hậu nhiệt đới, nóng 30 độ C và độ ẩm trên 80%. Điều kiện ấy là khá khắc nghiệt, nhưng nó không tới mức mang tính quyết định tới màn trình diễn của các cầu thủ và kết quả chung cuộc ở trận Mỹ hòa Bồ Đào Nha 2-2.

Hôm Đức đá với Ghana ở Natal, miền Bắc Brazil, nơi thời tiết chỉ ấm hơn, khoảng 25 độ C chứ không phải quá nóng.

Mà các trận đấu ở những khu vực đó đa phần đều diễn ra vào chiều hoặc tối trong khi khi hoàng hôn thường đến lúc 6 giờ chiều.

Băn khoăn cho châu Âu, mà đại diện là Đức ở trận đấu cuối cùng của họ, là với Mỹ, đá ở Recife, miền Bắc Brazil lúc 13h khi độ ẩm trong cả tuần này dao động khoảng 90% cũng có thể được giải tỏa bởi nhiệt độ ở đây chỉ 23-26 độ C và có thể có mưa.  

Một kết quả thế nào, có lợi cho Đức hay Mỹ, hay cho cả hai (để cả Bồ Đào Nha và Ghana cùng bị loại), và cho cả những gì đã diễn ra từ đầu giải tới nay không phải là thời tiết.

Bởi Tây Ban Nha, đội châu Âu đầu tiên bị loại còn được đá hai trong ba trận đấu của họ ở miền Nam Brazil, nơi như đã nói, thời tiết đang đẹp như những ngày cuối Hè châu Âu.  

Và nếu vẫn cứ cố tình coi thời tiết là yếu tố quyết định, thì các đội bóng châu Phi đáng ra đã phải có một kết quả tốt hơn. Hoặc phải hỏi xem các cầu thủ chủ chốt của các đội bóng Nam Mỹ đã làm gì để có phong độ tối ưu khi mà chúng ta có thể coi Messi, Agüero, Suarez, James… là những người châu Âu bởi họ quanh năm đá ở lục địa già.

Bởi thế, trừ Brazil với lợi thế (đồng nghĩa sức ép) của nước chủ nhà, cuộc chơi ở đây đã và vẫn chỉ đang là câu chuyện của trình độ.

Phạm Tấn (Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›